Chìa khóa mở 'kho vàng xanh' vùng Đồng Tháp Mười

Muốn phát triển bền vững vùng cây ăn trái Đồng Tháp Mười, nông dân Long An cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng và học hỏi các mô hình hiệu quả. Vai trò điều phối và định hướng rõ ràng của chính quyền là then chốt để tránh sản xuất tự phát và giảm rủi ro mất giá.

Học hỏi từ các mô hình liên kết chuỗi của các tỉnh bạn

Trong khi Đồng Tháp Mười, Long An còn loay hoay với bài toán liên kết, nhiều địa phương đã tạo bước đột phá nhờ chính sách rõ ràng và vai trò điều phối mạnh mẽ của chính quyền.

Tại Bình Dương, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) là một hình mẫu tiêu biểu. Được thành lập từ năm 2015, HTX nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền, từ thủ tục pháp lý đến định hướng phát triển.

Anh Lê Minh Sang: "Chính quyền tập hợp các HTX, doanh nghiệp cùng nhau xây dựng cộng đồng kinh tế hợp tác".

Anh Lê Minh Sang: "Chính quyền tập hợp các HTX, doanh nghiệp cùng nhau xây dựng cộng đồng kinh tế hợp tác".

Nhờ được tiếp cận các chính sách khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX nhanh chóng tiếp cận công nghệ, áp dụng VietGAP, mở rộng diện tích sản xuất lên 60 ha, đạt sản lượng hơn 300 tấn/năm và lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng.

Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và tiết giảm 18-22% chi phí sản xuất nhờ việc áp dụng chuỗi giá trị.

Mô hình HTX cũng giúp các nông hộ nhỏ lẻ vượt qua rào cản về vốn, kỹ thuật và thị trường. Đến nay, vùng nguyên liệu của HTX này đã mở rộng liên kết với nhiều nông dân ở các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Đặc biệt, sự kết nối chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp và chính quyền đã đưa sản phẩm vào siêu thị, thậm chí xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, EU và Trung Đông.

Một nền tảng hỗ trợ khác là Chi hội Tỷ Phú Bình Dương, nơi tập hợp các HTX và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng một cộng đồng kinh tế hợp tác vững mạnh.

Anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ chia sẻ: "Chi hội tập hợp tất cả ngành nghề nông nghiệp và một số ngành công nghiệp để cung ứng dịch vụ cho nhau, với giá cả rất hợp lý, giúp HTX tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào. Chúng tôi cũng kết nối tiêu thụ sản phẩm của nhau. Khi chưa tham gia chi hội, việc nghiên cứu một mô hình rõ ràng rất khó khăn. Nhưng khi đã tham gia, anh em sinh hoạt chung và quen biết nhau hết, gặp khó khăn có thể gọi nhau để giải quyết. Đây là một giải pháp rất hay để nâng cao năng lực xây dựng vùng trồng cho bà con nông dân".

HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Mỹ Phước (Sóc Trăng), thành lập năm 2019, là mô hình tiêu biểu xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu ở Tây Nam Bộ. Với 21 xã viên và hơn 100 ha trồng cây ăn trái chủ lực là vú sữa tím Tứ Quý, HTX đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ.

Anh Trần Anh Nhân: "Muốn nông dân thay đổi tư duy canh tác, mình phải làm trước và làm hiệu quả".

Anh Trần Anh Nhân: "Muốn nông dân thay đổi tư duy canh tác, mình phải làm trước và làm hiệu quả".

Giám đốc Trần Anh Nhân xác định, yếu tố then chốt là thay đổi tư duy canh tác. Ông tiên phong sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh làm mẫu, từ đó thuyết phục nông dân tham gia.

Quản lý sản xuất được thực hiện chặt chẽ, có kỷ luật, kiểm soát với sự đồng hành của chính quyền và ngành nông nghiệp.

HTX cũng sở hữu vườn cây đầu dòng được bảo hộ độc quyền và ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với nông dân, đảm bảo đầu ra và lợi nhuận.

Hiện tại, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 200 ha, liên kết với nông dân ở nhiều tỉnh như Hậu Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Trần Anh Nhân cho rằng muốn phát triển vùng nguyên liệu sạch, bền vững, trước hết phải tạo dựng niềm tin từ hiệu quả.

"Nếu chúng ta vận động bà con trồng sản phẩm này và cam kết tiêu thụ, liên kết thì không hiệu quả. Nhưng khi bà con tự nhận thấy việc canh tác mang lại hiệu quả kinh tế, họ sẽ chủ động tham gia. Khi chúng ta làm tốt, họ sẽ tin tưởng và làm theo. Khi nông dân đã quyết tâm làm, việc hướng dẫn sẽ mang lại hiệu quả thực tế hơn. Đây là vấn đề quan trọng nhất, vì chúng ta không thể ép buộc hay chỉ vận động suông. Tại Sóc Trăng, dù có các hội thảo, hướng nghiệp, nhưng chỉ khi bà con tự tìm đến và đặt vấn đề, tính hiệu quả mới thực sự thấy rõ" - ông Nhân nhấn mạnh.

