''Chìa khóa'' gỡ vướng trong đầu tư chợ

Đến nay, toàn tỉnh mới có 24/140 chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) quản lý. Các chợ đã chuyển đổi phần lớn tập trung ở TP. Thái Nguyên, trung tâm các huyện, thành phố và ở những vị trí giao thương thuận lợi, có lợi thế thương mại.

Việc chuyển đổi mô hình chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý sẽ huy động được nguồn lực đầu tư chợ khang trang, hiện đại.

Việc chuyển đổi mô hình chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý sẽ huy động được nguồn lực đầu tư chợ khang trang, hiện đại.

Các chợ do DN quản lý phần lớn được xây dựng cải tạo lại, cơ sở vật chất khang trang, công tác phòng cháy chữa cháy cơ bản đảm bảo, phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân. Trong khi đó, chợ chưa được chuyển đổi chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp, nền đường giao thông, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước hư hỏng, mái che bị thấm dột, sửa chữa chắp vá hạn chế về giao thương (chợ phiên). Việc chuyển đổi mô hình hoặc xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo chợ gặp khó khăn.

Thực trạng của Thái Nguyên cũng là tình hình chung của cả nước. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đảm bảo cơ sở pháp lý tổ chức triển khai thực hiện, ngày 5/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 60/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Theo đó, Nghị định có một số điểm nổi bật quy định chi tiết về phân loại chợ, quản lý và tổ chức hoạt động chợ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân và DN. Đáng chú ý nhấn mạnh nội dung, chợ được quản lý bởi DN, HTX đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do Nhà nước đầu tư... thay vì ban quản lý chợ như trước đây.

Đặc biệt, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đã đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương. Về phân cấp quản lý, UBND tỉnh có trách nhiệm phát triển và quản lý các loại chợ đã được thiết kế theo hướng phân cấp triệt để, tạo sự linh hoạt, chủ động cho UBND tỉnh: “Phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh cho UBND cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định hiện hành; chỉ đạo UBND các cấp thực hiện rà soát, công bố việc phân hạng, phân loại chợ”.

Về quản lý điểm kinh doanh tại chợ, Nghị định mới cắt giảm các thủ tục hành chính về phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ do các bên tự thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật khác quy định; thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thể hiện trong hợp đồng giữa tổ chức quản lý chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của UBND có thẩm quyền.

Những điểm nổi bật của Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và phát triển các chợ, đồng thời đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng và các DN.

Linh Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/chia-khoa-go-vuong-trong-dau-tu-cho-c6d1c93/