Chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội nhân văn và ý nghĩa, là 'cứu cánh' của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là với bệnh nhân nghèo phải điều trị bệnh nan y, dài ngày.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện một ca phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân. Ảnh: CTV

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện một ca phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân. Ảnh: CTV

Từ những lợi ích thiết thực của BHYT mà Ngày BHYT Việt Nam 1-7 năm nay đưa ra thông điệp khuyến cáo người dân: “Hãy tham gia BHYT để được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật”, nhằm giúp người dân có điều kiện và cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu, yên tâm điều trị vì đã được BHYT đỡ đần gánh nặng viện phí.

* Yên tâm chữa bệnh vì có BHYT

Tham gia BHYT được Quỹ BHYT đỡ đần chi phí điều trị, bệnh nhân có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế và yên tâm điều trị, nhất là với những bệnh nhân bị bệnh nan y, bệnh phải điều trị lâu dài. Trong số những bệnh tật, có 3 nhóm bệnh mà Quỹ BHYT phải chi trả những khoản tiền lớn mỗi năm là: nhóm bệnh về máu, nhóm bệnh tim mạch và nhóm bệnh ung thư.

Mang trong người nhiều thứ bệnh nặng như: tim, phổi, mạch máu nên chi phí điều trị của bệnh nhân L.C.D. (57 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) rất lớn, mỗi năm từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ. Theo người thân của ông D., trước đây gia đình cũng có của ăn, của để, nhưng do chi phí chữa bệnh lớn quá nên kinh tế cũng dần khánh kiệt. Đầu năm 2020, ông tham gia BHYT, ngay trong năm đó, Quỹ BHYT đã thay ông chi trả viện phí đến 800 triệu đồng. Năm 2022, BHYT đỡ đần viện phí cho ông tới 1,5 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, BHYT chi trả cho ông hơn 600 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh (KCB)… Ông D. nói, ông sống được đến hôm nay là nhờ có BHYT đồng hành.

Tương tự, bà T.T.H. (59 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) cũng nhờ BHYT mà có cơ hội điều trị bệnh ung thư. Năm 2021, khi phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2, bà từ chối điều trị vì cho rằng chữa bệnh ung thư quá tốn kém mà trước sau gì cũng chết, nên bà ngưng điều trị tây y để uống thuốc nam miễn phí ở chùa. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, được BHXH tỉnh tặng thẻ BHYT, bà đã có điều kiện đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chữa bệnh, nhờ đó bệnh của bà có chiều hướng thuyên giảm.

Mang bệnh chảy máu di truyền (Hemophilia) từ năm 9 tuổi, anh T.X.T. (24 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) đã phải điều trị liên tục, kéo dài. Không chỉ bệnh về máu, anh còn thêm bệnh tổn thương khớp và tụ máu bắp chân nên chi phí điều trị bệnh cho anh rất tốn kém, mỗi năm từ 1-1,3 tỷ đồng. Cách đây 8 năm, anh được xác định là đối tượng bảo trợ xã hội, được tặng thẻ BHYT và được công nhận là đối tượng hưởng BHYT 100%, nhờ đó mà anh được cứu sống và yên tâm chữa bệnh.

* Không tham gia BHYT, sẽ khó lo nổi viện phí

“Từ thực tế cho thấy, BHYT đóng vai trò rất quan trọng, là “chiếc phao” cứu sinh của các bệnh nhân không may ốm đau phải vào bệnh viện, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nan y, phải điều trị dài ngày. Do đó, người dân hãy tích cực tham gia để BHYT đỡ đần gánh nặng chi phí điều trị khi có bệnh” - Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho hay.

Hiện có 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nhưng hoạt động KCB vẫn đang được Nhà nước hỗ trợ nên giá viện phí mới chỉ tính trên 4 yếu tố. Trong thời gian tới, dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ (cả 7 yếu tố) thì giá dịch vụ KCB sẽ tăng rất cao. Nếu không tham gia BHYT, nhiều người sẽ khó lo nổi viện phí.

Tuy nhiên, theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của nhiều người tham gia để sử dụng cho KCB. Vì thế, khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua BHYT. Đó là tăng mệnh giá BHYT để người dân được thụ hưởng dịch vụ KCB tốt hơn hoặc tăng mức chi trả, mở rộng danh sách kỹ thuật cao, danh mục thuốc được BHYT chi trả nhằm giảm gánh nặng cho người dân. Do vậy, mỗi người dân đều nên tham gia BHYT để được đỡ đần viện phí.

BHYT là chính sách an sinh xã hội, sẻ chia khó khăn giữa người khỏe với người bệnh, BHYT đang ngày càng trở nên thiết thân với mọi người. Hiện chính sách này đang ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm cao nhất quyền lợi của người tham gia. Đồng Nai đang phấn đấu đạt hơn 3 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 93% số dân trong năm 2023.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/chia-se-ganh-nang-khi-om-dau-benh-tat-3170899/