Chìa khóa vượt khó trước những bất ổn toàn cầu
Trước những thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới, cách tiếp cận toàn cầu là 'chìa khóa' để vượt qua mọi khó khăn, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung cho nhân loại.
“Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận toàn cầu, trong đó có tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác, chính là 'chìa khóa' để vượt qua mọi khó khăn, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung cho nhân loại”, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á chiều 17/10.
Phó thủ tướng Thường trực cho biết việc tổ chức diễn đàn này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, “khi chúng ta đang chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới, với những chuyển biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ”.
Thế giới đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất, và những thách thức đó cùng góp phần làm cho kinh tế thế giới suy thoái, gây gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, Phó thủ tướng phát biểu.
Ông cho biết bối cảnh này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần bảo đảm cân bằng chiến lược giữa thực hiện các ưu tiên trước mắt với các mục tiêu dài hạn, nâng cao tự chủ chiến lược, sức chống chịu của từng nền kinh tế với thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, nhu cầu phát triển của từng quốc gia với trách nhiệm chung trong các vấn đề toàn cầu.
“Lịch sử chứng minh rằng nếu lựa chọn đúng đắn, chính những thời điểm bước ngoặt, cho dù có khó khăn, thách thức, sẽ là khởi nguồn cho sự phát triển bứt tốc trong tương lai”, ông cho biết.
Chiều 17/10, trên cương vị đồng chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam đã phối hợp với Australia và OECD tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á năm 2022. Chủ đề của diễn đàn là “kết nối khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”.
Diễn đàn là hoạt động quan trọng đầu tiên của Chương trình SEARP giai đoạn 2022 - 2025, là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động của OECD sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 17-21/10.
Sự kiện còn có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Mathias Cormann - Tổng thư ký OECD, Thượng nghị sĩ Tim Ayres - đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Sản xuất Australia, cùng nhiều đại biểu và quan chức khác.
Tiềm năng của Đông Nam Á
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chặng đường hợp tác của chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) gần 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Chương trình SEARP đã đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á; trở thành khuôn khổ quan trọng giữa OECD và các nước Đông Nam Á trong việc chia sẻ tư duy, mô hình và kinh nghiệm phát triển, phối hợp định hình các tiêu chuẩn, nguyên tắc chung về quản trị kinh tế quốc tế”, ông cho biết.
Trong khi đó, phát biểu tại sự kiện, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ ra vai trò quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong bản đồ địa kinh tế của khu vực và thế giới.
Đông Nam Á là khu vực của hòa bình và ổn định, của gắn kết và hợp tác, của thống nhất trong đa dạng.
“Đây cũng khu vực kinh tế ngày càng lớn mạnh, năng động, có cấu trúc kinh tế đa sắc thái. Tỷ trọng thương mại - đầu tư của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, dự báo là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030”, ông nói thêm.
Với dân số hơn 660 triệu người, đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, cơ cấu lao động trẻ, có sức sáng tạo và khả năng thích ứng cao, tầng lớp trung lưu gia tăng, Đông Nam Á không chỉ là điểm đến chiến lược để đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn với sức mua đến năm 2030 lên đến 4.000 tỷ USD.
Bên cạnh đó, khu vực còn là mắt xích quan trọng của liên kết kinh tế toàn cầu; là khu vực “tâm điểm” của các FTA có quy mô lớn nhất thế giới như RCEP, CPTPP… Cùng với đó, các khuôn khổ liên kết, quản trị kinh tế mới đang được định hình ngày càng rõ nét, khẳng định tiếng nói của khu vực trong xây dựng các “luật chơi” chung, Phó thủ tướng cho biết.
"Đây còn là một trong những khu vực tiên phong trong những lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... với những cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon; là khu vực sở hữu tiềm năng to lớn cho chuyển đổi số với quy mô thị trường dự báo lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030", ông nói thêm.
Với tư cách đồng chủ tịch Chương trình SEARP, Thượng nghị sĩ Australia Tim Ayres nhấn mạnh tầm quan trọng của diễn đàn trong việc thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, qua đó đóng góp vào việc bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Việt Nam trên cương vị đồng chủ tịch Chương trình SEARP, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng đặc biệt của diễn đàn trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ.
Tổng thư ký cũng khẳng định OECD hết sức coi trọng vai trò của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược mở rộng hợp tác của tổ chức này.
Thẳng thắn nhìn nhận những thách thức
Bên cạnh những tiềm năng to lớn, theo Phó thủ tướng, "chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận: Việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Đông Nam Á chưa đạt như kỳ vọng và phải đối mặt với không ít thách thức trong tương lai".
Theo ông, môi trường quốc tế gia tăng bất ổn và bất định, áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và công nghệ tiên tiến ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, năng lực cạnh tranh tổng thể, nhất là khả năng kết nối hạ tầng nội khối chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm cung ứng toàn cầu, Phó thủ tướng cho biết.
Vị thế của Đông Nam Á trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng vẫn còn khiêm tốn. "Việc tham gia vào chuỗi cung ứng chủ yếu ở khâu "hạ nguồn", các ngành thâm dụng lao động, cung ứng nguyên liệu thô, tạo giá trị gia tăng thấp", ông nói.
Theo Phó thủ tướng, thách thức tiếp theo là việc áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm bộc lộ những lỗ hổng của chuỗi cung ứng trong khu vực.
Bên cạnh đó là thách thức về nguồn nhân lực. Nguyên nhân chính là việc đào tạo chưa sát với nhu cầu thị trường, tỷ lệ lao động có kỹ năng số và lao động nữ còn thấp.
Trên cương vị đồng chủ tịch Chương trình Đông Nam Á giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa OECD và khu vực Đông Nam Á ngày càng toàn diện, hiệu quả, thực chất và bền vững hơn, Phó thủ tướng Thường trực khẳng định.
Từ đó, Phó thủ tướng đã đề xuất những định hướng lớn để tăng cường hơn nữa hợp tác chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á theo phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, cùng có lợi.
Qua hai phiên thảo luận chiều 17/10, các nước OECD và Đông Nam Á nhất trí một số định hướng hợp tác quan trọng trong thời gian tới, trong đó có các dự án hợp tác trong các lĩnh vực thuế, năng lượng sạch, chính sách đầu tư, tài chính tiêu dùng,...
Các thành viên cũng nhất trí thông qua kế hoạch hành động hợp tác ASEAN - OECD và kế hoạch hành động hợp tác Việt Nam - OECD giai đoạn 2022-2026.
Đặc biệt, tại diễn đàn, lần đầu tiên các nước OECD và Đông Nam Á đã nhất trí thành lập mạng lưới doanh nghiệp OECD - Đông Nam Á nhằm tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa mạng lưới doanh nghiệp với chính phủ các nước trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chia-khoa-vuot-kho-truoc-nhung-bat-on-toan-cau-post1366183.html