Theo “Liên Hợp Báo”, Phòng nghiên cứu lịch sử cận đại thuộc Viện nghiên cứu lịch sử trung ương Đài Loan đã phỏng vấn 31 nhân viên phục vụ bên cạnh Tưởng Giới Thạch và hoàn thành cuộc phỏng vấn gần sáu mươi vạn từ, trong đó có nhắc đến “ngày cuối cùng” của Tưởng Giới Thạch.
“Rút khỏi Liên Hợp Quốc” là việc Tưởng Giới Thạch đã “dự liệu đến”. Ứng Thuấn Nhân người từng làm phó chủ nhiệm tổ nội vụ, vệ sỹ của Tưởng Giới Thạch nhớ lại, ngày 26 tháng 10 năm 1971, ông tháp tùng Tưởng Giới Thạch đến khách sạn Đại Khê, ngày hôm đó Vũ Quan báo cáo với Tưởng Giới Thạch về tin “rút khỏi Liên Hợp Quốc”, Tưởng Giới Thạch “ném mũ lưỡi trai xuống đất.” Ứng Thuấn Nhân cho rằng, ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch lâu như vậy, đây là lần đầu tiên tận mắt thấy Tưởng Giới Thạch rơi nước mắt.
Tiền Phục “bộ trưởng ngoại giao” trước đây của Đài Loan khi đó làm phiên dịch tiếng Anh cho Tưởng Giới Thạch, khi được phỏng vấn ông cho biết, khi từ Liên Hợp Quốc về Đài Loan báo cáo với Tưởng Giới Thạch, báo cáo khoảng 40 phút, Tưởng Giới Thạch tương đối bình tĩnh, chỉ điềm tĩnh nói với ông: “Mọi người đều cố gắng rồi, trước khi mọi người đi Mỹ, tôi đã đoán được kết quả này”.
Yêu hoa mai, thích xem “Li miêu đánh tráo thái tử”. Theo quan sát của những người phục vụ bên cạnh Tưởng Giới Thạch, Tưởng Giới Thạch khi đi xe, đi dạo, đi bộ, đều suy nghĩ mọi việc, cho nên các vệ sỹ không dám nói nhiều. Quách Bân Vĩ người từng đảm nhiệm công việc vệ sỹ cho Tưởng Giới Thạch tiết lộ, một lần đi dạo trong hoa viên, Tưởng chợt to giọng: “Không được, không được”, khiến các vệ sỹ bên cạnh giật mình, một lúc sau họ mới biết hóa ra ông đang suy nghĩ về công việc.
Quách Bân Vĩ còn cho biết, Tưởng Giới Thích thích hoa mai, Tống Mỹ Linh thì lại thích hoa hồng. Tưởng Giới Thạch từng nói với Tống Mỹ Linh: “Thích nhất mùi hương của hoa mai, ngửi thấy mùi hương này khiến đầu óc tôi tỉnh táo".
Ông cho biết, biệt thự Thổ Lâm trước trồng rất nhiều hoa đào, Tưởng Giới Thạch một ngày đặc biệt dặn dò chuyển hoa đào sang núi Dương Minh, và trồng hoa mai ở biệt thư, ở núi Giác Bản huyện Phục Hưng và ở khách sạn Dương Minh Sơn. Sau này mỗi dịp hoa mai nở, Tưởng Giới Thạch nhất định phải dành thời gian lên núi Giác Bản ngắm hoa, đồng thời mang một cành hoa đẹp nhất tặng đến thư phòng của Tống Mỹ Linh.
Ngày cuối cùng của Tưởng Giới Thạch: Ngày 5/4/1975, buổi sáng ngày Tưởng Giới Thạch qua đời, Tưởng Kinh Quốc sáng sớm theo thường lệ đến hỏi thăm cha, nói đến ngày thanh minh hôm đó, Tưởng Kinh Quốc dự định đi thăm mộ của Trần Đại Khánh “Vụ trưởng Vụ Quốc An” trước đây của Đài Loan, đồng thời hỏi thăm Tưởng Giới Thạch ngủ có được ngon không. Tưởng Giới Thạch chỉ nói mỗi câu: “Được” và muốn Tưởng Kinh Quốc đi về sớm.
Nhưng khi Tưởng Kinh Quốc chuẩn bị đi, Tưởng Giới Thạch lại nói “Con con con...” có cảm giác vô cùng đau đớn. Tưởng Kinh Quốc nhanh chóng quay người lại, Tưởng Giới Thạch mới nói: “Con... sau này phải đặc biệt chú ý sức khỏe bản thân”. Tưởng Kinh Quốc trả lời: “Vâng, thưa cha”. Đây có lẽ là lời nói cuối cùng của Tưởng Giới Thạch với Tưởng Kinh Quốc.
Quách Bân Vĩ nói, lúc đó sức khỏe Tưởng Giới Thạch không tốt, “chỗ này phải tiêm, chỗ kia phải truyền” nhưng lại vô cùng quan tâm đến con trai.
Ngày hôm sau, khi di hài Tưởng Giới Thạch được để lạnh ở bệnh viện, Tưởng Vĩ Quốc mới về kịp, hi vọng được nhìn thấy mặt cha lần cuối. Quách Bân Vĩ cẩn thận đưa di hài của Tưởng Giới Thạch từ tủ lạnh ra. Tưởng Vĩ Quốc nhìn thấy cha, liền quỳ sụp xuống, khóc lớn: “Cha ơi, con về rồi”…
Bảo Khanh