Chìa khóa để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ

Để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng trên 8%, như Quốc hội đã quyết nghị mới đây, một trong những động lực quan trọng nhất chính là đầu tư công. Thậm chí, đầu tư công được cho là 'chìa khóa' cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2025.

Thực ra, không phải bây giờ, mà đầu tư công đã luôn là một động lực quan trọng. Một tính toán cho thấy rằng, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Và cứ giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước thì sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Bởi thế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh Chính phủ muốn đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 lên trên 8%, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là vô cùng quan trọng.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội cũng đã thông qua kế hoạch tăng thêm 84.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi cho kế hoạch đầu tư công năm 2025, qua đó nâng tổng ngân khoản cho các chương trình, dự án đầu tư công năm 2025 lên tương đương 36 tỷ USD. Phương án nâng bội chi lên mức 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng đã được tính đến.

Bước đi này được các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đánh giá là “táo bạo”. Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn phải là đảm bảo dòng vốn đầu tư công hiệu quả, thực hiện đúng tiến độ, thậm chí còn phải nhanh hơn kế hoạch để sự tác động tới nền kinh tế được phát huy tối đa.

Đây là bài toán không dễ giải, do nhiều năm qua, giải ngân đầu tư công tuy đã được cải thiện rất đáng kể, năm ngoái đạt trên 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng vẫn là một “điểm nghẽn”, vẫn còn chậm, chưa được như kỳ vọng.

Để giải bài toán khó này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg, ngày 18/2/2025 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Một động thái đã được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thực hiện trong nhiều năm qua và giờ đây, còn quyết liệt hơn. Bởi lẽ, tổng nguồn lực đầu tư công năm 2025 là rất lớn. Hơn hết là bởi, mục tiêu tăng trưởng trên 8% buộc phải đạt được và đạt được hay không sẽ phụ thuộc khá lớn vào “chìa khóa” đầu tư công.

Con số đáng chú ý là tới ngày 23/1/2025, mới có trên 96% vốn đầu tư công năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ giao đã được phân bổ chi tiết. Số vốn còn lại cần phân bổ chi tiết là rất lớn (trên 84,840 tỷ đồng). Tỷ lệ vốn giải ngân đến hết tháng 1/2025 cũng mới đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngay trong những tháng đầu năm, trong Công điện 16/CĐ-TTg, đã có 26 bộ, ngành và 48 địa phương bị Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình vì chưa phân bổ chi tiết kế hoạch. Nhiệm vụ cũng đã được giao là phải nhanh chóng phân bổ nguồn lực này. Tất nhiên, là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu cả năm đạt 95% kế hoạch.

Khẳng định kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng” trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương, rất quyết liệt. Từ việc coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, đến tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công… Đã có những chính sách đặc thù được áp dụng. Cơ chế cho khai thác nguyên vật liệu thực hiện các dự án đầu tư công cũng đã được áp dụng. Thể chế, chính sách cũng đã được sửa đổi. Hơn thế, năm nay, hết quý I, nếu không phân bổ hết vốn, sẽ bị thu hồi về để phân bổ cho các dự án khác cần hoàn thành... Tất cả là để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ là nhiệm vụ được Thủ tướng hay Chính phủ giao nữa, mà thúc đẩy giải ngân đầu tư công giờ còn là “mệnh lệnh” của nền kinh tế. Muốn tăng trưởng trên 8% thì không thể để giải ngân đầu tư công chậm trễ thêm!

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chia-khoa-de-kinh-te-viet-nam-tang-truong-manh-me-d248107.html