Chia sẻ yêu thương

Trong hành trình đi dọc biên giới Kiên Giang, tôi có dịp tìm hiểu nhiều hơn về công việc của những người lính Biên phòng. Tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham gia xây dựng chính trị ở cơ sở…, mặt trận nào người lính cũng nỗ lực hết sức mình. Các anh còn là điểm tựa của những người phụ nữ đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho đất nước.

Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hoa đã trở thành “địa chỉ đỏ” đối với những người lính Đồn Biên phòng Tây Yên. Ảnh: Bích Nguyên

Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hoa đã trở thành “địa chỉ đỏ” đối với những người lính Đồn Biên phòng Tây Yên. Ảnh: Bích Nguyên

Chuyện của mẹ Hoa

Chiến tranh đi qua đã lâu, nhưng những vết thương do chiến tranh để lại vẫn khiến người ta phải nhói lòng mỗi khi nhắc lại như câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hoa - người được Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang phụng dưỡng, chăm sóc trong những năm qua. Những người lính Biên phòng thân thương gọi bà là mẹ.

Mẹ Hoa hiện ở tổ 11, khu phố Minh An, thị thấn Minh Lượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ở độ tuổi 85, trí lực có phần giảm sút, nhưng mẹ vẫn tự đi lại, sinh hoạt được. Mẹ Hoa tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà của mẹ là nơi nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ cách mạng. Ban đầu, mẹ ở xã Phước Thới, huyện Gò Quao, sau khi cơ sở bị lộ, mẹ chuyển về sinh sống ở xã Thứ Hồ B. Chồng mẹ là ông Trần Văn Quán, một chiến sĩ cách mạng trung kiên. Người con trai cả của mẹ cũng nghe theo tiếng gọi của cách mạng, đi bộ đội từ lúc tuổi còn đôi mươi. Chiến tranh đã gây cho mẹ những vết thương đau đớn, chồng bị kẻ địch vây bắt, bắn chết, người con trai cả hy sinh trong một trận đánh.

Cho đến bây giờ, mẹ vẫn không thể nào quên được cái ngày chồng mình bị địch bắt, đánh đập rồi giết hại, bởi nó diễn ra ngay trước mặt mẹ. Người con trai thứ hai của mẹ Hoa kể với chúng tôi: “Trước kia, mẹ tôi hay kể chuyện về bố và anh trai cho tôi nghe. Lần nào kể, mẹ cũng khóc. Bố tôi bị rơi vào tay địch khi mẹ đang mang bầu tôi. Hồi đó, ông ghé về thăm nhà khi đang đi công tác với nhiều tài liệu quan trọng. Ngay lúc đó, bọn mật thám ập tới bắt ông. Chúng dẫn ông đi khắp xóm. Mẹ tôi đi xay gạo về, nhìn thấy bố bị đánh đập nhưng không dám khóc, phải tảng lờ như người dưng”.

“Như biết trước số phận của mình khi rơi vào tay địch, lúc tụi lính dẫn giải đi, ông cố ghé sát vào người tôi nói nhỏ: “Ở lại nuôi con, tôi không còn nữa đâu” - Mẹ Hoa nhớ lại, rồi kể tiếp: “Chúng lôi ông ra bốt cầu Vị Thơ (nay là xã Định Hòa) bắn chết, mổ bụng, phơi thây”. Chờ lúc đêm xuống, bọn địch rút đi, mẹ Hoa cùng với 2 người khác mới tới lấy được xác ông Quán về chôn cất. Suốt bao năm qua, còn một điều nữa khiến mẹ Hoa luôn khắc khoải trong lòng là vẫn chưa tìm được mộ phần của con trai mình.

Chia sẻ với những mất mát, đau thương của mẹ Hoa, những người lính Biên phòng nơi đây đã nhận phụng dưỡng mẹ đến suốt đời. Nhà mẹ Hoa ở khá xa đơn vị, đường đi lại không mấy thuận tiện, nhưng không vì thế mà tình cảm của những người lính với mẹ xa cách. Trung tá Bùi Khắc Dương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên bảo rằng: “Tháng nào đơn vị cũng cử cán bộ tới thăm mẹ, tặng quà, gửi tiền phụng dưỡng mẹ. Anh em đi công tác địa bàn đều tranh thủ vào thăm, trò chuyện với mẹ”. Tình cảm chân thành của những người lính Biên phòng đã phần nào giúp mẹ vơi bớt nỗi buồn đau trong lòng. Ánh mắt của mẹ tươi vui hơn mỗi khi họ tới thăm.

Chỉ cần gọi điện là các chú xuống ngay

Đó là chia sẻ của bà Dương Thị Nga, 74 tuổi, ở phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với tôi khi nói về những người lính ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Bà Nga, quê ở Thanh Hóa. Từ năm 20 tuổi, bà đã tham gia công tác giao liên, dẫn đường cho bộ đội. Hoàn thành nhiệm vụ, bà chọn ở lại mảnh đất biên giới Hà Tiên. Không chồng, không con, suốt nhiều năm liền, bà Nga sống cô đơn trong ốm đau bệnh tật. Không có thu nhập, lại đau ốm liên miên, cuộc sống của bà Nga vô cùng khó khăn.

Nhìn gia cảnh của bà, ai cũng thương cảm. Những người lính Biên phòng cũng vậy. Họ không ngần ngại, động viên, chia sẻ, giúp đỡ bà. Từ đó đến nay đã 10 năm, nhà bà Nga trở thành địa chỉ mà cán bộ Biên phòng thường xuyên ghé thăm. Chính những người lính nơi đây đã vận động các nguồn lực xây dựng nhà “Đại đoàn kết” tặng bà Nga thay cho mái lều cũ dột nát. Hằng tháng, cán bộ Biên phòng đều mang quà, gạo, tiền xuống biếu bà.

Bà Nga bộc bạch: “Tôi không có con cháu, vì thế, mọi việc đều nhờ cả vào BĐBP”. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vốn định mua cho bà Nga một chiếc bếp ga để nấu ăn cho thuận tiện, sạch sẽ, nhưng “các chú sợ tôi lóng ngóng chân tay, mắt nhìn không rõ, dễ gây cháy nổ nên thôi” - Bà Nga nói.

Gần đây, căn bệnh phổi của bà Nga trở nặng hơn. Căn bệnh đau khớp cũng khiến bà đi lại khó khăn. Những người lính Biên phòng hỏi thăm bà thường xuyên hơn. Bà Nga xúc động nói: “Tôi ở một mình nên các chú Biên phòng hay hỏi thăm. Có chuyện gì cần, gọi điện là các chú xuống ngay”.

Những người lính Biên phòng đã liên hệ với cơ quan chức năng làm thẻ bảo hiểm y tế cho bà để đỡ một phần chi phí khám bệnh. Quan tâm, lo lắng cho bà Nga, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên còn nhờ người dân sinh sống gần nhà của bà để ý giúp, nếu thấy bà đau ốm hay cần gì thì báo ngay cho đơn vị.

Trong ánh mắt của bà Nga, tôi cảm nhận được sự yên tâm, tin tưởng bà dành cho những người lính Biên phòng nơi đây. Tôi tin rằng những việc làm nhỏ đầy ý nghĩa nhân văn của cán bộ Biên phòng sẽ lan tỏa mãi mãi.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chia-se-yeu-thuong-post438676.html