Chi viện cho chiến trường miền Nam, tiếp quản, xây dựng các đồn trạm biên phòng những ngày đầu giải phóng
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, lực lượng công an nhân dân (CAND) vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP)) xác định phải bảo vệ vững chắc biên giới miền Bắc, đồng thời tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam, với phương châm 'trước vững, sau mạnh'.
Các lớp tập huấn về công tác tiếp quản cấp tốc được Bộ Công an tiến hành. Trong vòng 10 năm, từ năm 1964 đến tháng 5-1975, lực lượng CAND vũ trang đã cử 2.925 cán bộ chiến sĩ an ninh vũ trang và các đơn vị B17, B18, B19… vào chiến trường miền Nam phối hợp chiến đấu. Tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Bộ tư lệnh CAND vũ trang đã cử nhiều đoàn công tác vào làm việc với Trung ương Cục cùng các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt để khảo sát tình hình triển khai lực lượng bảo vệ biên giới, hiệp đồng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và thực hiện tiếp quản, xây dựng các đồn, trạm biên phòng trên vùng mới giải phóng.
Sau Hiệp định Paris, chiến trường Trị Thiên Huế chia thành hai khu vực: Vùng giải phóng chiếm 83% diện tích, vùng địch kiểm soát chiếm 17%, lấy sông Thạch Hãn là đường ranh giới. Nhân dân đã đổ ra đường chào đón hòa bình, chào đón quân giải phóng. Lực lượng an ninh vũ trang Quảng Trị lúc này phải quản lý tuyến biên giới Việt - Lào và đoạn bờ biển của vùng mới giải phóng. Các đồn biên phòng Lao Bảo, phân đội 3 bảo vệ cảng Đông Hà, phân đội 190 bảo vệ Cửa Tùng, đồn biên phòng 170 Cửa Việt, trạm kiểm soát Nam Hiền Lương đã nhanh chóng được triển khai xây dựng trong nửa đầu năm 1973.
Vừa xây dựng đồn trạm mới, các chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây vừa tập trung giúp đỡ nhân dân xây lại những nếp nhà trên đống hoang tàn, đổ nát. Các trạm an ninh trở thành điểm tựa cho bà con giữa lúc bộn bề hậu chiến. Thực hiện chủ trương của Đảng ta lúc bấy giờ là “hòa hợp dân tộc”, những chiến sĩ công an vũ trang đã chủ động tiếp xúc, giao lưu với những người lính phía bên kia. Qua hàng rào kẽm gai, họ chia nhau điếu thuốc, nói chuyện quê hương, bản quán. Có tiếng gọi nào cao hơn tiếng gọi của Tổ quốc, của lòng yêu nước, thương nòi; Có sức mạnh nào cao hơn sức mạnh của chính nghĩa, nhiều binh sĩ, sĩ quan ngụy đã thực sự chuyển biến tư tưởng, buông súng đầu hàng.

Lực lượng công an vũ trang tuyên truyền về chính sách của cách mạng cho nhân dân ở thành phố Huế. Ảnh: TƯ LIỆU
Những ngày tháng 4-1975, trong bước quân đi thần tốc của năm cánh quân hùng dũng tiến về giải phóng Sài Gòn, những người chiến sĩ an ninh vũ trang đã đón lấy vận hội của dân tộc, chiến đấu kiên cường, quả cảm trong lòng địch để gây hoang mang, rối loạn đội hình chiến đấu của chúng. Nhiều tổ an ninh vũ trang hoạt động trong nội thành Sài Gòn theo sự phân công của biệt động thành đã bám sát các mục tiêu trọng yếu, chia quân rà soát các tuyến đường để làm nhiệm vụ tiếp ứng, dẫn đường cho các đơn vị thiết giáp, bộ binh từ năm cửa ô tiến vào nội đô Sài Gòn. Đồng thời chủ động chiến đấu trấn áp những hàng binh manh nha chống đối, bắn lén tại các điểm xung yếu, hỗ trợ quân chủ lực khi có yêu cầu.
Ngày 5-5-1975, dưới sự quản lý, kiểm soát của lực lượng an ninh vũ trang, cảng Sài Gòn đã có thể tiếp tục hoạt động đón tàu bè trong nước và nước ngoài. Sau bao năm mong đợi, con tàu đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, con tàu thống nhất nước nhà đã cập bến Nhà Rồng… Đại tá Bùi Long, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị BĐBP nhớ lại: Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới bờ biển tại các các vùng tự do thuộc cách mạng quản lý, trước đại thắng mùa Xuân năm 1975, hàng loạt các đồn, trạm biên phòng, chốt kiểm soát của lực lượng CAND vũ trang đã được thiết lập trên các tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia.
Những ngày đầu thống nhất nước nhà, lực lượng CAND vũ trang tiếp bước vào một nhiệm vụ mới với những thử thách mới của công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia khi non sông liền một dải. Giữa lúc các cán bộ, nhân viên các cơ quan từ căn cứ trở về trung tâm các tỉnh, thành phố để thực hiện việc xây dựng hệ thống chính quyền, nhân dân từ nơi sơ tán trở về quê hương xây dựng đời sống mới thì các chiến sĩ an ninh vũ trang miền Nam, CAND vũ trang miền Bắc lại khoác ba lô ngược dòng người lên biên giới xây đồn, lập trạm, thiết lập vành đai bảo vệ biên giới mới giải phóng và bắt đầu một cuộc chiến đấu mới, trấn áp phản cách mạng, chống Fulro không kém phần cam go và quyết liệt.

