'Chia sẻ từ trái tim': Tạo nghiệp rồi thừa hưởng chính cái nghiệp của mình

Nhân quả là luật chung chứ không của riêng một đạo nào cả. Cho nên một người dù không tin Phật, hoặc không theo đạo gì nhưng sống bằng nhân thiện thì sẽ hưởng quả thiện.

Nhân, quả, duyên phải hiểu thế nào cho đúng?

Nhân là gì? Là những gì chúng ta làm. Còn quả là những gì chúng ta hưởng hay nhận. Và duyên là những điều kiện giúp cho nhân sinh. Ví dụ mình tức giận một người, mình kể cho người khác nghe. Người đó tạo thêm duyên: “Thấy chưa, giờ bà sáng mắt chưa? Tui nói mà bà hổng tin. Cái con nhỏ này xài hổng vô”. Người đó tăng cơn giận của mình lên. Tại sao? Vì mình tăng cái duyên. Duyên ở đây là điều kiện mình tạo ra cho cơn giận đó tăng trưởng. Cho nên mình càng thêm tức giận người kia, và chuyện này có thể dẫn đến cái quả là mình đi đánh người kia. Nhưng nếu mình vừa khởi tâm nóng giận, người khác khuyên: “Thôi chị ơi, nó con nít. Nó còn trẻ, mình đừng giận nó làm chi”. Nếu người đó nói những lời làm cho cơn giận của mình hạ xuống thì cái nhân nóng giận không tăng trưởng nữa.

Như vậy, quả là kết cuộc của cái nhân. Nhưng giữa nhân và quả có duyên ở đó. Duyên là những điều kiện giúp đưa đến quả. Ví dụ, mình gieo một hạt giống xuống đất. Nó không tự mọc và có trái được. Bây giờ mình phải tạo duyên: thêm nước, bưng nó ra chỗ nắng, có ánh sáng, v.v.. cho nó đủ duyên để mọc tốt. Và cái hoa này là quả.

Trên đời này không có bất cứ cái gì ở ngoài nhân quả. Anh tin hay không tin, đó là chuyện của anh, nhưng anh không sống ngoài nhân quả.

Vậy nghiệp là gì? Là những việc chúng ta làm thành thói quen. Ví dụ, nhiều người có thói quen chửi thề khi nói. Chửi thề là nghiệp, mà là nghiệp xấu. Cũng có người hễ mở miệng là “Mô Phật”, cũng là nghiệp nhưng là nghiệp tốt. Như vậy, nghiệp là hành động, việc làm, lời nói. Nói chung, những gì chúng ta làm thường xuyên thành thói quen gọi là nghiệp. Nhưng nếu không chánh niệm, chúng ta có thể tạo nghiệp xấu. Còn nếu đủ chánh niệm, chúng ta tạo nghiệp tốt. Người theo Phật hay không theo Phật đều bị chi phối bởi nghiệp.

Mọi việc trong cuộc sống hằng ngày của mình đều thành thói quen. Ví dụ, một người là bác sĩ, đó là nghề nghiệp. Bác sĩ khám bệnh phải có ống nghe, và còn mang theo một vài dụng cụ khác trong túi hành nghề. Giả sử một hôm, ổng làm mất nguyên cái túi hành nghề. Vậy cái nghiệp bác sĩ của ổng có mất không? Không. Nghề của ổng mà. Cho nên, cái ống nghe và các dụng cụ y tế là những trợ duyên để việc hành nghề, hành nghiệp của ổng được dễ dàng. Lỡ như không có ống nghe, ổng vẫn có thể bắt mạch, nghe hơi thở của bệnh nhân. Ổng vẫn có cách nào đó để khám, chữa bệnh cho người ta vì nghiệp của ổng, nghề của ông không mất.

Chuyển cái nghiệp xấu

Sống trong cõi đời này, tất cả chúng ta đều mang trong mình cái nghiệp. Nhưng quan trọng đó là nghiệp tốt hay nghiệp xấu. Và nếu biết mình đang mang nghiệp xấu, chúng ta phải làm sao? Tu là để chuyển cái nghiệp xấu đó. Tu là vậy chứ có gì đâu. Nói cách khác, tu là thay đổi những thói quen xấu của mình. Ví dụ, có người nói “Tui có thói quen tối nào trước khi đi ngủ cũng uống một lon bia”. Như vậy đâu có tốt. Chuyển cái nghiệp đó đi. Thay vì vậy, tối nào trước khi đi ngủ cũng uống một ly nước ấm. Nhờ vậy máu huyết lưu thông, ít có nguy cơ bị đột quỵ hay tai biến. Tối đi ngủ uống một ly nước ấm, sáng thức dậy uống một ly nước ấm. Vì sau một đêm, nếu mình uống nước lạnh vô, nó sẽ làm lạnh dạ dày, không tốt. Mình tập riết sẽ thành thói quen.

