Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, cần được các ban ngành, đơn vị chung tay tháo gỡ.

Các đại biểu đề ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Kế hoạch 93 của UBND tỉnh. Ảnh: THỦY TIÊN

Các đại biểu đề ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Kế hoạch 93 của UBND tỉnh. Ảnh: THỦY TIÊN

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 93/KH-UBND của UBND tỉnh, đánh giá những việc đã làm được, những tồn tại và đề ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Nhiều khó khăn

Toàn tỉnh hiện có hơn 60.100 người được hưởng trợ cấp an sinh xã hội (ASXH). Tính đến đầu tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 38.300 người có công, bảo trợ xã hội đăng ký mở tài khoản để chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt; trong số này có 21.357 người đã được chi trả trợ cấp qua tài khoản, đạt hơn 35,5% so với kế hoạch.

Là địa phương có hơn 8.300 người được hưởng trợ cấp, thời gian qua, huyện Tây Hòa đã phối hợp VietinBank Phú Yên thực hiện chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản. Đến nay, huyện này đã chi trả ASXH qua tài khoản cho 1.521 người, đạt 18%.

Ông Phan Công Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: So với kế hoạch, tiến độ thực hiện chậm bởi nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân chính là do người thụ hưởng chính sách ASXH hầu hết là người cao tuổi, người khuyết tật, điều kiện khó khăn, hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin. Ngoài ra, việc di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền khá xa cũng là trở ngại trong việc vận động mở tài khoản.

Tương tự, đến nay, huyện miền núi Sơn Hòa đã chi tiền trợ cấp hằng tháng qua tài khoản ngân hàng cho 850 người với tổng số tiền hơn 750 triệu đồng. Trong khi đó, toàn huyện có 3.448 người được hưởng trợ cấp hơn 2,5 tỉ đồng mỗi tháng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng cho hay: Hiện nay, chỉ có thị trấn Củng Sơn và xã Sơn Hà có trụ ATM. Trong khi toàn huyện có 7 xã đặc biệt khó khăn, không có trụ ATM với tổng số 1.566 người được bảo trợ xã hội. Vì vậy, để rút tiền, người dân phải di chuyển rất xa, có khi đi và về hơn 80km nên nhiều người chưa đồng thuận nhận trợ cấp qua tài khoản.

Ngoài ra, khi nhận trợ cấp qua tài khoản, các khoản chi phí phát sinh khi giao dịch cũng là một vấn đề khiến nhiều người e ngại. Theo bà Trần Thị Chét ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), hằng tháng bà nhận trợ cấp 360.000 đồng, nếu mở thẻ bà lo ngại các khoản phí rút tiền, phí thường niên… trong khi số tiền được trợ cấp đã rất ít ỏi.

Chung tay gỡ khó

Chung tay tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Kế hoạch 93, tại hội nghị sơ kết mới đây, đại diện các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ cá nhân được bảo trợ xã hội.

Ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ chi trả hỗ trợ ASXH thuộc các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và Phú Hòa.

Tính đến tháng 5/2024, Agribank Phú Yên đã mở tài khoản và cấp thẻ cho hơn 9.400 người, chiếm 49% so với tổng số người đơn vị phụ trách chi trả ASXH. Khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã xây dựng sản phẩm dành riêng cho các cá nhân này. Ngân hàng cũng hỗ trợ miễn hoàn toàn phí mở thẻ, phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền khác hệ thống và không bắt buộc duy trì số dư tối thiểu. Ngoài ra, ngân hàng đã có văn bản trình hội sở xin miễn phí quản lý thẻ thường niên. Trong năm nay, Agribank Phú Yên sẽ lắp đặt thêm 1 trụ ATM tại huyện Đồng Xuân, giúp bà con thuận lợi hơn khi rút tiền.

Các địa phương sớm rà soát, phân tách số người hưởng trợ cấp ASXH đã mở tài khoản nhưng chưa thể thanh toán không dùng tiền mặt và xác định nguyên nhân vì đâu; còn lại là số người hoàn toàn không thể thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để có hướng xử lý, đảm bảo hoàn thành các yêu cầu của Kế hoạch 93.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

Còn theo bà Đặng Thị Bích Triêm, Phó Giám đốc VietinBank Phú Yên, ngân hàng cũng đã có chính sách miễn hầu hết các loại phí khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng của nhóm khách hàng này. Hiện nay, ngân hàng chỉ còn thu phí chuyển tiền cho người thụ hưởng trợ cấp có tài khoản khác hệ thống ngân hàng và khoản phí này ngân hàng sẽ chi trả cho một tổ chức trung gian thanh toán. Sắp tới, để có thể miễn hoàn toàn khoản phí này cho các đối tượng thì ngân hàng sẽ phải xin ý kiến từ hội sở và cân đối một nguồn khác để chi trả cho bên trung gian.

Còn việc đầu tư thêm trụ ATM thuộc thẩm quyền của hội sở; các chi phí duy trì, đảm bảo an toàn cho 1 trụ ATM cũng rất lớn là những trở ngại khi muốn lắp thêm trụ. “Đơn vị xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên cũng sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ, chung tay cùng các địa phương để hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh”, bà Triêm khẳng định.

Ngoài các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn cũng đề xuất thêm những giải pháp có thể giải quyết vướng mắc khi thực hiện Kế hoạch 93 của UBND tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Giám đốc Viettel Phú Yên, trên địa bàn tỉnh, đơn vị đang có 4.100 điểm chấp nhận thanh toán và 170 nhân viên hỗ trợ rút tiền mặt ở khắp các thôn, buôn.

Người dân chỉ cần mở 1 tài khoản Viettel Money bằng số điện thoại cá nhân (không mất phí) là có thể rút tiền hoàn toàn miễn phí ngay tại địa phương. Với hệ thống chân rết này, nếu Viettel Phú Yên được tham gia chi trả chế độ ASXH sẽ có thể giải quyết được những khó khăn mà các đơn vị, địa phương đang gặp phải.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317547/chi-tra-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat--can-su-chung-tay-tu-nhieu-phia.html