Chia sẻ xúc động của Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bến Tre

Hơn 30 năm gắn bó với Đoàn, ông Phạm Hữu Thừa - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre, hiện làm Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bến Tre. Với ông, trải qua bao thăng trầm, gian khổ nhưng vô cùng tự hào là cán bộ Đoàn, với ông 'nếu có kiếp sau nguyện vẫn làm cán bộ Đoàn'.

Tuổi trẻ nhiệt huyết cách mạng

Ông Phạm Hữu Thừa (còn gọi Hai Thừa) năm nay 88 tuổi, ở xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri (Bến Tre). Tuổi cao, sức yếu nhưng ông còn minh mẫn, vui vẻ sống cùng con, cháu và chăm sóc khu vườn gần 1ha.

 Ông Phạm Hữu Thừa (Hai Thừa) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Hòa Hội

Ông Phạm Hữu Thừa (Hai Thừa) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Hòa Hội

Ông kể, năm 23 tuổi được kết nạp vào Đoàn tại ngôi đình - nơi đặt căn cứ bí mật của cách mạng. Thời kháng Mỹ, ông là cán bộ Đoàn, nhiệm vụ của ông được phân công tập hợp, vận động thanh niên nhập ngũ. Thời đó bom đạn ác liệt, công tác vận động thanh niên vô cùng khó khăn, nhiệm vụ cán bộ Đoàn phải tới từng nhà vận động thanh niên đứng lên đấu tranh, giành độc lập. "Dù khó khăn, nhưng khí thế thanh niên sôi nổi, lòng căm thù giặc trào dâng, quyết tâm trả thù để đem lại tự do cho dân tộc", ông Hai Thừa nói, và cho biết lúc Bến Tre lên cao trào cách mạng, gần như tất cả thanh niên nam ngoài tiền tuyến, còn phụ nữ làm nhiệm vụ hậu phương, cùng đánh giặc.

Thanh niên có nhiều cách đánh thông minh, hiệu quả như phá cầu, đường ngăn địch càn quét. Hoặc thanh niên cưa gầm cầu nông thôn, dưới sông cắm chông nhọn, xe địch đi qua sẽ sập cầu, té xuống trúng chông...

Đặc biệt, Bến Tre có đường dây vận tải vũ khí cho tàu không số, giao cán bộ Đoàn với khoảng hơn 4.000 thanh niên làm nhiệm vụ từ Thạnh Phong, Thạnh Phú lên Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm rồi chuyển đi những nơi khác.

 Ông Hai Thừa. Ảnh: Hòa Hội

Ông Hai Thừa. Ảnh: Hòa Hội

Nhiều tấm gương cao cả

Năm 1978, ông Hai Thừa được phân công về làm Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre (giai đoạn 1978 - 1983), Ủy viên BCH Trung ương Đoàn. Ông chia sẻ, làm cán bộ Đoàn thấy mình may mắn và tự hào, vì được Đảng tin tưởng giao sứ mạng lịch sử là tiếp cận thanh niên - lực lượng tương lai dân tộc, đội hậu bị của Đảng. Chính từ đó, thực hiện nhiệm vụ tuy vô cùng gian khổ, khó khăn nhưng rất tự hào và hạnh phúc.

Ông kể, thời đó vô cùng khắc nghiệt, vô từng ấp chiến lược vận động, giáo dục thanh niên chưa giác ngộ, thậm chí có thanh niên sợ tiếng súng đạn, bom mìn. Qua vận động, giáo dục họ tham gia cách mạng chiến đấu với quân thù rồi trở thành người lính cụ Hồ. "Trong cuộc chiến, có những tấm gương của cán bộ, đoàn viên ở tù, rồi ra đánh giặc hy sinh dũng cảm. Hơn 30 năm làm công tác Đoàn, đó cũng như trường đại học rèn luyện để tôi trưởng thành", ông Hai Thừa nói.

Ông Thừa vẫn nhớ như in tấm gương ông Lê Trung Kiên (quê Châu Thành, Bến Tre), 18 tuổi được vận động đi tòng quân khi cha, chị ông bị địch giết. Ông cùng 5 người trong tổ bảo vệ kho vũ khí ở biên giới đánh đại đội biệt kích của Mỹ đến hơi thở cuối cùng, hy sinh nằm trên công sự tay còn nắm lựu đạn.

Hay trường hợp một đoàn viên khác cha bị giặc Pháp giết, mẹ cần kiệm, cực khổ nuôi con; có vợ, con nhưng lúc đầu anh rất sợ máy bay Mỹ, chiều xuống bụi tre lớn sau nhà đào hầm trốn. Khi ấy Chi đoàn đòi khai trừ người này ra khỏi tổ chức do nhút nhát. Lần đó, ông Hai Thừa tổ chức họp chi đoàn vào buổi tối ngay cửa hầm của thanh niên này. Khi họp có máy bay địch xuống hầm nấp cũng yên lòng, sau đó tổ chức đưa súng cho tập bắn chim, riết quen, thời gian sau anh này mạnh dạn đăng ký nhập ngũ.

Không chỉ vài người, còn rất nhiều thanh niên khác cũng anh dũng, kiên cường như thế. "Là cán bộ Đoàn được Đảng tin yêu, giao cho nhiệm vụ tiếp cận với lực lượng ưu tú của dân tộc, xây dựng họ từ thanh niên bình thường trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Bằng sự hy sinh cao cả như thế, đó là vinh dự của cán bộ Đoàn", ông Hai Thừa bộc bạch.

 Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh kỉ niệm trong lần về thăm ông Hai Thừa tại Bến Tre.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh kỉ niệm trong lần về thăm ông Hai Thừa tại Bến Tre.

Kiếp sau vẫn làm cán bộ Đoàn

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, hai miền Bắc - Nam sum họp một nhà. Khi đất nước hòa bình, chuyển từ cầm súng, thanh niên bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả, xây dựng đời sống mới và bảo vệ tổ quốc.

Ông Hai Thừa nhớ lại, thời điểm đó khí thế của thanh niên vô cùng mạnh mẽ, ai cũng muốn đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương. Hàng nghìn thanh niên chia nhau, nhóm đi lên miền Đông Nam Bộ khai thác đá mang về làm cầu, đường. Nhóm xây dựng nông trường, khai hoang, phục hóa dừa, lúa, làm hợp tác xã... Hàng nghìn thanh niên tình nguyện đăng ký tham gia đào kênh dài mấy chục cây số, dựng trại ăn, ở ròng rã mấy tháng trời để phục vụ sản xuất.

Ông Hai Thừa bộc bạch, sau này anh em cán bộ Đoàn gặp nhau trò chuyện, nói vui: "Nếu như có tái sinh ở kiếp sau, tôi vẫn làm cán bộ Đoàn".

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chia-se-xuc-dong-cua-chu-tich-hoi-cuu-thanh-nien-xung-phong-tinh-ben-tre-post1654990.tpo