Chi tiết lịch thi đánh giá năng lực, tư duy trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy riêng để tuyển sinh.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) với khoảng 6 đợt thi (giảm 2 đợt thi so với năm 2023). Quy mô dự kiến tổ chức cho 84.000 lượt thí sinh đăng ký. Các đợt thi sẽ diễn ra từ ngày 23/3 đến ngày 2/6 tại 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng. Thời gian và địa điểm thi từng đợt cụ thể như sau:

Thí sinh đăng ký thi tại http:/hsa.edu.vn/, chọn địa điểm thi, ngày thi, ca thi. Hệ thống đăng ký chỉ cho phép tài khoản đăng nhập và thao tác trên một thiết bị máy tính tại cùng thời điểm. Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12/2024). Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký.

Bài thi đánh giá năng lực làm trên máy tính. Thời gian làm bài từ 195 - 199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học Tự nhiên - Xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Thí sinh có thể tham khảo “Đề thi tham khảo” tại Cổng thông tin khảo thí http://khaothi.vnu.edu.vn/.

Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

Để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đảm bảo quyền lợi của thí sinh, từ năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã điều chỉnh nội dung và hình thức của bài thi đánh giá tư duy theo hướng gọn nhẹ, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học. Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), tư duy Đọc hiểu (30 phút) và tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính. Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.

Tại kỳ tuyển sinh năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy. Dự kiến số đợt và thời gian tổ chức kỳ thi như sau:

Địa điểm tổ chức thi tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng. Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục và yêu cầu đào tạo toàn diện, từ năm 2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tuyển chọn những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực giúp mở rộng phương án xét tuyển của các đơn vị trong và ngoài hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 6 năm thực hiện, kỳ thi đã liên tục phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, nhận được sự đánh giá cao của xã hội, tin tưởng của thí sinh, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành 2 đợt. Theo đó, đợt 1 được tổ chức vào ngày 7/4 tại 24 tỉnh/thành phố, gồm 21 địa phương như năm trước là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và mở rộng thêm 3 địa phương là Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố vào đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 15/4.

Đợt 2 được tổ chức vào ngày 2/6 tại 12 tỉnh/thành phố, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 10/6.

Thí sinh có thể tham gia dự thi đợt 1, đợt 2 hoặc cả 2 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển. Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến diễn ra vào ngày 11/5. Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 15/3 đến ngày 15/4. Trước ngày 1/6, nhà trường sẽ công bố kết quả thi của từng thí sinh.

Lịch thi các môn cụ thể như sau:

Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Lưu ý, mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo. Thí sinh cần tìm hiểu kĩ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi theo nguyện vọng xét tuyển của bản thân.

Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp Trung học phổ thông. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo cấu trúc từng bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2006, được giảng dạy ở trường Trung học phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường. Lịch thi các môn cụ thể như sau:

Kỳ thi được tổ chức với 6 bài thi: Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Với bài thi Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, thời gian làm bài 90 phút. Bài thi sẽ gồm 50 câu hỏi, trong đó có 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn cũng có thời gian làm bài 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm khách và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội (đề bài được đặt ra theo định hướng mở với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống). Riêng bài thi Tiếng Anh có thời gian làm bài 180 phút với bốn phần Nghe, Nói, Đọc, Viết.

Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển dựa trên đề án tuyển sinh của trường.

Thí sinh đăng ký dự thi và nộp lệ phí đăng ký theo hình thức trực tuyến, được quyền lựa chọn ca thi và địa điểm thi phù hợp. Thí sinh làm bài thi trên máy vi tính tại các điểm thi do trường tổ chức.

Dự kiến, các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy sẽ có quy mô lớn hơn và được nhiều trường sử dụng hơn vào năm 2025 - khi kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thay đổi để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chi-tiet-lich-thi-danh-gia-nang-luc-tu-duy-trong-ky-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2024-167064.html