'Chìa khóa' hồi sinh cho hàng loạt dự án 'đắp chiếu'
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án 'đắp chiếu' trên cơ sở minh bạch và công bằng sẽ tạo động lực lớn để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách và đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Hàng loạt dự án "án binh bất động"
Những năm qua, tại các địa phương như: Tp.HCM, Hà Nội hay Bình Dương, nơi được coi là trung tâm phát triển mạnh về đô thị và bất động sản, đã ghi nhận hàng loạt dự án rơi vào cảnh "chết lâm sàng". Các dự án này bị đình trệ do vướng mắc pháp lý hoặc kết luận thanh tra, kiểm toán, gây ra lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả kinh tế.
Một ví dụ điển hình là Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Quy hoạch từ năm 1992 với diện tích hơn 400 ha, nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là vùng đất trống vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.
"Ồn ào" nhất phải kể đến Dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (6,4 ha) của Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An. Thanh tra Chính phủ kết luận rằng, dự án vi phạm Nghị định 71/2010 khi không đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, công ty này chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp gần 220,5 tỷ đồng vào ngân sách, dẫn đến nguy cơ thất thu lớn. Ngoài ra, dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng công ty đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công ty Xe lửa Dĩ An đã phản hồi rằng kết luận của cơ quan thanh tra chưa xem xét đến thực tế dự án khi phần lớn người dân đã sinh sống tại đây. Công ty cho biết đã tuân thủ đúng trình tự pháp lý được phê duyệt bởi Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, nghĩa vụ tài chính sử dụng đất vẫn chưa được thực hiện do tỉnh chưa đưa ra thông báo chính thức.
Công ty đã nhiều lần kiến nghị được nộp số tiền này để hoàn tất nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, để thể hiện sự minh bạch và hợp tác chia sẻ với đối tác, Công ty Xe lửa Dĩ An khẳng định sẵn sàng hỗ trợ thủ tục thanh lý hợp đồng và trả lại tiền theo các điều khoản trong hợp đồng với những nhà đầu tư muốn thanh lý hợp đồng hợp tác.
Còn tại dự án khu nhà ở đường sắt mở rộng (4,8 ha), công ty cũng bị xác định vi phạm huy động vốn trái phép cho 290 nền đất. Mặc dù đã chịu xử phạt hành chính, dự án này vẫn chưa được khắc phục và tiếp tục rơi vào tình trạng "đắp chiếu" nhiều năm qua.
Giải pháp tháo gỡ và kỳ vọng phát triển
Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện có gần 1.000 dự án bất động sản trên cả nước gặp vướng mắc pháp lý dẫn đến đình trệ, chậm tiến độ. Điều này không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn gây áp lực lên giá nhà ở, làm giảm niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Trước tình trạng trên, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các địa phương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, nhưng quá trình thực hiện hết sức khó khăn vì có thể dẫn tới các rủi ro pháp lý cho cán bộ thực thi. Lý do bởi ranh giới giữa tháo gỡ vướng mắc và hợp thức hóa vi phạm của dự án, của nhà đầu tư rất mong manh.
Để tháo gỡ khó khăn này, tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp bàn, cho ý kiến về các cơ chế, chính sách đặc thù để xử lý các vướng mắc.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2015 – 2023.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát thị trường bất động sản, nghiên cứu và dự báo để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phát triển bền vững, ngăn chặn thị trường phát triển nóng hoặc đóng băng.
Cùng với đó, tăng cường nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập người dân, giải quyết các vướng mắc pháp lý của dự án, và đưa giá bất động sản về giá trị thực tế. Đồng thời, cần giải quyết nhanh chóng các dự án gặp khó khăn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về thị trường bất động sản mới đây, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong rất nhiều thông báo, kết luận của các cấp bao giờ cũng có một câu "không hợp thức hóa sai phạm", nhưng nếu chỉ nói chung chung và không diễn giải sẽ rất khó thực hiện.
"Sai phạm nào của doanh nghiệp thì chúng ta phải xử lý nhanh, xử lý dứt điểm để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, còn những gì thiếu sót của chính quyền thì phải xử lý ngay để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động", ông An cho biết.
Bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng khắc phục những sai phạm để được tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành nghĩa vụ với người mua nhà. Nhất là những khu đô thị đã có đông đảo người dân về sinh sống, cần ưu tiên giải quyết để đảm bảo an cư, thay vì xáo trộn quyền lợi người dân.
Đơn cử như trường hợp của 2 dự án của Công ty Xe lửa Dĩ An, công ty đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thông báo nghĩa vụ tài chính để hoàn tất nộp số tiền 220,5 tỷ đồng vào ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Trong khi đó, tại dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (6,4ha) đã có hơn 200 căn nhà liên kế đã hoàn thiện và đang phục vụ người dân sinh sống ổn định, việc thu hồi dự án để đấu thầu/đấu giá lại như kiến nghị của cơ quan thanh tra sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân tại đây.
Đối với dự án tại khu đất gần 4,8ha (dự án khu nhà ở đường sắt mở rộng), để thể hiện sự minh bạch và hợp tác chia sẻ với đối tác, ngay sau khi dự án bị dừng hoạt động, Công ty Xe lửa Dĩ An đã thực hiện hoàn trả tiền cho một số nhà đầu tư có nguyện vọng chấm dứt hợp tác.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, đa phần người dân khi đã "xuống tiền" tại dự án thì đều có mong muốn lớn nhất là được nhận nhà. Vì vậy, tháng 10/2024, công ty và đại diện các nhà đầu tư đã họp bàn, thống nhất kiến nghị UBND tỉnh và Bộ GTVT cho phép tiếp tục thực hiện dự án để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.