Chia sẻ và hành động

Kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao y tế toàn cầu vừa kết thúc là Tuyên bố Rô-ma nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, cùng cam kết từ các nước giàu tăng hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19, tăng nguồn cung vắc-xin cho các nước nghèo hơn. Hội nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chia sẻ, cùng cam kết và hành động vì mục tiêu ưu tiên là chiến thắng đại dịch.

Kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao y tế toàn cầu vừa kết thúc là Tuyên bố Rô-ma nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, cùng cam kết từ các nước giàu tăng hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19, tăng nguồn cung vắc-xin cho các nước nghèo hơn. Hội nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chia sẻ, cùng cam kết và hành động vì mục tiêu ưu tiên là chiến thắng đại dịch.

Hội nghị cấp cao y tế toàn cầu, do Ủy ban châu Âu (EC) cùng nước Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là I-ta-li-a tổ chức, là dịp để các nhà lãnh đạo G20 cùng các nước khách mời, các tổ chức quốc tế và khu vực, các cơ quan y tế toàn cầu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy hành động nhằm đưa thế giới sớm vượt qua cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng hiện nay, cũng như chuẩn bị các cơ chế hợp tác đề phòng và xử lý đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và vấn đề tiếp cận bình đẳng vắc-xin ngừa Covid-19 chưa được bảo đảm, Hội nghị đã nhấn mạnh vai trò quan trọng và yêu cầu tăng cường hợp tác đa phương, đoàn kết và chia sẻ, cùng hành động trong cuộc chiến chống dịch.

Tuyên bố Rô-ma được Hội nghị thông qua với sự đồng thuận cao, trong đó kêu gọi thay đổi cách tiếp cận, đề cao tinh thần tự nguyện và chia sẻ, nhằm nâng cao khả năng ứng phó, phòng ngừa và phản ứng phối hợp thông qua hợp tác đa phương và toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19, cũng như ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng y tế trong tương lai. Cùng chia sẻ nhận định rằng, cuộc khủng hoảng do Covid-19 làm bộc lộ điểm yếu của thế giới trong việc hợp tác ngăn ngừa và ứng phó các trường hợp y tế khẩn cấp, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh yêu cầu cấp bách khai thác sức mạnh tổng hợp, tận dụng chuyên môn và năng lực của giới khoa học, các tổ chức và nền tảng y tế nhằm tạo thuận lợi chia sẻ dữ liệu, thỏa thuận cấp phép và chuyển giao công nghệ tự nguyện nhằm mở rộng sản xuất, tăng nguồn cung vắc-xin, công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay. Hội nghị cũng đề cao vai trò của các cơ chế, chương trình đa phương do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn dắt, như COVAX hay ACT-A (chương trình tăng tốc tiếp cận công cụ ứng phó Covid-19).

Kết quả tích cực nữa tại Hội nghị đó là các cam kết cụ thể từ các nước giàu tăng hỗ trợ các nước nghèo chống dịch. Một loạt thành viên G20 và Liên hiệp châu Âu (EU), cùng các hãng dược phẩm cam kết nỗ lực tăng nguồn cung vắc-xin. Nổi bật như, các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cấp 3,5 tỷ liều vắc-xin với giá gốc và EU hỗ trợ 100 triệu liều vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. EU cũng công bố kế hoạch đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vắc-xin tại châu Phi. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ 50 tỷ USD để phát triển vắc-xin, với mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và đạt mức 60% vào cuối năm tới. Nhiều nước như Pháp, Đức, Trung Quốc... cũng công bố các kế hoạch viện trợ và cấp vắc-xin, hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin vẫn cản trở nỗ lực chung nhằm kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu, thì Hội nghị đã không đạt được đồng thuận về đề xuất dỡ bỏ các rào cản liên quan quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Tuyên bố Rô-ma chỉ kêu gọi tự nguyện cấp phép liên quan bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ, nhằm tạo thuận lợi mở rộng sản xuất, tăng nguồn cung cho thế giới. Tuyên bố cũng chưa nêu cam kết cụ thể về tài trợ các chương trình của WHO vốn đang thiếu nguồn lực.

Dù vậy, với những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nỗ lực chung, Hội nghị cấp cao y tế toàn cầu vẫn được cho là đạt mục tiêu, khi nhất trí nhiều sáng kiến và cam kết mang tính hỗ trợ, thúc đẩy sự chia sẻ và hành động giữa các nước. Thông qua Tuyên bố Rô-ma, các nước G20 đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đề cao các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

SƠN NINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/chia-se-va-hanh-dong-647484/