'Chìa khóa' nào để thu hút lao động trở lại làm việc?
Dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động cả nước bị khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, chỉ khi giải quyết được những mối lo thường nhật bằng các giải pháp và chính sách thiết thực, kịp thời thì mới 'hút' lao động trở lại làm việc.
Dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động cả nước phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên ở mức rất cao, thu nhập của người lao động sụt giảm mạnh. Nhiều ngành sản xuất, trung tâm công nghiệp lớn, nhất là các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam lại lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê, hơn 1,4 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp năm 2021, tăng 203,7 nghìn người so với năm 2020. Đáng nói, tháng 7/2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ tại khu vực phía Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lao động và việc làm quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, vaccine được bao phủ tối đa, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường mới, chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực thu hút nhân lực hậu giãn cách. Trong bối cảnh này, có người hào hứng, quay trở lại làm việc ngay, có người chần chừ vì lo sợ dịch bệnh, có người ở lại làm việc tại quê nhà. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn và thách thức cho kế hoạch khôi phục sản xuất, tổ chức việc làm, ổn định đời sống và an sinh xã hội cho người lao động sau đại dịch.
Là một trong những tỉnh, thành thu hút lực lượng lao động đông nhất cả nước, Bình Dương từng có hơn 1 triệu lao động có hợp đồng và 400.000-500.000 lao động tự do khác. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến các doanh nghiệp tại đây phải thực hiện “3 tại chỗ” nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, chỉ hoạt động cầm chừng, có cơ sở không đáp ứng điều kiện thì đóng cửa hẳn. Hết giãn cách, người lao động bị khủng hoảng tâm lý nên bằng mọi cách tháo chạy.
Cuộc sống thiếu thốn, không có thu nhập đã tạo tâm lý chán nản, bất lực cho người lao động, khiến họ bằng mọi giá phải về quê, rời bỏ “miền đất hứa”. Như vậy, qua đây có thể thấy, chỉ khi giải quyết được những mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” này, doanh nghiệp mới có thể thu hút được người lao động trở lại làm việc, bằng những giải pháp và chính sách chi tiết, thiết thực và kịp thời.
Tại Nghệ An, địa phương này ghi nhận đón lượng công nhân lao động hồi hương đông nhất nước với khoảng 150.000 người, trong đó gần 90.000 cá nhân trong độ tuổi lao động khiến lãnh đạo chính quyền lẫn doanh nghiệp bối rối trong khâu an toàn phòng, chống dịch lẫn ổn định việc làm và an ninh trật tự, an sinh xã hội. Số lượng người lao động trở về quê quá lớn đã tạo ra nhiều áp lực đối với địa phương.
Theo ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đã có trên 150.000 người quay trở về địa phương trong thời gian vừa qua. Trong đó, gần 90.000 người trong độ tuổi lao động. Điều này khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức đón, cách ly, đưa người lao động trở về với gia đình và cả công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.
“Một áp lực đặc biệt nữa là bố trí việc làm cho người lao động trở về quê hương, khi chỉ gần 40% số người lao động quay về có qua đào tạo lao động”, ông Vi Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Quyết định rời thành phố hồi hương trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, với nhiều lao động đó là tình thế bất đắc dĩ để kiếm kế sinh nhai tạm thời. Vì lo sợ dịch bệnh, cộng thêm không có tích lũy trong quá trình làm việc, cả bất cập về lương và thu nhập do 2 năm rồi không tăng lương tối thiểu vùng, không tăng lương cơ bản, cũng không được tăng ca trong khi chi phí sinh hoạt vẫn đội giá, thêm nhiều chi phí phát sinh mới đã khiến nhiều công nhân trong tình trạng khốn đốn, sống lay lắt, tạm bợ.
Giải pháp nào thu hút nguồn lao động năm 2022?
Hỗ trợ tối đa cho người lao động về các chính sách lương thưởng, phúc lợi trong công việc lẫn giúp đỡ trong đời sống về các vấn đề ăn, ở, sinh hoạt, đi lại để họ yên tâm tham gia sản xuất là giải pháp hữu hiệu hiện nay. Bởi lẽ, tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tìm việc và hiệu quả năng suất lao động của họ.
Theo TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc người lao động rời thành phố về quê là một quyết định bất đắc dĩ. Bên cạnh tâm lý lo sợ lây nhiễm của dịch bệnh, còn có nguyên nhân là người lao động không có tích lũy trong quá trình làm việc, kể cả những người làm lâu năm. Vì vậy, người lao động không yên tâm trụ lại thành phố.
Cùng với đó, 2 năm qua, Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng trong khi chi phí sinh hoạt tăng, cộng thêm các chi phí phát sinh vì dịch bệnh đã trở thành gánh nặng cho người lao động.
Khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy, có trên 50% người lao động phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí là gộp bữa ăn trong ngày. Đặc biệt, có nhiều trường hợp người lao động phải ăn mì gói để duy trì cuộc sống.
Dưới góc độ đại diện cho người lao động, TS. Phạm Thị Thu Lan mong rằng, thời gian tới, Chính phủ cần cân nhắc tới việc tăng mức lương tối thiểu. Về phía doanh nghiệp, cần có tư duy phát triển bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống của người lao động. Cần tạo môi trường làm việc an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch hiệu quả.
“Để thu hút và giữ chân người lao động ở lại làm việc với mình, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ lương, thưởng; chú trọng, điều chỉnh các chính sách, các chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn, để người lao động yên tâm làm việc”, TS. Phạm Thị Thu Lan cho hay.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà soát lại trình độ năng lực lao động và có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao một số nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu chuyển dịch sản xuất sau đại dịch. Điều này không chỉ tạo sự gắn bó, tin tưởng của người lao động đối với doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
TS. Phạm Thị Thu Lan cũng cho rằng, không nhất thiết phải tìm mọi cách đưa người lao động quay trở lại doanh nghiệp, nhất là ở các ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, công việc lặp đi lặp lại. Do đó, cần nghĩ tới việc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, chuyển đổi số, đồng thời, tạo việc làm tại địa phương cho người lao động, nhất là tạo việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với các địa phương, ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động. Nếu họ có nguyện vọng ở lại quê hương thì tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp, còn nếu muốn quay trở lại các thành phố, tỉnh đứng ra làm đầu mối, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc. Hiện, đã có 45.000 lao động Nghệ An trở lại các tỉnh thành làm việc.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương cũng cho hay, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đón người lao động quay trở lại. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác tới các địa phương để bàn bạc cách thức đưa đón người lao động quay trở lại làm việc. Tỉnh sẽ hỗ trợ tiêm vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật về phúc lợi, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin về thị trường lao động, tạo sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp và thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chia-khoa-nao-de-thu-hut-lao-dong-tro-lai-lam-viec-post928894.vov