Chi tiền mua 'sự im lặng'

Nhạy cảm với âm thanh, Thùy Trang rất sợ ngồi ở nơi mà xung quanh là tiếng nhạc TikTok, YouTube ồn ào. Vài năm trước, cô tự thấy mình không khó tính như vậy.

 Nhiều người trẻ sợ tiếng ồn tại nơi công cộng, ngại giao tiếp với nhân viên bán hàng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều người trẻ sợ tiếng ồn tại nơi công cộng, ngại giao tiếp với nhân viên bán hàng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Quán cà phê nơi Thùy Trang (25 tuổi, quận 3, TP.HCM) hay gặp khách hàng và ngồi làm việc trở nên đông đúc hơn vào mùa nắng nóng. Đó cũng là lúc freelancer này quyết định chi 7,5 triệu đồng để mua chiếc tai nghe có chức năng chống ồn chủ động.

Chia sẻ với phóng viên, cô cho biết mình không thể tập trung, thậm chí cảm thấy đau đầu nếu xung quanh có tiếng trò chuyện huyên náo, ăn uống chóp chép hoặc gõ bàn phím cơ.

Trước đây, cô không nhạy cảm với âm thanh đến vậy.

“Tôi không biết nguyên nhân do đâu. Tôi còn ong ong đầu khi nghe tiếng còi xe, đặc biệt là những bài hát remix thay đổi liên tục khi lướt nền tảng video ngắn”, Trang kể, cho biết thêm vì yêu cầu công việc, cô thường xuyên phải bàn công việc ở những quán cà phê khu trung tâm.

 Thùy Trang không thể tập trung làm việc tại quán cà phê ồn ào. Cô khắc phục bằng cách mua tai nghe cách âm.

Thùy Trang không thể tập trung làm việc tại quán cà phê ồn ào. Cô khắc phục bằng cách mua tai nghe cách âm.

Theo chuyên gia tâm lý Vera Xuân Hường, Giám đốc Công ty đào tạo và tư vấn tâm lý Hạnh phúc Việt, nhiều khách hàng tìm đến bà để chia sẻ về những phiền toái khi tâm trạng thường xuyên nhạy cảm quá mức với âm thanh.

Đây không phải là vấn đề về thính giác mà xuất hiện do cả lý do về tâm lý và vật lý. Có rất nhiều yếu tố gây ra tình trạng này, có thể kể đến như chứng rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và phổ biến nhất là misophonia - hội chứng sợ tiếng ồn.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One năm 2023 chỉ ra cứ 5 người ở Anh sẽ có một người bị ảnh hưởng bởi misophonia. Đây là một hiện tượng gây ra cảm xúc và phản ứng mạnh mẽ đối với một số âm thanh nhất định.

Đó có thể là tiếng tích tắc của đồng hồ, hơi thở nặng nề, gõ, bấm bút, nước nhỏ giọt, tiếng giấy hoặc nhựa sột soạt và tiếng nhai chóp chép.

Các phản ứng có thể xuất hiện bao gồm mệt mỏi, tức giận hoặc hoảng sợ. Cơ thể người mắc chứng này cũng thay đổi như nhịp tim tăng lên hoặc hành động trừng mắt.

Còn tại Việt Nam, theo bà Hường, chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người mắc misophonia. Tuy vậy, đây được cho là một hội chứng phổ biến, không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại mang đến nhiều bất tiện.

Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nhưng tỷ lệ ở nữ cao hơn.

 Nhiều người nhạy cảm quá mức với âm thanh. Đây là một hội chứng phổ biến, không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại mang đến nhiều bất tiện.

Nhiều người nhạy cảm quá mức với âm thanh. Đây là một hội chứng phổ biến, không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại mang đến nhiều bất tiện.

Sợ tiếng ồn

Quốc Bảo (28 tuổi) đang tìm người để nhượng lại căn hộ mình thuê tại quận 7, TP.HCM. Designer này cho biết còn hợp đồng thuê nhà đến cuối năm, tuy nhiên không thể ở thêm bởi khu vực xung quanh quá ồn ào.

“Phòng tôi ở tầng 15, có cửa sổ quay ra mặt đường lớn nhiều ôtô, container chạy suốt đêm ngày. Từ sáng sớm, tiếng còi xe, phương tiện đi rầm rập khiến tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, tâm trạng cáu kỉnh”, anh nói.

