'Chìa khóa' để ngành dược đạt mục tiêu đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD

Để đạt mục tiêu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD vào năm 2045, các chuyên gia y tế cho rằng, Việt Nam phải từng bước tham gia hệ thống thanh tra dược PIC/S – đã được 60 nước công nhận.

PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học chia sẻ với báo chí - Ảnh: VGP/HM

PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học chia sẻ với báo chí - Ảnh: VGP/HM

Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 được tổ chức mới đây, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học có chia sẻ, đầu năm 2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là những văn bản cực kỳ quan trọng, đóng góp và quyết định sự phát triển ngành dược Việt Nam từ nay đến cuối thập kỷ này.

Trong đó, PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh tới mục tiêu, đến năm 2045, nước ta phấn đầu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực…

Để thực hiện mục tiêu lớn này, bên cạnh các giải pháp trọng tâm về thể chế pháp luật, nhân lực, công nghệ, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh…, trong Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh công nghiệp dược Việt Nam phải Xây dựng lộ trình từng bước nâng cao các tiêu chuẩn về thực hành tốt (GPs) đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc; triển khai thực hiện tiêu chuẩn PIC/S-GMP hoặc tương đương trong sản xuất thuốc phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, khuyến khích triển khai thực hiện EU-GMP; nghiên cứu tham gia Hệ thống hợp tác thanh tra dược phẩm PIC/S (hệ thống thanh tra dược).

Vị chuyên gia về dược học này cho rằng, Hệ thống thanh tra dược phẩm PIC/S đã được khoảng 60 quốc gia trên thế giới công nhận.

"Nếu chúng ta muốn xuất khẩu dược và phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD, chúng ta phải tham gia vào Hệ thống này",PGS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.

Để tham gia vào Hệ thống này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ ra 2 vấn đề. Thứ nhất, các doanh nghiệp dược Việt Nam phải sản xuất thuốc ít nhất theo tiêu chuẩn của hệ thống thanh tra này vì sẽ được 60 nước công nhận.

Thứ hai, cơ quan quản lý dược nhà nước cũng phải tham gia vào Hệ thống thanh tra và được công nhận là cơ quan quản lý dược Việt Nam tương thích với tiêu chuẩn về thanh tra của Hệ thống này.

"Nếu làm được như vậy, kết quả thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam sẽ đượ tất cả các nước trong Hệ thống này công nhận và không cần phải mời các đoàn thanh tra nhập khẩu thuốc của Việt Nam đánh giá như hiện nay. Đây là hướng đi cực kỳ quan trọng để Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa", PGS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.

Được biết, năm 2022, ngành công nghiệp dược Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD. Khi phân tích thị trường từ con số này cho thấy, có đến 40% là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết là do các công ty của Nhật đầu tư trực tiếp và sản xuất tại Việt Nam, sau đó đưa về Nhật. Còn các công ty của Việt Nam vấn đang gặp nhiều khó khăn để vào thị trường này.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chia-khoa-de-nganh-duoc-dat-muc-tieu-dong-gop-vao-gdp-tren-20-ty-usd-102231020101956177.htm