Ví dụ, thói quen hút thuốc khi ăn cơm xong là một cái nghiệp - nghiệp xấu. Nghiệp này làm mình bị bệnh về phổi. Trước hết, phải tập làm sao để không hút thuốc sau bữa ăn. Một điếu thuốc sau bữa ăn hại bằng mười điếu thuốc lúc bình thường. Vì khi đó, tất cả các bộ phận trong cơ thể đều đang hoạt động, đưa thức ăn đi nuôi dưỡng từng bộ phận trong cơ thể. Một hơi thuốc hít vô sẽ phân tán ra các bộ phận đó luôn. Còn lúc bình thường, khói thuốc chỉ làm hại phổi thôi. Hút thuốc là một thói quen, là nghiệp xấu.

Như vậy, nghiệp báo, nhân quả không do ai đặt ra. Phật không đặt ra nghiệp báo hay nhân quả. Tin Phật hay không, anh cũng sống trong nhân quả. Không tin nhân quả, anh cũng sống trong nhân quả. Nhưng nếu tin có nhân quả, anh sẽ cố gắng tạo nhân tốt để hưởng quả tốt. Còn nếu tin Phật mà không tin vào nhân quả, anh vẫn sẽ làm việc xấu. Dù lạy Phật, cúng Phật hay xây tượng Phật, anh vẫn phải trả quả như thường. Chứ không phải mình làm gì cho Phật rồi Phật cứu vớt mình. Không phải vậy.

Ở đời, có những cái sờ sờ trước mắt mà chúng ta không thấy. Phật là người thấy và chỉ cho mình. Ví dụ, trong hư không có bụi nhưng mình không thấy. Nếu có ánh nắng soi vô, mình sẽ thấy bụi. Ánh nắng chính là chánh niệm, là trí tuệ, còn bụi là phiền não, khổ đau. Nếu có trí tuệ, có ánh sáng thì sẽ thấy được bụi đó, còn nếu không, chúng ta cứ sống trong bụi.

Vậy, nghiệp báo hay nhân quả không phân biệt người tin Phật hay không tin Phật. Mọi người đều sống bằng cái nghiệp của mình và mọi người đều bị nhân, quả, nghiệp chi phối. Nhân, duyên, nghiệp, quả liên kết với nhau. Nhân liên kết với duyên, thành quả, lâu ngày thành thói quen, thành nghiệp. Nhiều người thường hay giận cũng là một loại nghiệp - nghiệp giận.

Và “quả báo” không hẳn là xấu. Chỉ vì xưa nay thấy ai vướng vào điều gì xấu, mình thường nói “Nó mắc quả báo đó”. Nói riết thành quen, nên mình hiểu quả báo theo một chiều, chiều xấu. Nhưng thật ra, quả báo là kết quả đến với mình. Một ông thầy, ví dụ như Pháp Hòa, đi tu ba chục năm. Sau ba chục năm tu thì ít nhất cũng thuộc vài bài kinh, biết được chút Phật pháp. Nhìn vô ông thầy, đại chúng nói “Ồ, ông thầy này bây giờ đã có quả báo”. Nghĩa là sau ba mươi năm tu tập, ổng có được quả báo là thuộc kinh. Ví dụ đại chúng tối nào cũng tụng kinh. Quả báo của nghiệp tụng kinh là hiểu được lời kinh, nhớ được lời kinh và thậm chí chuyển hóa được những phiền não trong mình.

Như vậy, lâu nay mình hiểu quả báo chỉ theo một chiều. Mỗi khi nói cái gì đó tiêu cực, mình lại dùng từ quả báo, dùng riết nên hiểu lầm. Chứ thật ra mình tạo nhân tốt thì được quả tốt, vậy thôi. Quả báo đâu phải chỉ là những cái xấu.

Nhân, duyên, nghiệp, quả - 4 cái này đi với nhau, liên đới với nhau. Và bất luận là người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, chúng ta đều bị nó chi phối và sống với nó. Mình là người tạo nghiệp rồi mình cũng thừa hưởng chính cái nghiệp của mình.

Hạ Vĩ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chia-se-tu-trai-tim-tao-nghiep-roi-thua-huong-chinh-cai-nghiep-cua-minh-222263.html