Bỏ thuế khoán: Làm gì để hộ kinh doanh bún, phở...chuyển mình?

Việc bỏ thuế khoán được đánh giá sẽ khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp, tuy nhiên hộ kinh doanh vẫn 'ngại lớn'. Chuyên gia cho rằng cần lộ trình từng bước và khung pháp lý riêng.

Từ đầu năm 2026, hình thức thuế khoán với hộ và cá nhân kinh doanh sẽ chính thức bị "khai tử" theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Thay vào đó, hộ kinh doanh phải chuyển sang kê khai thuế theo doanh thu thực tế, lộ trình này đã rút ngắn nửa năm so với kế hoạch ban đầu.

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, tuy nhiên, gần 2 triệu hộ kinh doanh vẫn đang nộp thuế theo phương pháp khoán với mức thuế bình quân chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng.

Và việc bỏ thuế khoán cùng với nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được đưa ra theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, khuyến khích các hộ kinh doanh bứt phá thành doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh vẫn "ngại lớn"

Thực tế cho thấy vẫn còn không ít hộ kinh doanh lo ngại việc khai báo thuế, kế toán, lập hóa đơn chứng từ… mất thời gian, phát sinh nhiều chi phí làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận.

Bà Phạm Linh Chi, chủ một tiệm kinh doanh rất nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu tại Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bà bán hàng đã hơn 10 năm nay và hiện đang nộp thuế khoán 800.000 đồng/tháng, thêm 1 triệu đồng thuế môn bài cả năm, vừa đủ để duy trì cửa hàng ổn định.

 Nhiều hộ kinh doanh 'ngại lớn' do lo ngại sẽ phát sinh nhiều chi phí. Ảnh: MINH TRÚC

Nhiều hộ kinh doanh 'ngại lớn' do lo ngại sẽ phát sinh nhiều chi phí. Ảnh: MINH TRÚC

"Tôi chưa rõ khi chuyển sang hình thức kê khai thuế rồi đăng ký doanh nghiệp thì sẽ phải phát sinh thêm bao nhiêu chi phí, rồi nhập sổ sách cũng lằng nhằng hơn. Nếu tôi không làm được thì lại phải thuê người, lại thêm chi phí, không biết duy trì được không vì tôi chỉ bán hàng cho khu vực xung quanh đây".

Anh Nguyễn Vũ Hải Nam, chủ cửa hàng quần áo tại phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc nhập số liệu trên máy tính đôi khi xảy ra sai sót sẽ rất khó để sửa đổi.

"Mình cũng lo ngại việc không có chuyên môn kế toán sẽ làm sai sổ sách, số liệu và dẫn đến bị phạt. Nếu thuê thêm người thì lại tốn tiền, ảnh hưởng đến lợi nhuận".

Cần một khung pháp lý riêng cho hộ kinh doanh chuyển đổi

Trước nhiều lo ngại như vậy, câu hỏi đặt ra là: Phải làm gì để các hộ kinh doanh “chịu lớn”?

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định, để hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp và đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp cần có lộ trình từng bước.

Bởi trước đây, Bộ Tài chính đã có chương trình cho hộ kinh doanh nộp thuế theo kê khai nhưng không thực hiện được. Vì hộ kinh doanh thấy nộp thuế khoán thấp, người nộp thuế thấy lợi thì họ làm.

Do đó, việc bỏ thuế khoán, áp dụng tính thuế theo phương pháp kê khai trong thời gian tới sẽ gặp vấn đề là làm sao để hộ kinh doanh khai doanh thu thật.

Ví dụ, mỗi tháng hộ kinh doanh đóng thuế khoán khoảng 1 triệu đồng, sau khi bỏ thuế khoán thì phải nộp 10 triệu đồng và để giảm số thuế, hộ kinh doanh sẽ tìm cách giảm doanh thu bằng cách không xuất hóa đơn hay bấm vào máy tính tiền.

Do đó, theo ông Tú, Bộ Tài chính cần có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh miễn giảm thuế trong thời gian đầu để họ có thể thích nghi, khai thật doanh thu thực tế, không còn tình trạng "thật thà thì thua thiệt".

