Chi tiết các mức thuế mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% chung đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời tăng thuế mạnh đối với hàng hóa từ khoảng 60 quốc gia, bao gồm các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Theo thông báo, thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 54% (bao gồm 34% thuế bổ sung so với mức 20% trước đó). EU sẽ chịu thuế 20%, trong khi Nhật Bản bị áp mức 24%. Canada và Mexico sẽ không chịu thêm mức thuế mới do trước đó đã bị áp thuế 25% đối với nhiều mặt hàng.
Xem thêm: Ông Trump đảo ngược thuế quan, hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada

Ông Trump tuyên bố mức thuế nhập khẩu mới, một số nước bị áp thuế cao hơn. Ảnh: pickupimage.com
Mức thuế chung 10% có hiệu lực vào 5/4, còn các mức thuế cao hơn sẽ bắt đầu áp dụng từ 9/4.
Một số mặt hàng sẽ được miễn thuế theo quy định mới, bao gồm đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ, vàng, năng lượng và một số khoáng sản khan hiếm tại Mỹ. Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng đang cân nhắc áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng quan trọng khác như chất bán dẫn, dược phẩm và khoáng sản chiến lược.
Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại của Mỹ, đảo ngược xu hướng tự do hóa thương mại kéo dài hàng thập kỷ qua. Các chuyên gia cảnh báo động thái này có thể kích hoạt làn sóng “trả đũa” từ các đối tác thương mại, dẫn đến giá cả leo thang đối với nhiều mặt hàng như xe đạp hoặc rượu vang.
Ngay sau thông báo, thị trường tài chính Mỹ lao dốc, với các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh do lo ngại về tác động của các biện pháp thuế quan lên nền kinh tế, lạm phát và lợi nhuận doanh nghiệp. Từ tháng 2 đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất gần 5.000 tỷ USD giá trị.
Tuy nhiên, ông Trump lập luận rằng các mức thuế này là "biện pháp đáp trả" trước những hàng rào thuế quan mà các nước khác đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ, đồng thời khẳng định chúng sẽ giúp thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.
Ngược lại, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế này có thể làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu, gia tăng nguy cơ suy thoái, và khiến chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình Mỹ tăng thêm hàng nghìn USD mỗi năm.
Bên cạnh thuế nhập khẩu, ông Trump cũng ký sắc lệnh chấm dứt chính sách miễn thuế đối với các lô hàng có giá trị dưới 800 USD từ Trung Quốc, được biết đến với tên gọi "de minimis", sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5.
Quy định “de minimis” đang được các băng đảng Mexico lợi dụng để vận chuyển chất cấm vào Mỹ, trong đó Trung Quốc dính cáo buộc cung cấp nguyên liệu cho các đối tượng này để sản xuất ma túy. Việc siết chặt quy định nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng kẽ hở để đưa các lô hàng nhỏ vào Mỹ mà không bị đánh thuế, giúp tăng cường kiểm soát thương mại. Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ trách nhiệm liên quan tới vụ việc.
Các biện pháp thuế quan mới của Trump đã gây hoang mang cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp, vốn đã quen với các thỏa thuận thương mại được duy trì từ giữa thế kỷ trước. Một số nhà sản xuất trên thế giới đã bắt đầu tăng tốc bán hàng để tránh bị áp thuế mới, trong khi các ngành công nghiệp từ ô tô đến hàng tiêu dùng đều cảnh báo giá cả sẽ tăng vọt.
Xem thêm: Doanh số ô tô tăng vọt trước khi ông Trump áp đặt thuế quan lịch sử
Phía châu Âu bày tỏ phản ứng trước sắc thuế này, cho rằng chiến tranh thương mại chỉ làm tổn hại người tiêu dùng chứ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh một cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu phương Tây và mang lại lợi ích cho các cường quốc khác."
Trong khi đó, nghị sĩ Gregory Meeks, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết ông sẽ đề xuất một dự luật nhằm chấm dứt các mức thuế mới này. Tuy nhiên, dự luật này khó có thể được thông qua trong Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.
"Ông Trump vừa giáng một đòn thuế lớn nhất trong lịch sử hiện đại lên người dân Mỹ – một gánh nặng thuế khổng lồ lên toàn bộ hàng nhập khẩu. Chính sách liều lĩnh này không chỉ làm sụp đổ thị trường mà còn khiến các gia đình lao động chịu ảnh hưởng nặng nề," ông Meeks nhận định.