Ngày 4/11/1922, nhà khảo cổ học Howard Carter và nhóm của ông đã phát hiện ra lối vào một lăng mộ ở Thung lũng các vị vua tại Luxor, Ai Cập. Sau đó, họ tiến hành cuộc khai quật và xác định đó là lăng mộ của pharaoh Ai Cập Tutankhamun.
Pharaoh Tutankhamun hay còn được gọi là Vua Tut, trị vì Ai Cập từ khi 9 hoặc 10 tuổi. Ông băng hà ở tuổi 19 vào năm 1.323 trước Công nguyên. Trong suốt nhiều thế kỷ, giới chuyên gia nỗ lực xác định vị trí lăng mộ của pharaoh Tutankhamun. Việc nhóm của nhà khảo cổ học Howard Carter tìm thấy lăng mộ của pharaoh Tutankhamun được đánh giá là khám phá khảo cổ học quan trọng nhất Ai Cập cũng như thế giới trong thế kỷ 20.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành cuộc khai quật lăng mộ và tìm thấy quan tài chứa xác ướp pharaoh Tutankhamun cùng hơn 5.000 hiện vật quý hiếm gồm: vàng, đồ trang sức, đồ cúng, các bức tượng, cỗ xe ngựa, ghế, gậy chống, mặt nạ vàng...
Liên quan đến cuộc khai quật lăng mộ của pharaoh Tutankhamun, ít nhất 9 người tham gia dự án này lần lượt tử vong một cách kỳ lạ, bí ẩn trong vòng 10 năm kể từ lúc tìm thấy mộ cổ. Trong số này, Bá tước Carnarvon - người tài trợ cho cuộc khai quật và là một trong số những người đầu tiên bước vào lăng mộ - qua đời vào năm 1923 do bị muỗi đốt.
Sau cái chết của Bá tước Carnarvon, một số người tham gia dự án khảo cổ này lần lượt nhiễm bệnh rồi qua đời. Theo đó, người ta truyền tai nhau rằng "lời nguyền" chết chóc đã ứng nghiệm vì những người này đã xâm phạm nơi an nghỉ ngàn thu của pharaoh Tutankhamun nên phải hứng chịu sự báo thù của nhà vua.
Trước cái chết của ít nhất 9 người có liên quan đến cuộc khai quật lăng mộ của pharaoh Tutankhamun, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu. Sau một thời gian, họ phát hiện rằng nấm mốc có khả năng là một yếu tố góp phần gây ra cái chết của những người này.
Theo các nhà khoa học, nấm mốc thông thường, đặc biệt là Aspergillus có thể đã xuất hiện trên xác ướp của pharaoh Tutankhamun. Loại nấm này được biết đến là nguyên nhân gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Bá tước Carnarvon và những người có hệ miễn dịch yếu, có thể dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, có khả năng đã tiếp xúc với Aspergillus trên xác ướp và trong mộ cổ nên bị nhiễm trùng liên cầu khi vô tình bị trầy xước da, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Quan điểm này được nhiều nhà khoa học ủng hộ. Họ tin rằng cái gọi là "lời nguyền xác ướp Ai Cập" thực sự là do nấm mốc nguy hiểm có thể xâm nhập vào vết thương hở và lây nhiễm bệnh cho người tiếp xúc. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì người bệnh sẽ tử vong mà không rõ nguyên nhân.
“Nếu để một xác ướp trong lăng mộ niêm phong kín suốt 3.000 năm rồi mở ra thì bạn sẽ phải nhớ rằng, vi trùng vô hình có khả năng phát triển trong môi trường này, có thể ảnh hưởng đến các nhà khảo cổ học hiện đại và dẫn đến cái chết của họ. Vì vậy, những gì tôi đang làm bây giờ là sau khi phát hiện ra một ngôi mộ mới, tôi để mở nó trong vài giờ để thay thế không khí xấu bằng không khí trong lành", cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, tiến sĩ Zahi Hawass cho hay.
Mời độc giả xem video: Hé lộ vẻ “đẹp trai” của Pharaoh quyền lực nhất Ai Cập cổ đại.
Tâm Anh (theo BI, CNN)