Chi trăm triệu USD bảo quản tàu du lịch 'đắp chiếu' vì dịch

Hàng trăm con tàu được ví như những thành phố khổng lồ trên biển phải tạm dừng hoạt động vì Covid-19, đối mặt với những rủi ro và tốn kém...

Nhiều tàu du lịch biển phải neo đậu ngoài khơi vì không còn đủ chỗ đỗ trong cảng

Nhiều tàu du lịch biển phải neo đậu ngoài khơi vì không còn đủ chỗ đỗ trong cảng

Tốn 250 triệu USD/tháng chi phí quản lý và bảo quản tàu

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch biển gần như “đóng băng” trong nhiều tháng liên tục. Cách đây vài tuần, bên bờ sông Clyde (ở thành phố Glasgow, Scotland), hàng trăm người xếp hàng, chờ đón cảnh tượng hoành tráng và hiếm có khi những tàu du lịch hạng sang như Azamara Journey vào bờ. Nhưng nay, bờ sông vắng lặng bóng người và Azamara Journey cũng về cảng một cách âm thầm lặng lẽ không có những màn rú còi, chào đón rầm rộ. Cảnh tượng này là điển hình cho tình cảnh tàu du lịch biển trên thế giới phải nằm “đắp chiếu” thời gian gần đây.

Từ giữa tháng 3/2020, chỉ có một số nhỏ trong tổng cộng 400 tàu tuần dương du lịch trên thế giới được phép đón khách. Một số ít tàu ra khơi với mục đích đón các thành viên thủy thủ đoàn từ khắp nơi trên thế giới về nhà, số tàu còn lại nằm chờ ở các cảng biển, không thể “giương buồm” ra khơi. Ngay cả trong tương lai gần chắc chắn cũng như vậy. Như ở Mỹ, ít nhất phải đến ngày 15/9, ngành công nghiệp du lịch tàu biển mới được khởi động trở lại.

Giống như hàng không, thực trạng này khiến các nhà quản lý tàu biển đau đầu vì chẳng những không thu được lợi nhuận thương mại mà còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng từ kỹ thuật, thảm họa thiên nhiên đến nguy cơ bị trộm cắp tài sản trên tàu.

Theo văn bản chính thức của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), tập đoàn quản lý tàu du lịch biển Carnival Corp (doanh nghiệp đang sở hữu 9 nhãn hiệu, bao gồm một công ty tàu biển lớn nhất thế giới) đang phải bỏ chi phí quản lý và bảo quản tàu ở mức 250 triệu USD/tháng, kể từ khi toàn bộ tàu phải dừng hoạt động.

Riêng trong quý II, Carnival Corp thua lỗ 4,4 tỷ USD và con số này không ngừng đội lên nếu không thể dự tính thời điểm tàu vận hành trở lại.

Hết chỗ đỗ, tàu phải neo đậu ngoài khơi

Cũng giống những thách thức mà hàng loạt máy bay ngừng hoạt động đang gặp phải, việc tàu biển dừng hoạt động không có nghĩa chỉ cần có một nơi để chứa tàu là xong mà còn cần rất nhiều điều kiện khác.

Các nhà quản lý phải tìm nơi có điều kiện phù hợp cho phép tàu tránh được bão. Hiện tại đang không có đủ không gian cảng để có thể đỗ toàn bộ tàu du lịch cùng lúc, đặc biệt với những tàu cực lớn có thể chứa tới 8.880 người. Do đó, một số tàu “không may” sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc phải neo đậu trên biển, thường là dừng ở một cảng nào gần nhất để tiện nhận nhu yếu phẩm cũng như nhiên liệu.

Theo trang web chuyên theo dõi tàu biển Cruisemapper.com, tính đến đầu tháng 7 này, một nhóm 15 tàu của Carnival Cruise Line, Royal Caribbean và Celebrity Cruises đang phải neo đậu gần Bahamas. Tàu hành trình lớn nhất thế giới Symphony of the Seas, có thể chứa 6.680 hành khách đang phải lênh đênh ngoài khơi Cộng hòa Dominica.

Theo ông Bill Burke, cựu Phó Đô đốc Hải quân Mỹ, người đang giữ vị trí điều hành hàng hải cho tập đoàn Carnival, có 20 tàu đang ở biển Caribe, 40 tàu ở châu Âu, 35 tàu tại châu Á và 10 tàu ở Đông Thái Bình Dương.

Cần tới 120 nhân viên để bảo quản một con tàu

Nơi đỗ tàu là một vấn đề, để giữ tàu nguyên trạng, hạn chế những chi phí đắt đỏ, các phương tiện này cần phải được kiểm tra và duy trì vận hành. “Đa phần tàu du lịch hiện đại không được thiết kế hoặc chế tạo để chỉ cần tắt động cơ và bỏ đó là xong. Khối lượng máy móc, động cơ, thiết bị điện tử khổng lồ cần phải được bảo trì, kiểm tra và có biện pháp phòng tránh rủi ro”, ông Monty Mathisen, biên tập viên báo Cruise Industry News chia sẻ.

Mỗi tàu ngừng hoạt động luôn thường trực một đội vận hành, sẵn sàng thực hiện mọi tình huống. Đội vận hành này cần phải tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn và đối mặt với nguy cơ bị phạt nặng, cáo buộc hình sự hoặc nhiều mức phạt khác. Năm 2016, Carnival đã phải nhận án phạt treo 5 năm và 40 triệu USD vì tội gây ô nhiễm môi trường.

Ông Monty Mathisen giải thích thêm, trong ngành công nghiệp này, có 2 mức bảo trì là: “Warm” (ấm) và “cold” (lạnh). Trong mức “warm”, hầu hết các hệ thống của tàu vẫn được duy trì hoạt động, còn với mức “cold”, đa phần các bộ phận trên tàu tạm dừng hoạt động. Mức “cold” đòi hỏi nhiều bước phòng tránh cẩn thận hơn như niêm phong cửa ngoài, cửa sổ, di chuyển những đồ vải vào khu vực khô ráo, xếp gọn đệm sang một bên, mở tất cả ngăn kéo tủ và cửa tủ quần áo, niêm phong thiết bị trong nhà tắm…

Nếu bảo trì mức “warm”, tàu có thể dễ dàng được đưa trở lại hoạt động nhưng nó đòi hỏi lực lượng lớn nhân lực cũng như điều kiện trong quá trình bảo quản tàu. Mỗi tàu có một đội vận hành an toàn khoảng 120 thành viên đối với tàu lớn. Trong trường hợp bão hoặc thời tiết xấu, họ phải nhanh chóng di chuyển tàu.

Nhà phân tích vận tải thuộc công ty hàng hải Lloyd’s List đánh giá, mức “warm” chỉ phù hợp để áp dụng khi tàu tạm dừng hoạt động ngắn hạn. Sau chừng 6 tháng, tàu có thể mất một số giấy phép mà họ bắt buộc phải có để vận hành hợp pháp.

Mức “cold” yêu cầu ít hệ thống của tàu phải vận hành nên chỉ cần 40 thành viên thủy thủ đoàn nhưng nó sẽ rất mất thời gian, khó khăn và tốn nhiều chi phí khi chuẩn bị cho tàu hoạt động trở lại. Do đó, phương án này chỉ phù hợp trong điều kiện tàu phải dừng hoạt động nhiều tháng.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chi-tram-trieu-usd-bao-quan-tau-du-lich-dap-chieu-vi-dich-d472122.html