Chìa khóa giúp CII tạo đột biến

Là công ty xây dựng, nhưng lợi nhuận chủ yếu hàng năm của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII, mã CII) lại đến từ chuyển nhượng khoản đầu tư và quyền tham gia dự án.

CII thoát lỗ nhiều năm nhờ chuyển nhượng khoản đầu tư và quyền tham gia dự án.

CII thoát lỗ nhiều năm nhờ chuyển nhượng khoản đầu tư và quyền tham gia dự án.

Thoát lỗ nhiều năm

Khác với các doanh nghiệp chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, tại CII, nhiều năm qua liên tục xuất hiện nhiều giao dịch chuyển nhượng cổ phần hoặc quyền tham gia dự án để có thể ghi nhận lãi đột biến bù đắp vào hoạt động kinh doanh cốt lõi thua lỗ.

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 2 của CII (lần 1 không tổ chức được do tỷ lệ tham gia không đủ theo quy định), ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, mã SII) sẽ ghi nhận lãi và sau khi thoái vốn, CII sẽ đầu tư lại vào Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB).

Được biết, từ ngày 6/6 đến 5/7, CII đăng ký thoái toàn bộ 32.661.350 cổ phiếu SII, tương ứng 50,62% vốn điều lệ và từ ngày 21/6 đến 20/7, Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP đăng ký mua vào 12.259.200 cổ phiếu SII để nâng sở hữu từ 0% lên 19% vốn điều lệ.

Đáng lưu ý, DNP là bên liên quan của ông Lều Mạnh Huy, thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc; ông Ngô Đức Vũ, Chủ tịch HĐQT và bà Phan Thùy Giang, thành viên HĐQT của Saigon Water. Đồng thời, DNP đăng ký mua cổ phiếu SII đúng thời điểm CII bán ra.

Cần phải nói thêm, Saigon Water kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, làm giảm lợi nhuận hợp nhất của CII. Trong đó, năm 2020 ghi nhận lỗ 104,6 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 73,5 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 88,97 tỷ đồng, quý I/2023 tiếp tục lỗ thêm 13,5 tỷ đồng.

Việc thoái vốn tại Saigon Water giúp CII vừa không phải hợp nhất khoản lỗ hàng năm của Saigon Water, vừa có thể ghi nhận lãi đột biến.

Thực tế, nhiều năm qua, CII liên tục ghi nhận lãi đột biến từ hoạt động giao dịch chuyển nhượng khoản đầu tư và quyền tham gia dự án. Khoản mục này từ năm 2019 đến 2021 vượt cả lợi nhuận sau thuế. Nếu loại trừ các khoản đột biến này, lợi nhuận của CII có thể âm trong 3 năm liên tiếp.

Cụ thể, năm 2019, CII ghi nhận lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư 760,5 tỷ đồng, cao hơn 238,65 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Công ty thuyết minh chủ yếu do lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và thanh lý công ty con. Năm 2020, lợi nhuận đột biến tiếp tục ghi nhận 546,9 tỷ đồng, cao hơn 74,88 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế và Công ty thuyết minh chủ yếu lãi từ giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp Công ty TNHH City Garden Thủ Thiêm 533,2 tỷ đồng và Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ 13,5 tỷ đồng.

Năm 2021, lãi đột biến tổng cộng 475,9 tỷ đồng, cao hơn 717,98 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế, Công ty thuyết minh do việc chuyển nhượng quyền tham gia đầu tư, phát triển dự án đầu tư bất động sản. Và năm 2022, lãi đột biến 810 tỷ đồng, thấp hơn 50,55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chủ yếu là lãi do bán cổ phiếu Năm Bảy Bảy, chuyển hạch toán từ công ty con sang công ty liên kết.

Đảo nợ vay và đẩy mạnh phát hành trái phiếu

CII cho biết, đang đàm phán nhận khoản tín dụng 450 triệu USD để trả nợ dự án BOT, đồng thời cung cấp thêm tín dụng để giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong dự án BOT từ mức vốn chủ sở hữu/vốn vay là 50/50 về mức 30/70. Trong đó, điều kiện đàm phán là bên cho vay đồng ý để CII thu hồi vốn song song với hoàn trả vốn vay.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 24/5, ông Lê Quốc Bình cho biết, đã nhận được quyết định tài trợ của gói 2.400 tỷ đồng, mục đích sử dụng vốn là tái cấu trúc vốn cho 2 dự án quy mô lớn. Đồng thời, CII thông qua kế hoạch phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, Công ty dự kiến phát hành gói 2.522 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông trong năm 2023, mục đích là đầu tư góp vốn/hoặc mua trái phiếu của đơn vị liên quan.

Với việc đẩy mạnh huy động vốn từ tổ chức tài chính và phát hành trái phiếu cho cổ đông hiện hữu của CII, cổ đông của Công ty lo ngại dư nợ sẽ tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, tiền trả lãi có thể ăn mòn lợi nhuận và ảnh hưởng tới khả tăng trả cổ tức.

Trả lời về lo ngại của cổ đông, ông Lê Quốc Bình cho biết, CII phát hành trái phiếu để cấu trúc nợ, nên tổng nợ vẫn dưới 20.000 tỷ đồng, Công ty dư sức trả lãi và trả thêm nợ gốc ngân hàng. Ngoài ra, việc thu phí giao thông (dự án BOT) kỳ vọng sẽ tăng nhờ lưu lượng xe tăng và sau 3 năm điều chỉnh giá vé, doanh thu sẽ tăng, còn dư nợ vay giảm xuống.

Được biết, kế hoạch gọi vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và khoản tín dụng chỉ mới nằm trên kế hoạch của CII. Tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty tăng 4,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 650,2 tỷ đồng, lên 15.232,5 tỷ đồng và bằng 183% vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, tổng tiền mặt của Công ty là 836,3 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng tài sản.

Như vậy, dù Công ty có dòng tiền từ 7 dự án BOT có thể đảm bảo trả lãi vay, nhưng việc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán liên quan tới trái phiếu và nợ vay ngân hàng đến hạn còn phụ thuộc vào quá trình huy động vốn mới và đáo hạn nợ trong thời gian tới.

Thời điểm 31/12/2021, CII sở hữu 65,32% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận đầu tư vào công ty con. Tới cuối năm 2022, tỷ lệ sở hữu chỉ còn 37,52% vốn điều lệ, chuyển sang ghi nhận công ty liên kết. Trong đó, CII thực hiện bán ra cổ phiếu NBB, chốt lời và ghi nhận lãi đột biến từ việc thoái một phần vốn. Tuy nhiên, CII và bên liên quan đang lên kế hoạch tăng sở hữu trở lại tại Năm Bảy Bảy trong năm 2023, đặc biệt là sau khi thoái vốn xong tại Saigon Water.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chia-khoa-giup-cii-tao-dot-bien-d192962.html