'Chìa khóa' để xuất khẩu nông sản Hải Dương

Hải Dương có nguồn nông sản phong phú, dồi dào lại được sản xuất tập trung nên việc cấp mã số vùng trồng sẽ thuận lợi hơn so với những nơi khác và giúp nông sản của tỉnh có tấm vé ưu tiên trong xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 163 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng. Trong ảnh: Người dân khu Hà Đông đang vào mùa thu hoạch vải sớm. Vải được sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP. Nhiều vùng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường cao cấp

Toàn tỉnh hiện có 163 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng. Trong ảnh: Người dân khu Hà Đông đang vào mùa thu hoạch vải sớm. Vải được sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP. Nhiều vùng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường cao cấp

Xác định mã số vùng trồng (MSVT) là điều kiện bắt buộc để nông sản rộng đường xuất khẩu, thời gian qua ngành nông nghiệp Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh quy vùng, đề nghị cấp MSVT cho nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Tất yếu

MSVT là giải pháp đáp ứng đòi hỏi của khách hàng quốc tế về tính xác thực nguồn gốc sản phẩm cũng như tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, giám sát vùng sản xuất. Các vùng trồng sẽ được định vị GPS để cá nhân, tổ chức có nhu cầu hợp tác sản xuất, thu mua và người sử dụng truy xuất dễ dàng. Nhờ MSVT mà khoảng cách giữa người sản xuất, phân phối và tiêu dùng được kéo gần. Theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, MSVT không chỉ phục vụ mục đích xuất khẩu nông sản mà còn là xu hướng tất yếu khi chuyển đổi số đang dần phổ biến. Được cấp MSVT, nông dân sẽ sản xuất bài bản, đồng bộ, khoa học và hiện đại hơn.

Vì có cơ sở từ các vùng sản xuất tập trung đã được xây dựng từ trước nên việc quy vùng để cấp MSVT ở Hải Dương thuận lợi hơn. Mặc dù vậy muốn có mã số định danh, các vùng trồng phải bảo đảm các quy định tương đối khắt khe. Vùng trồng được cấp mã số phải bảo đảm các yếu tố về quy mô, chủng loại cây trồng, quản lý dịch hại, phương thức canh tác... Đến nay, toàn tỉnh đã có 163 vùng trồng vải, nhãn, chuối, dưa hấu với quy mô từ 5-10 ha/vùng được cấp mã số, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Bên cạnh MSVT, cơ sở đóng gói cũng phải đăng ký mã số thì mới được các nước chấp nhận. Hiện tỉnh có 113 cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về đóng gói, bảo quản nông sản xuất khẩu được cấp mã.

Có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gần 30 năm, bà Phạm Thị Mười, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Cường (Thanh Hà) cho biết thị trường truyền thống này đã không còn dễ tính như trước. Phía Trung Quốc đã kiểm soát chất lượng đơn hàng nông sản của Việt Nam, bắt buộc phải có MSVT để truy xuất nguồn gốc. Vì thế, doanh nghiệp phải thu mua nông sản được sản xuất trong vùng cấp mã số, nếu không sẽ bị trả về. Khi mới thực hiện, nhiều cơ sở còn loay hoay nhưng hiện tại đã vào guồng. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, MSVT vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, vừa tạo dựng uy tín với đối tác nước ngoài.

Vùng trồng được cấp mã số yêu cầu người dân phải nhập thông tin về sản xuất theo từng ngày

Vùng trồng được cấp mã số yêu cầu người dân phải nhập thông tin về sản xuất theo từng ngày

Quản lý chặt

Được cấp MSVT đã là vấn đề khó song việc quản lý, duy trì còn nan giải, phức tạp hơn. MSVT là điểm nhận biết rõ ràng nhất giữa nông sản xuất khẩu và các sản phẩm thông thường. Thế nhưng nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới tình trạng mượn MSVT để tiêu thụ, làm ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ngoài ra, nếu vùng trồng giám sát sản xuất không tốt, sản phẩm làm ra không bảo đảm chất lượng, bị khách hàng phản ánh thì sẽ phải xóa mã.

Vườn vải của gia đình anh Trịnh Xuân Cường ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường (Thanh Hà) nằm trong vùng được cấp mã số xuất khẩu. Do đó, vườn nhà anh Cường luôn được các doanh nghiệp ưu tiên thu mua với giá cao. Nhiều hộ xung quanh có ý định gửi vải của nhà nhờ bán song đều bị anh từ chối. Anh Cường thấy rằng đã hướng đến những thị trường lớn, khó tính thì không thể giữ tư duy chộp giật như trước. Người dân phải thực hiện quy củ từ khâu sản xuất đến cách tiêu thụ, không vì cái lợi trước mắt mà đánh mất lợi ích lâu dài. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có suy nghĩ giống anh Cường. Vụ vải năm trước, Công ty CP Ameii Việt Nam đã phải hủy một số kiện hàng xuất khẩu. Nguyên nhân do người dân đã "tuồn" vải ở ngoài vào, trà trộn với vải cấp mã số nên chất lượng không bảo đảm.

Quy định phải có MSVT thì nông sản mới được xuất khẩu đã tạo ra lợi thế lớn cho nông nghiệp Hải Dương. Với nguồn nông sản phong phú, dồi dào lại được sản xuất tập trung nên cấp MSVT sẽ thuận lợi hơn so với các nơi khác. Khi có MSVT thì nông sản của tỉnh sẽ có tấm vé ưu tiên xuất khẩu.

Không chỉ vậy, nông sản sản xuất ở vùng được cấp mã số còn có lợi thế lớn nếu tiêu thụ trong nước, nhất là ở phân khúc thị trường đòi hỏi cao về tính minh bạch và nguồn gốc sản phẩm. Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh nỗ lực đưa nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử và đạt được hiệu quả bước đầu. Khách hàng mua sắm trực tuyến đều có nhu cầu muốn biết thông tin sản phẩm rõ ràng nên nông sản ở vùng được cấp mã số sẽ có ưu thế. Hiện nay, vải Hải Dương bán trên sàn Lazada, Vỏ sò đã thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Hiện nay, cơ quan chuyên môn đang tiếp tục tích cực rà soát, đánh giá những vùng có khả năng, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, cấp MSVT. Tỉnh ưu tiên cho các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như dưa hấu, chuối, ổi... "MSVT là chìa khóa để mở cánh cửa xuất khẩu cho nông sản. Có được MSVT thì việc xuất khẩu nông sản sẽ không còn xa vời mà ở trong tầm tay", bà Kiểm khẳng định.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/chia-khoa-de-xuat-khau-nong-san-hai-duong-167454