''Chìa khóa'' nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được xem là 'chìa khóa' tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn; đồng thời là động lực quan trọng đối với việc thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, chất lượng về nội dung này.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng cho giá trị sản xuất tăng cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng cho giá trị sản xuất tăng cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống

Có thể thấy dấu ấn của khoa học và công nghệ góp phần vào thành công của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, ngành trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, Global GAP... Đồng thời, tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm quốc gia chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP) từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.

Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích canh tác, dẫn đầu về quy mô, sản lượng thu hoạch và giá trị thu nhập. Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch 18 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích gần 4.000 ha với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, vùng rau, hoa, chè, lúa và sầu riêng. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển quy mô 60.226 ha nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập bình quân hơn 440 triệu đồng/ha/năm, tăng lần lượt so với cuối năm 2019 gần 2.500 ha và 40 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, mỗi huyện, thành phố của tỉnh tiếp tục triển khai ít nhất 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Có thể nói, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được xem là “chìa khóa” tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn, là động lực quan trọng để thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công được đẩy mạnh. Đồng thời, gắn các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn... Bà Trịnh Thị Tú Anh - ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “...Về lĩnh vực khoa học công nghệ, kiến nghị Quốc hội, các cơ quan hữu quan đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia để phục vụ chiến lược kinh tế số. Ưu tiên đẩy mạnh phát triển ứng dụng thành quả khoa học công nghệ trong các lĩnh vực thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh về nông nghiệp, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nghiên cứu khoa học; xây dựng chính sách bảo vệ thương hiệu quốc gia trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng, sản phẩm của Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới yêu chuộng và tin tưởng... Liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những chuỗi hàng hóa tập trung, khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kiến nghị thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp và quản lý rủi ro trong canh tác nông nghiệp. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, nguồn giống, giống cây trồng - vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vì lâu nay chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của nước ngoài...

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/chia-khoa-nang-cao-nang-suat-trong-san-xuat-nong-nghiep-3077411/