Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Ngày 14/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Hội thảo nhằm nâng cao năng lực và thông tin cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, các tổ chức, hiệp hội có liên quan về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đồng chủ trì Hội thảo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; GS. Toshiyuki KONO, Đại học Kyushu, Nhật Bản. Tham dự Hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế Lê Thị Hoàng Thanh; GS. Takeshi Shimizu, Trường Khoa học và nghệ thuật, Đại học Tokyo, Nhật Bản cùng đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, các tổ chức, hiệp hội có liên quan về Chương trình hành động quốc gia.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trong năm 2023, thế giới cũng như Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế sau Đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam đã rất nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn trên và đạt được một số kết quả nhất định: tăng trưởng kinh tế đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; Nông nghiệp, công nghệp, tỷ trọng xuất nhập khẩu cũng tăng cao… Có được kết quả trên một phần là nhờ sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, sự hiểu biết, tuân thủ các quy định về trách nhiệm trong trong chuỗi cung ứng: trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, bảo vệ môi trường trong kinh doanh… của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường.

Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng trưởng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm giai đoạn 2023 - 2027.

Mục tiêu của Chương trình là nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam để phát huy các mặt tích cực, giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, cần hiểu rõ quy định pháp luật các quốc gia về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thực thi các biện pháp để thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm nhằm học hỏi kinh nghiệm của các GS đến từ Nhật Bản cũng như của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Thông qua Hội thảo, Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan có thêm các thông tin, kinh nghiệm hữu ích trong việc triển khai Quyết định số 843/QĐ-TTg. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tích cực thảo luận, trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. Toshiyuki KONO, Đại học Kyushu, Nhật Bản cho biết, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, luật sư, các nhà kinh tế học đã bỏ qua một số vấn đề pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu được nghiên cứu. GS Toshiyuki KONO đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã giới thiệu Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 -2027. Các đại biểu khác cũng giới thiệu thực trạng pháp luật EU, pháp luật Đức và pháp luật Pháp, pháp luật Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu…/.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chia-se-kinh-nghiem-quoc-te-ve-thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-post506462.html