Chiếc camera đặt lén ở góc lớp
Sự việc cô giáo đánh, kéo tai, chửi học trò lớp 2 tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TPHCM) được phanh phui bằng một chiếc máy quay đặt lén ở góc tủ của lớp. Từ đây cũng kéo theo những băn khoăn... >>Gắn camera để chống bạo hành trẻ mầm non: 'Đá' trách nhiệm cho thiết bị?
Trước hết, phải khẳng định, ai đặt chiếc camera này cũng không thay đổi bản chất hành vi đánh, kéo tai, phạt học trò của cô N.H.H. trong không gian lớp học mà cô là người chịu trách nhiệm. Ở đó, lớp học ngập tràn trong cảnh học sinh bị đánh, kéo tai, bị phạt...
Clip cô N.H.H đánh, kéo tai trẻ... được tung ra từ một máy quay đặt lén trong lớp học
Nếu không có chiếc máy quay đặt lén này thì việc cô giáo đánh học trò có thể là "bí mật" trong lớp học. Có chăng chỉ được thể hiện qua những lời kể yếu ớt, tâm lý hoảng sợ của học sinh và thêm sự hoang mang của những phụ huynh có quan tâm đến con.
Tuy nhiên, chiếc máy quay đặt ở góc lớp tại một trường học không có quy định gắn camera trong lớp là một vấn đề đề được nhắc đến trong sự việc này. Cô giáo N.H.H. đã hoàn toàn nhận hành vi của mình là sai, xin lỗi phụ huynh và xin nhận mọi kỷ luật.
Cô H. cho biết, trước khi clip được tung ra, có người đã gọi điện cảnh báo và cả đe dọa cô H., sau đó thì cô không dám đánh, mắng học sinh nữa. Cô vốn đang có "mâu thuẫn" với nhà trường khi đứng ra tố cáo những sai phạm của hiệu trưởng nên cô rất sợ bị kiện, bị "nắm thóp".
Thông tin phụ huynh vào trường đặt lén máy quay, góc độ là người trong cuộc, cô H. khẳng định, phụ huynh không thể vào lớp để đặt máy quay, lớp học này có hai khối lớp theo học, sáng một lớp, chiều một lớp. Nhất là góc quay ở trên cao, bắt buộc phải bắc ghế, bắc thang mới có thể lắp đặt được thiết bị. Việc gắn thiết bị trong nhiều ngày, sau đó còn phải gỡ ra để thay pin, lấy dữ liệu... theo cô H., không phụ huynh nào làm được nếu không được phép của nhà trường.
Phía Trường tiểu học Phan Chu Trinh khẳng định trường không có quy định gắn camera trong lớp học. Trước thông tin "phụ huynh vào lớp bí mật đặt máy quay", nói về quy định phụ huynh được vào lớp học trong trường hợp nào, bà Trần Thị Mai Hoa - Hiệu phó Trường tiểu học Phan Chu Trinh cho hay, nhà trường chỉ cho phụ huynh vào lớp ngày đầu tiên của năm học để đưa đón học sinh, sau đó, ngày thứ 2 đưa đón tại sân trường. Vào giờ học thì phụ huynh không được đến lớp, mọi trao đổi với giáo viên đều diễn ra ở phòng tiếp dân, phòng làm việc của ban giám hiệu.
Trước ý kiến về việc liệu có khả năng phụ huynh vào lớp gắn camera hay không, bà Hoa cho biết đó cũng là thắc mắc của nhà trường. Tuy nhiên, vị hiệu phó thông tin thêm, quy định phụ huynh không được vào lớp nhưng trong tuần đầu tiên của năm học, nhà trường có tổ chức cho các lớp trang trí lớp học, lúc này có huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh.
Trong thời gian này, có một số phụ huynh tài trợ ti vi, quạt, rèm cửa… nhà trường có tạo điều kiện để phụ huynh vào lớp. Thời gian cho phụ huynh lắp đặt là từ ngày 20/8 cho đến hết tháng 8.
Hiện nay, nhà trường tạm thời đình chỉ công tác giảng dạy của cô H. và sự việc được thanh tra quận tiếp nhận, xử lý.
Không liên quan đến sự việc này nhưng ở một diễn biến khác, cô H. là người tố cáo về một số sai phạm, hành vi của hiệu trưởng nhà trường, bà Đ.T.S. Mới đây, vào ngày 22/8/2019, UBND quận Tân Phú đã ra Văn bản số 188/TB-UBND thông báo kết quả giải quyết tố cáo của giáo viên N.H.H. đối với một số hành vi không đúng quy định của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Theo đó, kết quả xác minh cho thấy, hiệu trưởng đơn vị đã kê khai chứng từ bảng kê phụ trội thêm giờ để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng các môn tin học, mỹ thuật không đúng tình hình thực tế. Qua kiểm tra, cho thấy đơn vị đã khắc phục sai phạm và nộp toàn bộ số tiền chênh lệch hơn 259 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với sai phạm này đối với tập thể Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và cá nhân Hiệu trưởng chưa được xử lý.
Nói một cách tách bạch, việc cô H. có những hành vi đánh, kéo tai, phạt trẻ trong nhiều ngày liền của đầu năm học và việc cô là người đứng ra tố cáo sai phạm là hai sự việc độc lập. Điều này không thay đổi hành vi cô đánh, kéo tai, xử phạt trẻ một cách phản giáo dục trong lớp học.
Hiện nay, việc có nên gắn camera công khai ở lớp học hay không vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trong nhiều năm qua giữa hai trường phái. Nhưng chuyện chiếc camera được đặt lén sẽ là một lời cảnh báo, cảnh tỉnh.
Trong một hội thảo gần đây về Đạo đức nhà giáo tổ chức ở TPHCM, PGS.TS Trần Thị Phương Mai (ĐH Sư phạm Hà Nội) khi đề cập đến một số clip bạo hành, đánh đập trẻ trong lớp học, bà đặt câu hỏi: Ai có thể vào quay các anh chị? Nếu không phải là đồng nghiệp, là người bên cạnh chúng ta?
TS Phương Mai nói đến điều này không phải nhắc giáo viên đối phó, đương đầu, mất niềm tin mà muốn nhấn mạnh, mỗi người thầy phải luôn nhắc bản thân không ngừng tự rèn luyện, phải chuẩn mực, biết kiềm chế, tỉnh táo, cẩn trọng trong hành vi đạo đức lẫn lời ăn tiếng nói.
Còn khi bản thân mình có hành vi phản giáo dục, mình vi phạm đạo đức làm người, đạo đức nhà giáo thì không điều gì có thể biện minh. Mình không thể ngăn cấm, kiểm soát được người khác nhưng hoàn toàn có thể thay đổi, kiểm soát, điều chỉnh hành vi, lời nói của chính mình.
Thiết nghĩ lời nhắc nhở này không chỉ dành riêng cho nghề giáo, cho người thầy mà cho tất cả mỗi chúng ta...
TheoDân Trí
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chiec-camera-dat-len-o-goc-lop-20191008114821227.htm