Chia sẻ của chuyên gia Karate quốc tế mang lại nhiều kinh nghiệm huấn luyện cho tuyển thủ Việt Nam
Môn Karate đã được đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 và để rèn luyện các vận động viên hướng tới đấu trường danh giá này, trang tin Olympics đã dẫn nhiều chia sẻ của chuyên gia, huấn luyện viên hàng đầu thế giới.
Tại Olympic Tokyo 2020, môn karate lần đầu được đưa vào thi đấu chính thức. Điều này giống như một bước ngoặt lớn với môn võ thuật có lịch sử hàng thế kỷ khi được ra mắt tại chính quê hương Nhật Bản.
Được coi là một môn cần tập luyện lâu dài để đạt được sự dẻo dai về thể chất và tinh thần, việc luyện tập karate không hề dễ dàng. Quá trình rèn luyện đầy khó khăn, mệt mỏi và thường mất nhiều năm để có thể thành thạo.
Mặc dù việc theo học tại các võ đường và trở thành môn sinh của các võ sư giỏi là điều bắt buộc để nắm bắt tinh thần và kỹ thuật của karate, thì các chuyên gia vẫn đưa ra một số lời khuyên cơ bản cho những người đam mê karate có thể làm quen và khuyến khích các bậc cha mẹ đang nghĩ đến việc cho con cái rèn luyện với môn võ này.
Độ tuổi tốt nhất để bắt đầu tập luyện karate
Mặc dù mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể theo học karate, nhưng các chuyên gia cho rằng 5 - 6 tuổi là độ tuổi phù hợp để bắt đầu. Thời điểm này được cho là lúc bộ não con người đủ nhạy cảm để nắm bắt các hướng dẫn và lý thuyết cấp cơ sở. Ngoài ra, những trải nghiệm thu được trong khoảng thời gian này, dù là thất bại hay thành công, cũng để lại ấn tượng sâu sắc với học viên.
Theo trang tin Olympics, độ tuổi sớm này là thời điểm lý tưởng để trau dồi những điều cơ bản về kỹ thuật karate. "Nếu một học viên bắt đầu từ năm hoặc sáu tuổi, việc luyện tập karate sẽ trở thành thói quen không thể thiếu của họ. Nhưng quá trình này sẽ khó khăn hơn với người lớn vì họ có nhiều sự quan tâm khác. Khi so sánh với người lớn thì việc truyền dạy võ thuật cho một đứa trẻ chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều".
"Ngoài ra, còn có khía cạnh thể chất. Vào tầm 4-5 tuổi, cơ thể con người rất linh hoạt. Chúng tôi có thể dễ dàng uốn nắn các em trở thành những vận động viên giỏi," Somnath Palchowdhury chia sẻ với Olympics.com. Ông là huấn luyện viên chuyên nghiệp được Hiệp hội Karate Nhật Bản công nhận.
Rèn luyện thể chất và cách luyện tập cho môn karate
Karate cũng đòi hỏi một cơ bắp rất cân đối. Theo Somnath Palchowdhury, cấu trúc cơ thể lý tưởng chính là sự kết hợp giữa sức mạnh của võ sĩ quyền anh và sự dẻo dai của vận động viên thể dục dụng cụ. Sự cân bằng giữa sức mạnh và tính linh hoạt là cần thiết để có thể trở nên vượt trội trong môn karate.
"Trong quyền anh, sức mạnh thường quan trọng hơn tốc độ. Vì vậy, nếu một võ sĩ có thân hình vạm vỡ thì đó là một lợi thế cho anh ta và những cú đấm của anh ta sẽ nặng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong karate, những cú đấm mạnh không quá cần thiết mà chúng tôi cần nhiều cú đấm nhanh và tập trung vào một điểm", ông Somnath giải thích.
