Chia sẻ kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho phạm nhân nữ
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trại giam Tân Lập vừa tổ chức hội nghị chuyên đề kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho gần 500 phạm nhân nữ đang chấp hành án tại Phân trại số 5, Trại giam Tân Lập.
Tại hội nghị, các phạm nhân đã được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới trao đổi, chia sẻ một số kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và ứng xử...
Thông qua buổi nói chuyện đã giúp các phạm nhân có điều kiện học hỏi những giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống, những kỹ năng cần thiết để vận dụng trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của phạm nhân về ứng xử văn hóa trong giao tiếp, tích cực thi đua học tập, lao động, cải tạo và rèn luyện để tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Nhân dịp này Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ và Công anh tỉnh Phú Thọ đã trao 50 suất quà cho các phạm nhân nữ cải tạo tốt và có hoàn cảnh khó khăn; Sở Tư pháp cũng trao tặng 200 đầu sách cho thư viện thuộc Phân trại số 5.
Trước đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Trại giam Tân Lập tổ chức chương trình “Thắp sáng giấc mơ hoàn lương”cho phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên năm 2023.
Tại chương trình, cán bộ phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã tuyên truyền phổ biến cho các phạm nhân về những kiến thức pháp luật để tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội và tái vi phạm pháp luật sau khi chấp hành xong án phạt tù ra trại.
Tiếp đó, đại diện Sở LĐ-TB&XH đã thông tin cơ bản các chế độ, chính sách hỗ trợ về tư vấn, giới thiệu việc làm, vay vốn tạo việc làm, học nghề hiện nay của tỉnh. Các phạm nhân cũng được trang bị những kiến thức về thị trường lao động, tìm hiểu về nghề nghiệp, việc làm đang được Nhà nước hỗ trợ và tỉnh Phú Thọ khuyến khích đào tạo, có thể tiếp cận được ngay sau khi hoàn thành việc chấp hành án.
Đây là hoạt động nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của xã hội và các tổ chức đoàn thể với các phạm nhân đang trong độ tuổi lao động. Qua đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình và cộng đồng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội cùng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, bền vững.