Chìa khóa để nông sản Việt tiếp cận thị trường châu Âu

EU là một thị trường lớn cho hàng nông sản, nhưng tiếp cận là không dễ nếu hệ thống sản xuất, cung ứng không thay đổi theo hướng hiện đại.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới

Xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới

Tiềm năng lớn

Với truyền thống là một “quốc gia nông nghiệp” từ bao đời và lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh nông sản ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu. Xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, năng suất lao động ngành còn hạn chế; Thị trường tiêu thụ chưa ổn định và bền vững, trong khi các kênh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các nhà phân phối bán lẻ lớn còn hạn chế khi số DN tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít, và các rào cản về kỹ thuật, chất lượng của thị trường quốc tế ngày càng khắt khe.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp bền vững EU - Việt Nam do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh cho biết, tầm nhìn mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển trên thế giới (riêng ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới). DN nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho Việt Nam đạt được mục tiêu và tầm nhìn 2030 là xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.

Theo ông Carsten Schittek, Tham tán, Trưởng ban Kinh tế -Thương mại thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thương mại song phương giữa EU và Việt Nam. Thương mại nông sản luôn chiếm trung bình 10% tổng giao dịch hai chiều. Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU năm 2018 là 2,73 tỷ USD Mỹ - tương đương 15% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra toàn cầu.

“Thặng dư thương mại mà Việt Nam đạt được trong giao dịch nông sản với EU năm 2018 lên tới 1,5 tỷ USD. Và những con số như vậy sẽ còn tăng cao hơn nữa nhờ EVFTA, với nhiều mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và dự kiến tới 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm sau đó”, ông Carsten Schittek cho biết.

Và những thách thức cần hóa giải

Bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ Hà Lan hy vọng FTA với EU có thể mang lại những tác động thực sự thuyết phục với các nước đối tác. Nhưng vị Đại sứ này cũng lưu ý, đi cùng với các cơ hội thị trường là các thách thức đối với sản xuất trong nước. EU là một thị trường với các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và tuân thủ các quy định.

Để tận dụng được ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các sản phẩm phải đáp ứng nhiều yêu cầu về xuất xứ, chất lượng, an toàn. Để đáp ứng yêu cầu của EU, ngành nông nghiệp Việt Nang đứng trước áp lực nâng cấp hệ thống sản xuất, phát triển chuỗi giá trị để thu hút đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp bền vững, có sản phẩm chất lượng cao và cạnh tranh tốt và giảm áp lực lên môi trường.

Tuy thị trường EU có các yêu cầu rất cao nhưng không mang tính “đóng cửa” và cơ hội cho nông sản Việt Nam rất lớn, ông Carsten Schittek cho biết. Người tiêu dùng EU đánh giá rất cao các sản phẩm với các đặc tính đặc biệt (như các sản phẩm hữu cơ). Nhưng rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam nhưng lại chưa được “nhận diện” bởi người tiêu dùng EU. Xây dựng thương hiệu tốt hơn, quảng bá thương hiệu tốt hơn chắc chắn sẽ mang lại lợi ích gia tăng cho hàng hóa Việt.

Với cơ hội này, Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều, và phát triển ngành cung ứng, sản xuất bền vững.

Như vậy theo các chuyên gia, để các mặt hàng nông sản Việt Nam tiếp cận và đi vào được thị trường châu Âu thì cần cùng lúc giải quyết được các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ, thương hiệu, cải thiện chuỗi sản xuất, đẩy mạnh chuỗi giá trị, sản xuất bền vững tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn về lao động, môi trường... Đây cũng chính là hướng đi để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, với đòi hỏi hệ thống sản xuất, chế biến, cung ứng phải thực sự năng suất, hiệu quả và bền vững. Điều này đòi hỏi một sự cấp thiết phải chuyển đổi hệ thống hiện tại.

Theo TS. Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số vào nông nghiệp chính là một phần của giải pháp. Các DN hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ như Bayer, ABB, Nedspice Processing, Control Union Vietnam, NS Bluescope Lysaght Vietnam, IDH Việt Nam cho biết họ đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo và hợp tác.

“Là một công ty công nghệ có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất thực phẩm trên toàn thế giới, ABB cam kết hướng tới một tương lai sản xuất thực phẩm nông nghiệp bền vững”, ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam cho biết. Giám đốc ABB khẳng định sẽ đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường an toàn thực phẩm và sử dụng hiệu quả hơn các thiết bị, máy móc trong dây chuyền sản xuất.

Dẫn chứng các ứng dụng thiết thực của công nghệ số hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, ông Huỳnh Tiến Dũng - Tổng giám đốc Quốc gia Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH Việt Nam cho biết, IDH và các đối tác hiện đang phát triển một cơ chế thị trường mới cho phép tìm nguồn cung ứng từ nền tảng bền vững: Các nguồn cung ứng đã được chứng nhận (VSAs).

VSAs là một cơ chế mới nhằm đẩy nhanh sản xuất và thu hút hàng hóa bền vững trên toàn cầu. Với mục tiêu để xác minh tính bền vững của toàn bộ khu vực (ví dụ: đô thị, quận, huyện, tỉnh), do đó, sẽ không còn cần thiết phải xác minh riêng từng nhà sản xuất, nhà máy hoặc hàng hóa.

Bằng cách này, các mục tiêu bền vững có thể đạt được quy mô và tác động lớn hơn, qua đó giúp các nhà phân phối khối lượng lớn hàng hóa phù hợp với các cam kết bền vững của họ ở quy mô và giá cả cạnh tranh. Thông qua VSAs, toàn bộ khu vực sản xuất có thể được kết nối với thị trường toàn cầu. Tại Việt Nam, IDH vừa bắt đầu thí điểm VSAs tại tỉnh Lâm Đồng.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chia-khoa-de-nong-san-viet-tiep-can-thi-truong-chau-au-92424.html