Trong karate, học viên cần tạo được thế trụ vững chắc, từ đó, sử dụng hông để tung ra các đòn có tác động nhanh và mạnh, khác hẳn với các đòn đánh trong quyền anh giống như những cú giáng búa tạ. VÌ vậy, cơ bắp linh hoạt và săn chắc là 2 yếu tố cần thiết trong karate.
Và việc cân bằng được 2 yếu tố này là rất quan trọng. "Nếu bạn quá linh hoạt thì bạn không thể rèn luyện được cơ bắp đủ rắn chắc và do đó, không thể tạo ra sức mạnh cần thiết. Các học viên cần hiểu được cơ thể của mình, đánh giá được các hạn chế để khắc phục, thả lỏng các khớp trong quá trình huấn luyện để dần rèn luyện phản xạ mạnh và nhanh.
Ông Palchowdhury, hiện cũng giữ chức Chủ tịch của Hiệp hội karate India Kolkata, nói thêm: "Chúng tôi có lời khuyên là không nên quá linh hoạt như một vận động viên thể dục dụng cụ mà chỉ cần ở mức độ vừa phải". Các bài tập nhẹ và tập trung vào rèn luyện cơ bắp tại các vùng chuyên biệt là nội dung cần thiết trong môn karate.
Trong quá trình luyện tập, các bước di chuyển của karate đòi hỏi sự chính xác và phải luôn đi đúng trọng tâm. Bên cạnh việc tập trung rèn luyện các động tác này, học viên cũng cần chú ý tránh động tác thừa ở các bộ phận khác, đặc biệt là với tay.
Ông Palchowdhury nhận xét: "Chúng tôi luôn khuyên các vận động viên không nên thực hiện thêm bất kỳ động tác thừa nào để đối thủ có thể đoán biết về động tác ra đòn tiếp theo của mình".
Trong karate, các đòn chân là vũ khí rất quan trọng. Động tác chân nhanh và chính xác là rất cần thiết để một vận động viên duy trì khoảng cách mong muốn với và đối thủ. Việc duy trì khoảng cách này tạo thuận lợi cho quá trình ra đòn và thường có yếu tố quyết định đến kết quả của các trận thi đấu. Ngoài việc ra đòn, các động tác chân cũng có thể đánh lừa đối thủ nhằm che giấu ý định tấn công thật sự.
Ông Palchowdhury giải thích: "Nếu động tác chân không đúng thì tư thế cơ thể sẽ không chuẩn xác. Trong karate, tư thế đứng luôn phải thẳng và vững chãi".
Có lối sống phù hợp và nêu cao tinh thần tự học
Chế độ ăn uống và lối sống cũng là một phần quan trọng trong việc tập karate. Để có những hiểu biết tốt nhất thì các học viên nên tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng.
Ông Palchowdhury nói thêm: "Tôi khuyên nên tránh đồ ăn vặt, giàu tinh bột và chất béo bão hòa. Việc cung cấp đủ protein và rau củ rất quan trọng. Tại Ấn Độ, học viên nên tránh gạo và bánh chapati để giảm lượng tinh bột nạp vào."
Trong khi việc tìm một võ sư giỏi và một võ đường chuyên nghiệp để trau dồi kỹ năng karate là điều tối quan trọng, thì sau khi đã quen với những điều cơ bản, các học viên cần tiếp tục trau dồi các kỹ năng.
Theo ông Palchowdhury, ngoài việc đi tập đầy đủ, các học viên cũng cần nâng cao kiến thức từ các hội thảo karate, trại thi đấu, lớp học trực tuyến và sách báo để trở thành một vận động viên karate thành công. Karate bao trùm mọi khía cạnh.
"Việc tự rèn luyện cũng giống như một quá trình tự nhận thức bản thân. Điểm mạnh của tôi là gì, điểm yếu của tôi là gì? Từ đó, học viên rèn luyện tư thế đứng, tốc độ ra đòn, sức chịu đựng…. Những điều này không thể đạt được nếu chỉ tập luyện vài giờ mỗi ngày tại võ đường", ông kết luận.