Chị Xuân

Chiều chủ nhật mưa lớn. Mây đen giăng nghịt trời. Màn mưa trút xuống dày đục. Gió thổi quện lốc xoáy vườn cây oằn oặt. Vạn vật mờ mịt cúi mình trong mưa gió. Núi Đất trước mặt chỉ còn cái bóng mờ ảo trùm lên nông trại. Tôi là nông dân từng trải qua bao cơn giông gió với nhiều miền thổ nhưỡng mà chưa thấy nơi nào có thời khí mạnh mẽ, kinh khủng như vầy.

Tôi đứng trước hiên nhà ngắm cảnh tượng kỳ vĩ, hoành tráng của tạo hóa. Cái đẹp của đất trời tạo tác nghệ thuật trình diễn ánh sáng, âm thanh ngay trước mắt tôi. Ánh sáng tia sét bung xòe nhảy múa quấn quýt với hình khối tháp núi. Chớp lóa đường nét không gian đa chiều, thu hút thị giác hơn gấp bội phần màn ảnh đại vĩ tuyến trong rạp chiếu phim. Tôi căng mắt chăm chú theo dõi sét nện trên đỉnh núi. Tiếng sấm động vang dội. Mặt đất rền rung chuyển. Ngôi nhà mái tôn rần rật. Ánh sáng tia sét từ đỉnh núi bật tung lên. Dòng điện trong mây chớp lóa dội xuống. Âm dương gặp nhau, phát ra hàng loạt tiếng nổ kinh thiên động địa. Luồng sáng lóa mắt xẹt tới tôi liền. Tiếng nổ tới vài giây sau đinh tai váng óc kích thích rung giật thần kinh. Không gian chớp sáng rực rỡ vũ điệu pháo hoa. Trỗi dậy tiếng trống trời đì đùng vang rền.

Mọi người sợ hãi vào trong nhà đóng cửa lại. Ngôi nhà mái tôn duy nhất nằm giữa nông trại có nguy cơ bị sét đánh. Chị Xuân lo lắng: “Đã có lần nào sấm sét như vầy?”. “Dạ, vẫn thường xảy ra, nhưng tia sét đánh cấp tập trên đỉnh núi. Em chưa bao giờ thấy sét đánh dưới đất bằng. Đỉnh núi cao thu hút sấm sét đó chị. Chị bước ra đây coi nè!”. Chị Xuân đẩy hé cửa bước ra đứng bên tôi. Giữa không gian đêm mênh mông, hai khán thính giả - tôi và chị lặng người thưởng thức vở kịch múa ôpêra rực rỡ ánh sáng, âm thanh của đất trời vần vũ suốt ba tiếng đồng hồ.

Sự hủy diệt của tia sét khá hiếm có. Trong cơn mưa có hàng chục cú sét phân nhánh nhiều tia sét. Tôi có lần thấy tia sét nện trúng ngọn cây cao tầm mười mét bốc cháy như cây đuốc. Thân cây to bị toác vỏ chết tươi. Những nơi có cây cao bị sét đánh, đất đai được bồi bổ phân đạm, do dòng điện cường độ mạnh phản ứng thu hút ni-tơ trong không khí. Cây trồng vươn lên xanh tốt. Có phải là luật bù trừ của tạo hóa. Trời lấy đi một cây, lại cho thêm nhiều cây.

Chị Xuân đã thu nhận tôi vào làm việc. Nông trại biệt lập, quạnh vắng, xa xóm làng. Sớm chiều dân làm rẫy dưa đi ngang qua. Họ gọi tên là “Nhà Xanh”. Nơi đây có đủ điều kiện cần thiết như đất đai, công cụ, nông cơ, nguyên vật liệu. Thuở ấy người ta gọi là “hiện đại hóa nông nghiệp”. Tôi phát huy năng lực sở trường vào việc trồng cây ăn quả, chăn nuôi đàn gà vịt, sử dụng các loại máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy phát điện chạy bằng nhiên liệu xăng dầu. Tôi được thực hành những lý thuyết cơ bản tôi đã học nơi trường quản lý nông nghiệp.

