Chi tiết cách làm hồ sơ bồi thường bảo hiểm ô tô, 7 loại giấy tờ không thể thiếu nếu lái xe muốn nhận tiền

Hồ sơ bảo hiểm ô tô bao gồm những giấy tờ gì? Cập nhật thông tin mới nhất trong bài viết dưới đây.

Bảo hiểm ô tô có mấy loại?

Trang bị bảo hiểm ô tô (bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS)) và bảo hiểm vật chất xe ô tô là điều mà chủ xe nào cũng nên làm.

Theo đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô hay bảo hiểm bắt buộc ô tô là loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại về tài sản, thân thể và tính mạng bên thứ ba do lỗi chủ xe (người được bảo hiểm) gây ra. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự thuộc loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe ô tô cần có khi tham gia giao thông. Công ty bảo hiểm sẽ thực hiện thanh toán số tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm theo cách thức được quy định trong hợp đồng bảo hiểm đối với các khoản chi phí liên quan đến trách nhiệm dân sự do những thiệt hại gây ra cho bên thứ ba và tài sản của họ.

Bảo hiểm vật chất xe ô tô là loại bảo hiểm tự nguyện, rất cần cho việc sử dụng xe. Tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô, trong trường hợp xảy ra sự cố va chạm gây hư hỏng hay bị mất cắp, bên bảo hiểm sẽ bù đắp những khoản chi phí khắc phục thiệt hại giúp bạn chủ động hơn về tài chính và yên tâm trong việc sử dụng xe.

Bảo hiểm ô tô là một trong những loại giấy tờ bắt buộc khi người dân tham gia giao thông.

Bảo hiểm ô tô là một trong những loại giấy tờ bắt buộc khi người dân tham gia giao thông.

Mức bồi thường bảo hiểm ô tô

Mức bồi thường bảo hiểm ô tô bắt buộc

Theo khoản 5 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, trường hợp ô tô gây tai nạn, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới hoặc người lái xe có trách nhiệm dân sự được bảo hiểm số tiền mà người này đã bồi thường hoặc sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại.

Nếu người được bảo hiểm chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường trực tiếp cho bên bị thiệt hại.

Mức bồi thường bảo hiểm ô tô về sức khỏe, tính mạng

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.

Số tiền bồi thường bảo hiểm cụ thể được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại hoặc theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức bồi thường được quy định (theo điểm a khoản 6 Điều 12 Nghị định 67).

Trường hợp có quyết định của tòa án thì căn cứ vào quyết định của tòa án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Cụ thể:

- Bồi thường tối đa: 150 triệu đồng/người với trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật.

- Bồi thường theo mức độ thương tật:

Trong đó, tỷ lệ thương tổn được quy định tại Phụ lục VI của Nghị định 67/2023/NĐ-CP:

Ví dụ: Chạm sọ với tỷ lệ tổn thương là 8% thì mức bồi thường bảo hiểm = 8% x 150 triệu đồng = 12 triệu đồng

Lưu ý: Với tai nạn do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba, thì mức bồi thường bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng với bên thứ ba bị thiệt hại bằng 50% mức bồi thường theo quy định hoặc theo thỏa thuận giữa các bên nhưng cũng không vượt quá 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 67.

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.

Mức bồi thường bảo hiểm ô tô về tài sản

Theo điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức bồi thường bảo hiểm với thiệt hại đối với tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

Trong đó, mức trách nhiệm bảo hiểm với thiệt hại về tài sản do ô tô gây ra là 100 triệu đồng/vụ (căn cứ điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP).

Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải bồi thường thiệt hại về tài sản do ô tô gây ra theo thiệt hại thực tế và mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/vụ.

Bồi thường bảo hiểm vật chất xe ô tô

Sau khi được giám định viên xác định nguyên nhân tai nạn, chủ xe đưa xe vào gara trong danh sách gara liên kết với công ty bảo hiểm. Chi phí sửa chữa trong garage sẽ do công ty bảo hiểm chi trả cho garage. Chủ xe chỉ cần thanh toán mức khấu trừ theo quy định Bộ Tài chính, thông thường tối thiểu 500.000 đồng/vụ, hoặc chỉ trả thêm chi phí giảm trừ (nếu có).

Nếu trong trường hợp chủ xe tự đưa đến garage khác không theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì chủ xe tự chịu chi phí sửa chữa trước, sau đó cung cấp đầy đủ chứng từ cho công ty bảo hiểm và trong 15 ngày làm việc, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán số tiền bồi thường cho khách hàng sau khi trừ đi mức phí khấu trừ theo quy định Bộ Tài chính, mức giảm trừ (nếu có).

Khi đó, chủ xe cần cung cấp cho công ty bảo hiểm bản photo đăng ký xe, chứng nhận bảo hiểm, số đăng kiểm, giấy phép lái xe của người điều khiển xe khi gặp tai nạn, hóa đơn chi phí sửa chữa xe. Công ty bảo hiểm sẽ xác nhận và hoàn lại tiền bảo hiểm cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc qua hình thức chuyển khoản.

Sau khi được giám định viên xác định nguyên nhân tai nạn, chủ xe đưa xe vào gara trong danh sách gara liên kết với công ty bảo hiểm.

Sau khi được giám định viên xác định nguyên nhân tai nạn, chủ xe đưa xe vào gara trong danh sách gara liên kết với công ty bảo hiểm.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm ô tô bao gồm những gì?

Nghị định 67 năm 2023 của Chính phủ cũng có một số quy định mới về hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Theo đó hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe bao gồm các tài liệu sau:

1. Văn bản yêu cầu bồi thường. (Trước đây không quy định phải nộp văn bản này)

2. Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe (bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp), gồm:

- Giấy chứng nhận đăng ký xe (hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký xe).

- Giấy phép lái xe; Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm.

3. Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đổi chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp). Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

Giấy chứng nhận thương tích; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.

4. Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản:

- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).

- Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

5. Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.

6. Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

7. Quyết định của tòa án (nếu có). Đây cũng là một quy định mới mà trước đây không yêu cầu phải nộp.

Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại mục 1, 2, 3 4 và mục 7 nêu trên. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại mục 5 và mục 6 nêu trên.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chi-tiet-cach-lam-ho-so-boi-thuong-bao-hiem-o-to-7-loai-giay-to-khong-the-thieu-neu-lai-xe-muon-nhan-tien-172231122155301397.htm