Có thể thấy, nhờ những chính sách đúng đắn, vùng nguyên liệu cây ăn trái ở nhiều địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển bền vững khi tạo được bản sắc riêng từ những dòng sản phẩm đặc trưng, chủ lực.

Chiến lược của Long An là xây dựng thương hiệu và chuỗi liên kết sản xuất, đẩy mạnh quá trình "xanh hóa" để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản

Chiến lược của Long An là xây dựng thương hiệu và chuỗi liên kết sản xuất, đẩy mạnh quá trình "xanh hóa" để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản

Cần cú hích liên kết để thành công

Trở lại với Đồng Tháp Mười, ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An cho biết, từ năm 2022 đến 2024, tỉnh đã chuyển đổi hơn 1.020 ha đất sang trồng cây ăn trái, trong đó vùng Đồng Tháp Mười chiếm 840 ha.

Với lợi thế địa lý và đất đai trù phú, Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 có hơn 5.700 ha cây ăn trái, hướng đến 10.000 ha vào năm 2030, hiện đã đạt khoảng 50% kế hoạch.

Tuy nhiên, ông Thành cũng nhận định việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm vẫn còn yếu. Long An đang thiếu HTX hoặc doanh nghiệp có vai trò "dẫn dắt" để tạo chuỗi liên kết chặt chẽ và định hình bản sắc cho vùng nguyên liệu này.

“Thời gian qua, việc liên kết được đánh giá là chưa hữu hiệu đối với chính người nông dân, mà đa phần vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì vậy, sau khi sáp nhập sở, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách để hỗ trợ các HTX, làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực liên kết và tiêu thụ sản phẩm” - ông Thành cho biết.

Một số HTX tại Long An bước đầu đẩy mạnh tiếp cận kỹ thuật công nghệ

Một số HTX tại Long An bước đầu đẩy mạnh tiếp cận kỹ thuật công nghệ

Sau gần 4 năm triển khai Đề án vùng nguyên liệu cây ăn trái Đồng Tháp Mười, ngành nông sản Long An phát triển cả về số lượng và chất lượng, mở rộng cơ hội xuất khẩu. Năm 2024, Long An xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, trong đó nông sản chiếm 1,2 tỷ USD. Tỉnh đã hỗ trợ 8 hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP với tổng diện tích 282 ha.

Hiện tại, toàn tỉnh có 3.000 ha đạt chuẩn, 300 mã số vùng trồng và 170 mã số đóng gói. Long An hiện dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng chanh, với gần 11.900 ha.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, địa phương sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp hơn với thực tiễn.

Theo ông Út, tỉnh cần xác định một số mặt hàng nông sản chủ lực, có tính đặc trưng để làm điểm nhấn trong chiến lược xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường.

Chiến lược của Long An là xây dựng thương hiệu và chuỗi liên kết sản xuất, đồng thời đẩy mạnh quá trình "xanh hóa" để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.

“UBND tỉnh Long An đang chỉ đạo ráo riết các công việc để thực hiện hiệu quả những giải pháp trên. Địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong quá trình thực hiện vùng nguyên liệu này, nhằm đưa những chỉ số xanh của nông sản tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế" - ông Nguyễn Văn Út khẳng định.

Chanh Long An có mặt tại thị trường chợ đầu mối Dubai (Trung Đông)

Chanh Long An có mặt tại thị trường chợ đầu mối Dubai (Trung Đông)

Từ những mô hình thành công ở các địa phương như Bình Dương, Sóc Trăng, có thể thấy vai trò dẫn dắt của chính quyền và HTX là yếu tố then chốt.

Với tiềm năng lớn, vùng nguyên liệu 10.000 ha cây ăn trái của Đồng Tháp Mười hoàn toàn có thể trở thành 'kho vàng xanh' thực sự nếu có chiến lược dài hạn, liên kết hiệu quả và sản phẩm chủ lực mang dấu ấn đặc trưng của vùng.

Bài viết cùng loạt bài: Tìm lối đi bền vững cho 'Vàng Xanh'' vùng Đồng Tháp Mười:

Bài 1: Tiên phong thay đổi, vướng mắc tư duy

Bài 2: Thiếu bản sắc hay thiếu định hướng?

Bài 3: Chìa khóa mở 'kho Vàng Xanh' vùng Đồng Tháp Mười

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chia-khoa-mo-kho-vang-xanh-vung-dong-thap-muoi-post1201493.vov