Chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu: Hợp tác để khai thác tối đa các nguồn tài chính quốc tế

Với mong muốn Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra tại TP. Cần Thơ không chỉ là cơ hội để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm mà còn góp phần kết nối để thảo luận chính sách, pháp luật; qua đó thúc đẩy sự hợp tác, thu hút nguồn lực hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chiều 21.1, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp tại Phiên thảo luận 'Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu'.

 Quang cảnh Phiên thảo luận “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu"

Quang cảnh Phiên thảo luận “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu"

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, ban hành các chiến lược, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu.

Cụ thể là Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và nhiều chính sách, pháp luật khác có nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Xây dựng; Luật Kiến trúc... Đây là cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quy định, chiến lược, đề án và triển khai nhiều kế hoạch hành động quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các điều ước và thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm phối hợp hiệu quả trong nâng cao khả năng chống chịu, giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội biến đổi khí hậu gây ra, như tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris; tham gia Liên minh Tham vọng khí hậu, Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu (GCA), Liên minh Thích ứng toàn cầu (AAC) và đã thực hiện một cách trách nhiệm của một quốc gia thành viên.

Việt Nam hiện đã tham gia 18 điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Với vai trò là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách lĩnh vực liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long và đã chủ trì thẩm tra, giám sát nhiều nội dung về việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

 Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận

Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, chưa thật sự đúng đắn khi cho rằng những tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu gần đây là do biến đổi khí hậu mà không nhắc đến tác động từ con người. Tập trung vào công tác truyền thông, tạo ra suy nghĩ và hành động giữ gìn, bảo vệ môi, dừng ngay những hành động có tính chất hủy hoại môi trường.

 Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận

Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận

Các đại biểu mong muốn, việc thiết lập một mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ để chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Thông qua mạng lưới này, các nước có thể trao đổi các giải pháp sáng tạo, những kinh nghiệm cũng như các công nghệ mới, tiên tiến nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn là yếu tố quan trọng để bảo đảm khả năng triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và bền vững.

 Đại biểu các nước tham dự Phiên thảo luận “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu”

Đại biểu các nước tham dự Phiên thảo luận “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu”

Xây dựng cơ chế tài chính bền vững và các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ và hợp tác để khai thác tối đa các nguồn tài chính quốc tế. Bổ sung kinh phí dành cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hỗ trợ khối tư nhân đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua tài chính ưu đãi, nguồn viện trợ và cải thiện cơ chế tiếp cận các quỹ song phương, đa phương.

Trước sự cấp thiết phải ứng phó với biến đổi khí hậu và nhận thức được vai trò của các nghị sĩ trong việc đề ra các luật để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các đại biểu cũng đề xuất, Cộng đồng Pháp ngữ nên cân nhắc, xem xét việc thành lập một diễn đàn chuyên môn tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu, nơi các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận và đề ra các chiến lược cụ thể.

Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chia-se-kinh-nghiem-trong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-hop-tac-de-khai-thac-toi-da-cac-nguon-tai-chinh-quoc-te-post402734.html