Theo Bảo, anh chỉ mới gặp tình trạng nhạy cảm với âm thanh khoảng 2 năm gần đây, mức độ càng nghiêm trọng mỗi khi anh căng thẳng, mệt mỏi vì công việc. Nhiều lần, anh rời khỏi quán bar từ sớm, bỏ lại bạn bè vui chơi vì không chịu được tiếng bass đập mạnh. Gần đây, Bảo không còn tham gia những cuộc vui như vậy nữa.

"Ồn ào quá, tôi không chịu được".

Không ít lần Bảo đeo tai nghe cách âm ngay trong cuộc gặp gỡ với nhóm bạn. Anh lý giải mình stress, sức khỏe suy giảm.

"Trong khi tôi chưa tới 30 tuổi", Bảo nói thêm.

 Bích Ngọc nhờ nhân viên dịch vụ không giao tiếp mà chỉ tập trung thực hiện liệu trình.

Bích Ngọc nhờ nhân viên dịch vụ không giao tiếp mà chỉ tập trung thực hiện liệu trình.

Trong khi đó, Bích Ngọc (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) lại cảm thấy khó chịu với những âm thanh như tiếng bấm bút, gõ bàn phím của các đồng nghiệp tại văn phòng.

Đặc biệt, trong giờ nghỉ trưa, một số đồng nghiệp liên tục bấm chuột, gõ phím chơi game khiến cô không thể nghỉ ngơi.

Ngọc thừa nhận vấn đề sợ âm thanh của mình ngày càng nghiêm trọng khi cô bắt đầu ngại giao tiếp với người lạ. Đến spa massage cổ vai gáy, gội đầu dưỡng sinh, cô nhờ nhân viên chỉ cần tập trung thực hiện liệu trình mà không cần hỏi han mình có hài lòng hoặc còn đau ở đâu hay không.

Đi xe công nghệ, cô nhờ bác tài vặn nhỏ hoặc tắt loa phát nhạc, đồng thời đeo tai nghe để thể hiện không tiện trò chuyện.

Đối mặt ra sao?

Theo chuyên gia tâm lý Vera Xuân Hường, hội chứng sợ tiếng ồn là một vấn đề tâm lý, được xem là một dạng rối loạn thần kinh trung ương. Ngày nay, trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng như các mức độ của căng thẳng, con người có xu hướng ảnh hưởng bởi hội chứng này nhiều hơn.

Khi bị kích ứng bởi âm thanh lớn, người mắc hội chứng này có thể phản ứng ở nhiều cấp độ.

Ở trường hợp nhẹ, họ có thể cảm thấy lo lắng, khó chịu, chán ghét, muốn bỏ chạy. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, họ có thể sợ sệt, giận dữ, phẫn nộ, đau khổ, thù ghét và hoảng loạn.

Người mắc chứng rối loạn âm thanh thường lo lắng khi phải bước vào các tình huống có tiếng động gây khó chịu; dễ khó chịu và có xu hướng tránh xa các cuộc giao lưu với mọi người xung quanh. Thậm chí, những người này còn tránh đi ăn ở nhà hàng hoặc thậm chí không muốn ăn chung với người nhà.

 Chứng rối loạn âm thanh có xu hướng gia tăng với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và mức độ stress của người lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Chứng rối loạn âm thanh có xu hướng gia tăng với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và mức độ stress của người lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Hiện tại, hội chứng này không thể điều trị hoàn toàn, nhưng có thể được kiểm soát thông qua một số các liệu pháp cũng như lối sống khoa học. Ngoài việc giảm nhạy cảm với âm thanh, việc điều trị còn được thực hiện giúp cho người bệnh có thể kiểm soát được cảm xúc, giải tỏa căng thẳng và lo lắng.

Một số phương pháp có thể áp dụng để giảm thiểu chứng sợ tiếng ồn:

Sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) kết hợp với liệu pháp TRT, hỗ trợ thay đổi những liên kết tiêu cực từ âm thanh kích hoạt sợ tiếng ồn.
Nói chuyện, thay đổi lối sống như tập thể dục, ngủ đúng cách, tránh căng thẳng. Đồng thời, người mắc chứng này có thể tập làm quen với âm thanh dễ chịu.
Chuẩn bị nút tai sử dụng trong các trường hợp cần thiết, đeo tai nghe khi ra ngoài để tránh các âm thanh gây ra tình trạng khó chịu.
Trực tiếp đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý để đánh giá và chẩn đoán vấn đề đang gặp phải, sau đó lắng nghe lời khuyên để đưa ra phương án giải quyết triệt để.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-tien-mua-su-im-lang-post1434407.html