Và sau khi bỏ đóng thuế khoán, lợi thế ẩn doanh thu mất đi, thay vào đó hóa đơn, chứng từ minh bạch sẽ được lợi hơn thì hộ kinh doanh sẽ chuyển đổi lên doanh nghiệp.

 Nhiều chủ quán bún, phở... loay hoay không biết làm sao để kê khai thuế, chuyển mình vì nhiều nguyên liệu được mua ngoài chợ, không có hóa đơn đầu vào. Ảnh: MINH TRÚC

Nhiều chủ quán bún, phở... loay hoay không biết làm sao để kê khai thuế, chuyển mình vì nhiều nguyên liệu được mua ngoài chợ, không có hóa đơn đầu vào. Ảnh: MINH TRÚC

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo Nghị quyết 198 là một bước đi tích cực, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Bởi, lợi ích từ việc miễn giảm thuế còn ở thì tương lai, trong khi chi phí tuân thủ sau khi lập doanh nghiệp vẫn phải trả đều đặn.

Theo ông Bình, khu vực hộ kinh doanh đa dạng từ quy mô lớn đến những hộ buôn bán nhỏ lẻ chỉ đủ mưu sinh. Vì vậy, muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cần có khung pháp lý riêng, phù hợp hơn với đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay.

"Không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn, bài bản với bộ máy kế toán, hệ thống quản trị phức tạp để áp cho quán bún, quán phở hay tiệm gội đầu…"

Ông Bình đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp hoặc xây dựng một luật riêng cho doanh nghiệp cá thể. Và thay vì “ép” hộ kinh doanh phải lớn bằng việc chuyển đổi mô hình, chuyên gia này cho rằng việc cần làm trước tiên là tạo ra một hình thức kinh doanh có pháp lý rõ ràng, chi phí tuân thủ thấp, đơn giản và thuận tiện.

“Mô hình này phải đủ linh hoạt để khuyến khích kinh doanh, nhưng cũng đủ rõ ràng để từng bước đưa họ vào khu vực chính thức của nền kinh tế. Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ không cần phải thúc ép mà trở thành nhu cầu tất yếu theo quy luật của thị trường”.

Và khi quy mô hoạt động tăng, khi cần mở rộng đầu tư, gọi vốn hay ký hợp đồng lớn, chính họ sẽ tự thấy "cần phải lớn", phải trở thành doanh nghiệp.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng cần tạo ra tâm lý tích cực, chủ động, giúp hộ kinh doanh dễ tiếp cận, chuyển đổi. Theo đó, Nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới và trong thời gian đó Nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ miễn phí.

Lên doanh nghiệp có nhiều ưu đãi hơn

Để hộ kinh doanh chuyển mình thành doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định điểm mấu chốt là phải giải tỏa tâm lý, nghĩa là để họ xóa bỏ suy nghĩ lên doanh nghiệp sẽ mất nhiều hơn được.

Theo ông Phong, phải làm sao giải thích cho hộ kinh doanh hiểu rằng lên doanh nghiệp sẽ được ưu đãi nhiều hơn chứ không phải phiền hà, tốn kém, bị nhũng nhiễu… Ví như, làm sao để họ hiểu từ một quán phở khi được miễn thuế, dễ tiếp cận các nguồn vốn vay thì họ sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển thành chuỗi.

Và môi trường kinh doanh phải đảm bảo bình đẳng về quyền lợi cho các hộ kinh doanh vươn mình thành doanh nghiệp. Ví như, bình đẳng về đất đai, hạ tầng, tín dụng, cơ hội kinh doanh, nguồn lực con người.

“Luật doanh nghiệp cần có phân ngành luật dành riêng cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Và phải có quy định với nhóm này làm sao dễ phổ cập, tuân thủ. Chẳng hạn, doanh nghiệp chỉ cần 1 người, 1 máy tính vẫn hoạt động được, với hệ sinh thái hỗ trợ dùng chung như kế toán, thuế…”, ông Phong khuyến nghị.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-thue-khoan-lam-gi-de-ho-kinh-doanh-bun-phochuyen-minh-post851716.html