Lực lượng công an vũ trang tuần tra bảo vệ biên giới biển Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: TƯ LIỆU
Trong hai năm (1975, 1976), CAND vũ trang đã triển khai 143 đồn, 23 trạm biên phòng với hơn 6.000 cán bộ, chiến sỹ ở các tỉnh thành miền Nam, khép kín vành đai bảo vệ biên giới trên cả hai tuyến biên giới đất liền và tuyến biển. Để có thể hoàn thành tốt công tác này, lực lượng CAND vũ trang đã nhận được sự lãnh đạo sâu sát Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân các địa phương. Bên cạnh đó là sự dự báo chính xác, chủ động ứng phó từ trước nên Bộ tư lệnh CAND vũ trang đã lập tức có kế hoạch, phương án chi viện cấp tốc. Bộ tư lệnh đã chỉ thị cho cơ quan đại diện Ban An ninh vũ trang Trung ương Cục vừa tổ chức tuyển quân tại chỗ, vừa đồng thời điều động toàn bộ lực lượng dự trữ ở các nhà trường phía Bắc ngay lập tức lên đường chi viện. Điển hình như, tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, từ năm 1975 đến năm 1976, ta đã triển khai 14 đồn và 3 đơn vị cơ động để chốt giữ, kiểm soát hơn 700km đường rừng dọc tuyến biên giới, truy quét kịp thời bọn tàn quân chạy trốn.
Mỹ, ngụy cũng để lại Tây Nguyên một thế hệ những thanh niên trẻ bị đầu độc trong những cơn say ma túy. Các em là nạn nhân của một cuộc sống sa đọa, không lý tưởng, không tương lai. Những chiến sĩ an ninh vũ trang đã ở bên các em, giúp các em vượt qua cám dỗ, tìm ra mục đích cuộc sống của chính mình và hòa cùng nhịp sống mới với buôn làng. Đại tá Vũ Mạnh Tường, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng cho biết: Ngày đó, vừa xây dựng, triển khai lực lượng, các đơn vị CAND vũ trang miền Nam còn phải đối mặt với nhiều âm mưu, thủ đoạn hậu chiến của Mỹ, ngụy. Không chỉ bảo vệ toàn vẹn đường biên giới, bờ biển từ Bắc vào Nam, ta đã dần từng bước làm thất bại “Kế hoạch hậu chiến” của địch, bắt giữ 550 vụ, trong đó có 9 toán gián điệp biệt kích tổ chức xâm nhập qua biên giới các tỉnh phía Nam. Đồng thời phát hiện gần 2.000 đối tượng địch cài cắm, móc nối, xây dựng cơ sở ngầm chống phá cách mạng. Bên cạnh đó, ta ráo riết truy quét tàn quân ngụy còn lẩn trốn và bắt được 17.000 tên; tổ chức hơn 2.000 cuộc truy quét bọn tàn quân Fulro, diệt gần 450 tên, bắt và gọi hàng hơn 600 tên.
Đây cũng là khoảng thời gian tuyến biển đảo phía Nam nổi lên nhiều vấn đề phức tạp do các đối tượng xấu lợi dụng sự bất cập trong công tác tiếp quản và một số sơ hở của chính quyền cơ sở đã âm thầm kích động nhân dân tổ chức vượt biên, vượt biển. Đồng thời chúng cũng cài gián điệp xâm nhập, thu thập tin tức tình báo để cung cấp cho các đối tượng cầm đầu ở nước ngoài. Những ngày đầu, các đội CAND vũ trang biên chế từ 15 đến 20 người được phân về các đơn vị để tạo bộ khung chính cho các đồn, trạm thành lập sau này. Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, nguyên Phó tư lệnh BĐBP cho biết: Trên khu vực biên giới biển miền Tây Nam bộ, những ngày đầu mới giải phóng, nhân dân còn e dè, nghi hoặc, thậm chí nhiều gia đình, xóm ấp bàn bạc để chuẩn bị vượt biên, vậy mà các bà mẹ tại các làng cá nơi đây đã rất thương quý những đứa con miền Bắc, đã tin cậy, báo cho các anh những tin tức quan trọng góp phần phát hiện và ngăn chặn hàng nghìn vụ vượt biên trái phép.

Lực lượng công an vũ trang ở trạm kiểm soát cửa khẩu Đức Cơ, Gia Lai năm 1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 4-1975 đến cuối năm 1976, lực lượng CAND vũ trang đã hoàn thành công tác hiệp đồng tác chiến, triển khai tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới trên địa bàn cả nước, đồng thời tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng để bảo vệ biên giới. Cùng với các lực lượng, quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh kịp thời trấn áp có hiệu quả các đối tượng phản cách mạng, bọn tàn quân Fulro, ngụy quyền…, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng biên giới Tổ quốc Việt Nam thống nhất.