'Chìa khóa' phát triển kinh tế nông thôn

Anh Ngọc

BPO - Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vai trò của các doanh nghiệp (DN), công ty sản xuất, kinh doanh rất lớn khi góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu lao động, sản xuất, tạo nền tảng phát triển kinh tế nông thôn. Ngược lại đối với các DN sản xuất, việc dịch chuyển về vùng nông thôn có thể chủ động được nguồn lao động tại chỗ. Thực tế, nhiều công ty, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn, miền núi đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

ƯU TIÊN LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG

Đầu tháng 8 năm nay, chị Thị Leo ở ấp Bàu Teng, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành đã trở lại làm việc tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại Lâm Phát Thịnh đóng trên địa bàn xã Quang Minh. Chị Leo cho biết, sau thời gian gián đoạn công việc do gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, khi hoạt động trở lại, những lao động như chị được công ty ưu tiên thông báo đi làm đầu tiên. Thành thạo tay nghề, làm việc ở gần nhà nên rất thuận lợi đối với chị. Chị Thị Leo vui vẻ chia sẻ: “Tôi làm cho công ty với thu nhập khá ổn định. Công ty trên địa bàn xã giúp tôi cũng như nhiều chị em khác vừa có việc làm mà vẫn có thể chăm lo cho gia đình”.

Phần lớn lao động nông thôn yên tâm gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp ở địa phương. Trong ảnh: Chị Thị Leo ở ấp Bàu Teng, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành trong giờ làm việc - Ảnh: Trương Hiện

Chị Thị Dung ở ấp Cây Gõ, xã Quang Minh cũng làm việc tại công ty này. Từ chỗ chỉ ở nhà chăm lo việc nội trợ, khi vào làm tại công ty, chị Dung đã có thêm thu nhập. Quan trọng hơn, công ty gần nhà nên thuận lợi với chị. Chị Thị Dung cho biết: “Tôi thấy việc làm ở đây vừa sức mình, thu nhập cũng ổn định. Từ khi công ty hoạt động đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới”.

Chị Thị Dung ở ấp Cây Gõ, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành làm công việc lao động phổ thông với mức thu nhập ổn định ngay tại địa phương, vừa gần nhà vừa tiết kiệm được chi phí

Chị Thị Dung ở ấp Cây Gõ, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành làm công việc lao động phổ thông với mức thu nhập ổn định ngay tại địa phương, vừa gần nhà vừa tiết kiệm được chi phí

Sản xuất mặt hàng ván lạng, hiện Công ty TNHH sản xuất - thương mại Lâm Phát Thịnh đang giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động, trong đó đa số là người dân trên địa bàn xã. Điều này không chỉ góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp mà còn tạo cơ hội để người dân thích nghi với lối tư duy công nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa khu vực trung tâm và nông thôn. Chị Lưu Thị Tình, kế toán Công ty TNHH sản xuất - thương mại Lâm Phát Thịnh cho biết: “Công ty ưu tiên lao động phổ thông tại chỗ, trong đó có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống”.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH

Thời gian qua, các DN hoạt động ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiều DN đánh giá cao chất lượng lao động khu vực nông thôn và miền núi. Đây chính là cơ hội để địa phương giải quyết bài toán việc làm cho người dân.

Các doanh nghiệp đóng chân ở vùng nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

Các doanh nghiệp đóng chân ở vùng nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú hoạt động từ năm 2020. Với công suất 10 container/tháng, công ty đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, trong đó có hơn 50% là lao động địa phương. Anh Phan Tấn Đạt, phụ trách nhân sự công ty chia sẻ: “Thời gian qua, công ty nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Yếu tố thu hút lao động địa phương chính là được làm việc gần nhà với mức thu nhập ổn định… Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị”.

Hiện một số DN trên địa bàn phục hồi và hoạt động trở lại đã tạo điều kiện cho lao động phổ thông vào làm việc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi luôn đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất trong thẩm quyền để DN và người lao động có sự kết nối, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bà DRÊNH THỊ HẠNH, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành

Việc doanh nghiệp về với nông thôn là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí: thu nhập, việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Do vậy, các địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ DN đầu tư trên địa bàn, kết nối DN ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ.

Những năm gần đây, việc thu hút DN về nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là đối với địa phương có tỷ lệ lao động cao. Toàn tỉnh có hàng trăm DN đang hoạt động ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động. Công việc, phúc lợi đảm bảo, lại gần gia đình… nhiều lao động xa quê đã trở về địa phương làm việc, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147701/chia-khoa-phat-trien-kinh-te-nong-thon