'Chìa khóa' hướng tới mục tiêu 'xóa nghèo'
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt ra các mục tiêu, tiêu chí rất cụ thể. Đó là hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội; tiến tới xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi chiều, mọi thời điểm theo cam kết quốc tế. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt ra các mục tiêu, tiêu chí rất cụ thể. Đó là hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao thu nhập, vượt qua mức sống tối thiểu và hỗ trợ giải quyết những thiếu hụt trong xã hội; tiến tới xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi chiều, mọi thời điểm theo cam kết quốc tế. Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đảm bảo nâng cao thu nhập cho hộ nghèo thông qua các hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn, gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững.
Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, tỉnh quan tâm, huy động các nguồn đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi LĐNT. Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản: Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 14-9-2022 về việc điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT gắn với nhu cầu thị trường của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022; Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 19-9-2022 của UBND tỉnh về việc đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT năm 2022. Giai đoạn 2010-2021, toàn tỉnh có 65.113 người thuộc diện LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; trong đó nghề nông nghiệp là 23.211 người, nghề phi nông nghiệp 41.902 người. Năm 2022, các cơ sở GDNN đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đang tiến hành đào tạo cho 3.143 LĐNT; trong đó nghề nông nghiệp là 892 người, nghề phi nông nghiệp là 2.251 người.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 cơ sở GDNN, trong đó có 26 cơ sở GDNN công lập (gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm) và 7 cơ sở GDNN khác là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia hoạt động GDNN. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người học; chương trình đào tạo và các ngành nghề được mở rộng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Năm 2022, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho hai cơ sở GDNN công lập với tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng, gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định và Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nghĩa Hưng. Trong đó, tập trung đầu tư trọng điểm về thiết bị nghề may công nghiệp.
Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT từng bước được nâng cao, các ngành nghề được tổ chức đa dạng, phong phú đã giúp cho LĐNT lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình. Tổng số nghề đào tạo trong tỉnh đến nay được UBND tỉnh phê duyệt từ khi thực hiện Đề án 1956 là 71 nghề, trong đó có 17 nghề nông nghiệp; 54 nghề phi nông nghiệp. Trên 85% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và cho thu nhập ổn định. Tổng kinh phí đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp năm 2022 là 6,849 tỷ đồng. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức rộng khắp tại các vùng trong toàn tỉnh. Mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông - người học, nhà trường - người đào tạo, nhà sử dụng lao động - doanh nghiệp) trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã mang lại kết quả khả quan. Tiêu biểu như ở xã Hải Đường (Hải Hậu), một xã thuần nông với trên 13 nghìn dân, trong đó có 6.000 lao động trong độ tuổi nên việc chuyển đổi cơ cấu lao động để tạo việc làm, thực hiện tốt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được địa phương tích cực thực hiện. Thời gian qua, UBND xã Hải Đường đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Hậu tiến hành dạy nghề cho gần 100 lao động. Một số gia đình trong xã đã đầu tư máy móc, mở xưởng may gia công, thêu ren thu hút gần 150 lao động; tạo thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng. Với phương châm đào tạo nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành” doanh nghiệp Cao Cường (xã Trực Tuấn, Trực Ninh) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở các lớp dạy nghề mây tre đan, bẹ chuối, may công nghiệp cho lao động của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ sở GDNN đã có nhiều gắn kết đào tạo và giải quyết việc làm cho LĐNT sau đào tạo. Có 35 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh phối hợp với các cơ sở GDNN đào tạo nghề cho LĐNT và cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp. Điển hình như lớp dạy nghề cơ khí hàn cho 35 lao động do Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nam Định tổ chức, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, Công ty TNHH Thắng Lợi (cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định) đã tiếp nhận tuyển toàn bộ số lao động vào làm việc tại công ty, với mức lương từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng... Kết quả trên góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 47%.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho LĐNT thuộc các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 gặp một số vướng mắc. Hiện nay chưa có hướng dẫn tiêu chí để xác định người lao động có thu nhập thấp và mức hỗ trợ đào tạo cho lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp; do vậy, các địa phương không có căn cứ để tuyển sinh theo chính sách này. Công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều vướng mắc bởi đa số các đối tượng này là những người đã quá tuổi lao động (không nằm trong độ tuổi hưởng chính sách dạy nghề nữ từ 15-55, nam từ 15-60) và sức khỏe yếu, cư trú rải rác ở các xã, thị trấn, khó huy động tập trung để tổ chức được 1 lớp học; thời gian tuyển sinh ngắn, công tác tuyển sinh khó khăn, không thể đảm bảo thời gian đào tạo trong năm 2022. Các Trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc UBND các huyện, thành phố chưa đa dạng về nghề đào tạo, nguyên nhân do thiếu về cơ sở vật chất, giáo viên, đặc biệt là nhóm nghề nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT, thời gian tới cần tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo, định hướng cho các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và yêu cầu của thị trường lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN thông qua việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp để người học được lựa chọn các ngành nghề phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng có đối ứng của Nhà nước để thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng tham gia vào công tác đào tạo nghề, gắn tư vấn việc làm để lao động sau khi học nghề được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất từ quỹ quốc gia về việc làm. Đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đồng thời gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động; xây dựng và cập nhật dữ liệu về thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động./.
Bài và ảnh: Việt Thắng