Miền Hiệp An nắng gió hun sạm da người, cát biển bồi lấp thành đất liền tự thuở xưa. Tôi biết lợi ích của chiếc nón lá giữ gìn khuôn mặt tôi không bị tàn phai bởi tác hại của tia cực tím từ mặt trời. Tôi biết lòng dạ con người: Cảm mến, nhiệt tình, thân thiện tạo nguồn năng lượng tích cực cho đời sống hăng hái phát triển sáng tạo. Đố kỵ, sân si, ghen ghét là hủy hoại mối quan hệ cộng tác việc làm, dứt bỏ những bàn tay siết nắm hoạch định cơ đồ dự án nông nghiệp.

Chị Xuân hơn tôi mười hai tuổi. Tôi, ba mươi tám tuổi đã sớm già háp bởi nắng sớm mưa chiều. Chị, năm mươi tuổi vẫn còn dáng đẹp quý cô nhà phố. Cái đẹp thu hút ánh nhìn. Cái đẹp thể hình khỏa vơi khổ nhọc. Cái đẹp tâm hồn cho lòng vui nhẹ lâng. Chị Xuân hiện diện nơi nông trại, tôi thấy hăng hái yêu đời. Tôi gắng rời mắt khỏi dáng chị vận áo thun màu thiên thanh. Bầu ngực khỏe vun đầy. Quần jeans ôm chân thẳng bước chắc trên lối cỏ.

Ngày đầu tiên, tôi nhận được tình người gần gũi, nụ cười thân thiện của chị Xuân. Mấy mươi năm sau trong trí tôi vẫn còn giữ ấn tượng tốt đẹp. Gia đình chị Xuân là chủ nông trại: Anh An- 51 tuổi, chồng của chị, Thành- 16 tuổi, con trai anh chị, Thòng và Thòn- hai em trai của chị, trạc tuổi tôi. Họ ngụ cư ở thành phố đông dân, phải lánh nạn chất thải ô nhiễm bầu khí thở môi trường sống. Mỗi tuần họ lái xe hai trăm cây số về Hiệp An nghỉ ngơi hai ngày cuối tuần. Ngày thường, nông trại vắng ngắt buồn teo, chỉ mình tôi làm bạn với đất trời, cỏ cây. Nơi đây có sẵn thực phẩm nuôi trồng như rau xanh các loại, đàn gà vịt. Muốn ăn hải sản cá, tôm, mực thì họ đi chợ miền biển Tân Hải chừng năm cây số.

Chị Xuân có đôi mắt khá đặc biệt, to-tròn-sáng, ánh nhìn thẳng, soi xét người đối diện. Nhưng là đôi mắt biết cười có lửa ấm lòng người. Chị biết xét đoán tánh người thiện lành hay độc dữ để thuê làm việc trong nông trại. Chị đã làm được nhiều việc quan trọng như quản lý công việc xây dựng cơ bản cho ngôi nhà kiên cố vững chãi. Liên kết khối nhà có ba phần: Nhà nghỉ, nhà kho, nhà vệ sinh.

Ngôi nhà màu thiên thanh khoe dáng đẹp trên nền thửa đất rộng. Từ bên chân núi Đất phóng tầm mắt thấy ngôi nhà như điểm tựa ấm áp giữa đất trời mênh mông. Tôi thấy khoan khoái khi ngắm hình khối và màu sắc như ý tưởng nghệ thuật được tạo nên bởi tâm sức của chị Xuân. Hình tượng ngôi nhà màu xanh trợ giúp tâm hồn tôi vơi bớt nỗi cô đơn, nhọc nhằn, lao khổ. Tôi như cái bóng lầm lũi, nhạt nhòa, lẩn khuất bên vườn cây rối vương sợi nắng chiều phai. Khi bóng hoàng hôn đổ xuống nông trại, màu xanh ngôi nhà bật sáng lên đẹp lạ thường.

