Chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, tôi đồng ý với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các ý kiến nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ nên tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn, điểm bất cập thực sự đã rõ để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh: Quang Khánh
Về kỹ thuật “một luật sửa nhiều luật”, từ khi được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2008 cho đến nay, kỹ thuật này đã có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều ưu điểm như: tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc xây dựng luật; không phải lặp lại các bước của thủ tục lập pháp; có thể khắc phục được nhanh chóng những mâu thuẫn có thể có của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật cũng có những hạn chế nhất định, mà nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống pháp luật. Trước hết, dùng một luật sửa đổi nhiều luật sẽ dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kể cả cán bộ, công chức trong việc tra cứu và áp dụng pháp luật. Ví dụ cụ thể như Luật Nhà ở đang được xem xét, sửa đổi, bổ sung lần này, trước đây đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần mà tên của những văn bản này không hề đề cập đến tên của Luật Nhà ở, gồm Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020. Trong đó, có việc hi hữu là cùng một kỳ họp Quốc hội trong năm 2020, Luật Nhà ở đã được sửa đổi, bổ sung cùng một lúc bởi 2 văn bản là Luật Đầu tư và Luật Xây dựng mà không có một luật riêng sửa đổi, bổ sung trực tiếp Luật Nhà ở. Dự kiến đến năm sau, năm 2023, chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Nhà ở, khi đó sẽ phải rà soát sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan của các luật này. Xét về mặt hình thức, đây là một sự chia cắt, manh mún và gây ra nhiều khó khăn, tạo thêm chi phí cho quá trình tra cứu và áp dụng pháp luật, cũng được xem là một trong những điểm nghẽn cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật sẽ làm giảm cơ hội tranh luận một cách chi tiết về từng nội dung sửa đổi, nhất là trong tổng thể của đạo luật gốc; việc nghiên cứu, lấy ý kiến, phản biện để phát hiện và sửa chữa các sai sót có thể có trong dự thảo luật cũng gặp nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo kỹ thuật một luật sửa nhiều luật có “tuổi thọ” rất ngắn. Điển hình như khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, Điều 75 của Luật Đầu tư mà chúng ta đang thảo luận tại kỳ họp này cũng chỉ mới có hiệu lực từ đầu năm 2021 đến nay.
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy, kỹ thuật một luật sửa nhiều luật không thể thay thế hoàn toàn các kỹ thuật lập pháp truyền thống và chỉ nên được áp dụng trong một số trường hợp nhất định và phải bảo đảm có sự kiểm soát chặt chẽ.
Ở nước ta, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định các trường hợp được phép sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, nhưng việc áp dụng kỹ thuật này đang có xu thế tăng lên. Theo một nghiên cứu gần đây, nếu trong giai đoạn 2008 đến 2015, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật chỉ chiếm 19% tổng số luật được ban hành, thì từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực đến nay, tỷ lệ này đã chiếm khoảng 40,7%. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn đối với việc sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật trong thời gian tới.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật tại kỳ họp này, chúng ta đang sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, lại theo quy trình rút gọn, vì vậy, đề nghị, chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do dự luật lần này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung, nên đề nghị khi biểu quyết thông qua luật này, cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật trước khi biểu quyết thông qua toàn dự án luật.
Riêng về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, tôi kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất về các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại, vì vấn đề này cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thí điểm về nội dung này ở một số địa phương trước khi tổng kết, luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi.
Quốc hội cần tổng kết, đánh giá việc sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật để áp dụng một cách thống nhất, chặt chẽ trong thời gian tới.