Chị tôi và những ngón chân đóng phèn…

Chị là chị cả trong gia đình. Gia đình tôi có hai công đất, hai công đất không thể nuôi nổi sáu miệng ăn. Cha phải đi làm mướn quanh năm, khi nơi này khi chỗ kia. Da mặt lúc nào cũng rám nắng. Mẹ tôi cũng vất vả không kém, bươn chải hết buổi chợ này sang buổi chợ khác. Hai công đất, giao lại cho chị. Mười bốn, mười lăm tuổi chị dang nắng 'móc mương' (móc sình non bỏ lên bờ, người quê gọi là đắp bờ, làm như vậy mương ruộng mới sâu cho cá tép trú ẩn), để đặt tép cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Hôm nào chị rảnh, đi mò tép dưới sông. Chị mò tép rất giỏi, hôm nào về cũng đầy nhóc tép cá. Mẹ lựa những con cá tép to đem ra chợ bán mua gạo, mớ còn lại lụn vụn để cả nhà kho quẹt ăn. Có hôm chị đi mò tép, bị cá chốt hoặc cá ngát con đâm phải về nhà chị lấy dầu bạc hà thoa, ngón tay bị cá đâm xưng vù nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng. Có lẽ, cuộc đời chị giỏi nhất là sự chịu đựng. Sự chịu đựng đến mức độ chai lì và luyện cho chị một 'tinh thần thép'.

Đến mùa nhổ mạ, cấy lúa, cắt lúa chị cũng làm hết. Ai mướn gì chị làm nấy, miễn sao có tiền phụ mẹ mua gạo chị chẳng từ nan. Ba anh em tôi còn nhỏ, chỉ biết há miệng chờ ăn, chưa biết làm gì ra tiền phụ giúp gia đình. Hai công đất trồng lúa năm ăn, năm thua. Vì hồi ấy, phương thức canh tác lạc hậu và hầu như ở quê tôi hồi ấy, chưa biết áp dụng kỹ thuật khoa học vào việc trồng lúa. Cha đi làm thuê phương xa, mẹ đầu tắt mặt tối, chị thân gái bươn chải. Có năm, hai công đất một mình chị dang nắng suốt hai ngày liền mới cấy xong. Đến mùa thu hoạch, chị đi mần “dần công” cho hàng xóm.

Cứ thế, năm này sang năm khác, năm nọ sang năm kia. Đôi chân chị lúc nào cũng “gắn bó” với sình non, phèn chua. Những ngón chân của chị móng thường bị dính sình non, phía trên móng đóng phèn. Cái màu vàng vàng cố hữa của ruộng đồng, rơm rạ. Vậy mà lúc nào chị cũng nở nụ cười thật tươi. Nụ cười chứa chan niền hy vọng. Hay chính từ gian khổ, tinh thần con người luôn ước vọng những điều tốt đẹp hơn chăng?

Mười tám tuổi chị chưa biết đến mùi nước hoa, màu son môi. Tất cả với chị đều xa xỉ. Vì vậy, chị tuyên bố đi lấy chồng làm ai cũng bất ngờ. Bất ngờ là vì chị chưa từng hòn hẹn, chưa từng thấy chị có những biển hiện đang yêu. Nhưng có lẽ, chị muốn gia đình bớt khổ, sau khi lập gia đình chị sẽ giúp gia đình bằng cách của chị mà chị nghĩ sẽ tốt hơn hiện tại.

Trước ngày chị đi lấy chồng, chị nhờ tôi đi mua cho chị trái chanh về chà móng tay, móng chân. Chị chà hết trái chanh, mà những ngón chân vẫn còn đóng phèn. Chị nhìn tôi cười bảo, thôi kệ từ xưa đã vậy. Màu của đồng quê mà, chẳng gì xấu hổ cả. Sự cam chịu và chấp nhận cuộc đời theo cách nghĩ của chị khiến tôi khâm phục. Vì không phải ai trong hoàn cảnh khó khăn cũng biết chấp nhận cuộc đời?

Đã hơn hai mươi năm, thời may chị chọn được “bến trong”. Mỗi lần về thăm gia đình, tôi cố tình quan sát, thấy những ngón chân của chị không còn đóng phèn nữa. Lòng thầm mừng cho chị…

TRẦN NHẬT HẠ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/chi-toi-va-nhung-ngon-chan-dong-phen-30571.html