Tôi vấp cản ngại từ anh An- làm việc ngành cầu đường, nhưng anh muốn thể hiện biết làm nông nghiệp. Anh An mua phân xác mắm có nồng độ muối mặn rất cao, thuê nhân công bón cho vườn cây chanh. Hôm sau, anh An về thành phố. Vườn chanh héo rũ lá đồng loạt. Tôi phải khẩn cấp kêu người bới đất gốc chanh cào phân mắm ra ngoài, tưới nước rửa sạch, cứu cây kịp thời. Thăm vườn thường xuyên là nguyên tắc vàng giúp tôi biết rễ cây chanh chiết cành rất mẫn cảm. Muối mặn gây hại sự sống nhiều loài cây trồng. Tôi làm việc vì trách nhiệm với nông trại. Anh An có thấy không? Sự ghen ghét vô lý có thể làm anh tối mắt. Chị Xuân biết rõ điều đó. Nhưng chị phải nhường nhịn chồng. Lòng đố kỵ của con người thật ghê gớm, nó phá tan dự án nông trại đang bước đầu dần hoàn thiện.

Thật lòng tôi không hề cho rằng tôi giỏi hơn ai cả. Các anh là chủ, nhưng kiến thức nông nghiệp hạn hẹp, thiếu quan sát, không học hỏi. Cái tôi ích kỷ của các anh như cục đá nặng trong lòng thì làm việc chuốc lấy thất bại. Có thể các anh nghĩ tôi là nông dân không biết gì về máy phát điện. Thòng, Thòn cùng sai lầm dẫn tới thiệt hại đáng kể. Các anh xây dựng nhà máy phát điện trên bờ hồ. Đất cát kết cấu lỏng yếu bị chấn động do máy nổ rung giật. Bờ đất bị sạt lở trong đêm ụp cả nhà máy xuống hồ nước.

Chị Xuân hỏi tôi cách khắc phục làm sao hiệu quả. Tôi trả lời: “Dạ, phải đóng cọc cừ, chèn bao đất và trồng cỏ”. Chị Xuân hiểu ngay việc phải làm. Chị, Thòng, Thòn và tôi lót dép ngồi ngoài vườn. Dân ngành nông nghiệp gọi là hội thảo đầu bờ. Tôi vẽ lý thuyết trên nền cát. Hàng cọc cừ bằng tre già đóng chặt xuống bờ hồ. Ba hàng bao đất chèn lên nhau. Sau đó đào bứng cỏ lau lách từ nơi khác tới trồng dày lên bề mặt. Tưới nước dưỡng nuôi bờ cỏ. Bờ cỏ chắn giữ nhà máy phát điện. Chị Xuân mua sắm vật liệu xong, điều khiển Thòng, Thòn và nhân công làm hoàn thành công việc. Máy nổ tăng mạnh ga, xung động truyền lực được nền cỏ hóa giải, hiệu quả thấy rõ. Chị Xuân thực hành ngay biện pháp quản lý cỏ nơi đất yếu bị dòng nước mưa xói lở cây trồng.

Tôi dẫn chị Xuân đi thị sát nông trại. Thửa đất hình vuông tọa dưới chân núi Đất. Dòng suối nhỏ lượn chéo qua hai góc. Thửa đất gần chân núi trồng xà cừ, keo tràm. Thửa đất bên này trồng cây ăn quả, xây dựng nhà ở, chuồng trại. Chị và tôi bước đi trên lối mòn thả hồn theo ý nghĩ riêng tư. Tôi biết suy nghĩ của chị: “Đất này phải làm gì để sinh lợi”. Tôi nói làm nông nghiệp thường lấy ngắn nuôi dài. Trồng cây ngắn ngày khoai, đậu, lúa, bắp để nuôi cây lâu năm xoài, mít. Hoặc chăm đàn gà, vịt tích góp dần để nuôi đàn bò sinh sản.

Tôi vấp cản ngại từ sự hạn hẹp kiến thức nông nghiệp của Thòng, Thòn. Khi tôi vào làm việc, các anh đã trồng hơn trăm cây xoài, chanh, mít. Tôi bón phân, tưới cây trong một tháng, không thấy cây phát mầm non. Thường thì rễ cây ăn phân đạm, đọt cây sẽ nẩy chồi mới. Tôi bới gốc cây để coi kỹ đất trồng có gì khác lạ. Thì hỡi ôi! Cây còn nguyên bầu túi nilon. Rễ cây bị bó bên trong làm sao ăn phân bón! Chị Xuân chủ trì hội thảo đầu bờ, khắc phục sai lầm, đưa ra quyết định bới đất lên tháo xé bầu cây và trồng lại, bón phân, bơm thuốc đúng loại, đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng, tưới nước sớm chiều. Đất trời không phụ công người, vườn cây ăn quả vươn lên khoe dáng mạnh khỏe như lực sĩ đẹp.

