Chi tiết triển khai 5 nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong trường học
Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), mục đích của kế hoạch nhằm chi tiết hóa từng nhiệm vụ được Chính phủ giao, bảo đảm hiệu quả các nhóm công việc thuộc 5/9 nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao trong Chương trình công tác năm 2021.
Thông qua hoạt động khảo sát với các mẫu biểu, bộ công cụ và chọn mẫu phù hợp nhằm giúp cơ quan chức năng đánh giá đúng thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học hiện nay. Từ đó có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên, giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội trong trường học để truyền đạt, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, trau dồi kỹ năng cần thiết về công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giảng viên, giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Về nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học, nhiệm vụ này cần được triển khai tới 63 tỉnh/thành phố trong cả nước thông qua hình thức khảo sát bằng phiếu và sử dụng bộ công cụ. Yêu cầu tại mỗi tỉnh/thành phố lựa chọn một số trường học đại diện cho cấp học (chọn mẫu chuẩn) để khảo sát.
Các chuyên gia sử dụng mẫu phiếu và bộ công cụ khảo sát mới (sau khi điều chỉnh, bổ sung một số nội dung vào mẫu phiếu và bộ công cụ đã được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua) để triển khai, bảo đảm phù hợp với Luật PCMT hiện hành. Viện PSD chủ trì, phối hợp với các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tại địa phương để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tại địa phương được lựa chọn khảo sát cần tập trung tổ chức việc khảo sát, bảo đảm kết quả thực chất. Viện PSD cần chủ động thành lập các Nhóm công tác để phối hợp triển khai tại các địa phương và phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong các Nhóm công tác. Sau quá trình khảo sát, yêu cầu Viện PSD gửi báo cáo tổng hợp, phân tích kết quả khảo sát về Bộ GDĐT.
Về nhiệm vụ tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường trên toàn quốc - Bộ yêu cầu tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, ý kiến của đại diện một số Sở GDĐT và cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội để bổ sung, biên tập, hoàn thiện một số bộ tài liệu tuyên truyền, bảo đảm chất lượng phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên; cho cán bộ Đoàn, Đội trong các nhà trường.
Về nhiệm vụ xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học, nhiệm vụ này cần được triển khai dưới nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và thiết thực nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học tại mỗi địa phương.
Về nhiệm vụ phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, nhiệm vụ này sẽ được triển khai thí điểm tại 30 tỉnh/thành phố và tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ lựa chọn một số trường học để triển khai thí điểm.
Về nhiệm vụ triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, bộ tài liệu này cần được triển khai tại 63 tỉnh/thành phố bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến (tùy diễn biến của đại dịch Covid 19).