Tôi trình anh chị chủ, được sự đồng ý sử dụng tài lực cần thiết và thuê nhân công để chặn dòng suối nhỏ, làm đập tràn tích trữ nước tưới cây trồng trong mùa nắng. Hàng cọc tre được đóng sâu xuống lòng suối. Trăm bao đất xếp chồng lên tạo thành con đập dày ba mét, cao hơn một mét. Tấm bạt xe tải phủ kín lên bờ đập.

Đập nước đẹp thanh cảnh như trong tranh vẽ. Khóm trúc xinh rủ bóng mặt gương lung linh. Làn nước trong văn vắt. Đàn cá trắng vây vàng lượn lờ. Hình tượng nghệ thuật ngẫu nhiên được tạo thành bởi bàn tay nông dân. Dòng suối nhỏ quanh năm lưu chuyển là ưu ái của thiên nhiên dành cho nông trại. Tôi không hiểu tác động của phong thủy, nhưng cứ mỗi chiều ngồi ngắm cảnh đập nước, lòng tôi thanh thoát lạ thường, tạm quên nhọc nhằn lao khổ.

Tôi vô tình nhìn thấy tấm lưng của Thành. Dấu vết của trận đánh đòn như tra tấn. Lằn sẹo vắt trên lưng thâm bầm làn da trắng. Tôi hình dung cái roi dây da trong bàn tay độc dữ của người cha. Đứa con trai nằm sấp trên phảng cắn răng chấp nhận roi đòn. Tôi buột miệng: “Anh An ác lắm! Không vì lý do gì mà đánh con của mình tàn ác như vậy”. Chị Xuân thấy ánh mắt đau xót của tôi, chị nói chỉ vì Thành vô ý làm mất chiếc xe máy mới mua. Mãi sau này tôi mới biết nguyên do sâu xa, anh An đã giận vợ mà đánh con bằng đòn thù.

Chị Xuân đi chợ mua nhiều thức ăn. Chị nấu gà, xào mực, chiên cá, hướng dẫn tôi phương cách nấu món ăn ngon. Chị gọi tôi vào nếm canh gà lá giang. Tôi nhớ mãi động tác chị tay cầm muỗng múc canh đưa tôi đang há miệng ra. Cử chỉ ân cần, vui vẻ, nhiệt tình. Nụ cười, ánh mắt, dáng điệu thân thiện. Tôi hiểu chị Xuân bày tỏ thái độ trọng thị với tôi. Anh An đâu có hiểu: “Dù cảm mến chị Xuân, tôi vẫn biết rõ điều cấm kỵ trong mối quan hệ”.

Cũng còn may, tôi có nụ cười nông dân khỏa vơi lao nhọc, bao phen mùa màng thất bát, sâu bệnh phá hoại cây trồng, nắng dội mưa dầm, trần thân cuốc chĩa vẫn còn cười được. Anh An ra mặt không thích tôi cười. Anh ngộ nhận tôi cười chê anh với vụ phân mắm. Anh còn tưởng tượng ra chuyện xấu xa gì khi biết tôi dẫn chị Xuân đi thị sát nông trại. Anh theo dõi tôi và chị Xuân trò chuyện. Anh đoan chắc rằng hai người khác giới đồng cảm, tâm đắc có thể trở thành tình nhân khi có cơ hội. Ý nghĩ đen tối khiến anh buồn rầu, đau khổ, nhăn nhó thảm hại.

Tôi đành phải giã biệt chị Xuân. Xoài đang mùa trổ bông bạch ngọc thơm ngát xen lẫn hương chanh thơm ấm dâng tràn khắp vườn. Mặt trời lên đỉnh núi tỏa ánh sáng ngày mới. Bàn giao công việc, tôi rời khỏi Hiệp An, miền vấn vương kỷ niệm. Thời gian sau đó, tôi có biết dự án nông trại bị phá sản. Thửa đất và ngôi nhà màu xanh ngập chìm trong cỏ dại.

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN BÁ KHƯƠNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chi-xuan-125758.html