Chiếc hộp sinh tử
Thiết bị kim loại này ra lệnh cho trái tim tôi phải đập bảy mươi lần trong một phút, cứ liên tục như vậy mà không phải sạc lại trong vòng mười hai năm tới.
Hết lần này đến lần nọ, tôi, ông Irv, thấy mình cứ đưa mấy ngón tay rờ rờ lên phía trên ngực trái. Từ tháng rồi tôi đã có một vật thể mới ở trong đó, một cái hộp kim loại kích thước khoảng 5x5 cm được một bác sĩ phẫu thuật mà giờ tôi cũng chẳng nhớ cả mặt lẫn tên lắp vào. Mọi việc bắt đầu từ một buổi tập với chuyên viên vật lý trị liệu mà tôi đã liên hệ nhờ cải thiện tình trạng mất thăng bằng. Khi đo nhịp tim vào đầu giờ, cô bất ngờ quay lại phía tôi, vẻ mặt như bị sốc rồi nói, “Tôi phải đưa ông đi cấp cứu ngay thôi! Nhịp tim của ông còn có 30”.
Tôi cố làm cô ấy bình tĩnh lại. “Nhịp tim của tôi chậm hàng tháng nay rồi, mà tôi cũng có triệu chứng gì lạ đâu.” Những lời tôi nói chẳng có tác dụng gì. Cô chuyên viên không chịu tiếp tục buổi vật lý trị liệu và bắt tôi hứa hẹn là sẽ ngay lập tức liên hệ bác sĩ W., bác sĩ nội khoa của tôi, để thảo luận vấn đề.

Khi trái tim gặp vấn đề, con người sẽ thấy sự sống rất mong manh. Ảnh: Dr Sigauke.
Tháng tư
Ba tháng trước, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho tôi, bác sĩ W. đã ghi nhận nhịp tim chậm và có lúc bất thường của tôi, đồng thời giới thiệu tôi qua phòng khám rối loạn nhịp tim ở Stanford. Họ đã dán một cái máy Holter điện tâm đồ lên ngực tôi để ghi lại nhịp tim trong hai tuần. Các kết quả cho thấy một chu trình nhịp tim chậm đều nhưng định kỳ lại có những cơn rung nhĩ ngắn.
Để bảo vệ tôi không bị một cục máu đông đẩy lên não, bác sĩ W. bắt đầu cho tôi dùng Eliquis, một loại thuốc chống đông máu. Mặc dù thuốc Eliquis giúp tôi phòng ngừa đột quỵ, nó lại gây ra mối lo mới: tôi vốn có vấn đề về thăng bằng từ mấy năm nay, và giờ một cú té ngã nặng có thể sẽ dẫn đến tử vong vì không có cách nào quay ngược lại tiến trình chống đông để ngừng việc chảy máu cả.
Hai giờ sau khi chuyên viên vật lý trị liệu yêu cầu, bác sĩ W. đến khám bệnh cho tôi, đồng ý là nhịp tim của tôi còn chậm hơn trước nên đã thu xếp cho tôi đeo máy Holter điện tâm đồ thêm lần nữa để ghi lại nhịp tim trong vòng hai tuần.
Hai tuần trôi qua, sau khi nhân viên kỹ thuật của phòng khám rối loạn nhịp tim tháo máy Holter ra và gửi bản ghi dữ liệu điện tâm đồ của tôi cho phòng thí nghiệm để nghiên cứu thì một vụ động trời khác lại xảy ra, lần này là Marilyn vợ tôi: đang nói chuyện với tôi thì đột nhiên bà ấy không thể nói hay thốt ra được lời nào nữa. Tình trạng này kéo dài trong năm phút liền, rồi mấy phút sau vợ tôi mới từ từ nói lại được. Tôi nghĩ gần như chắc chắn là đột quỵ.
Cách đây hai tháng vợ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tủy xương và đã bắt đầu dùng thuốc Revlimid. Cơn đột quỵ có thể là do thuốc hóa trị liều cao mà bà sử dụng trong hai tuần qua. Tôi gọi điện ngay cho bác sĩ nội khoa của Marilyn, bác sĩ lại tình cờ đang ở gần đó nên phóng ngay đến nhà chúng tôi. Sau khi khám sơ qua, bác sĩ gọi xe cứu thương để đưa vợ tôi đi cấp cứu.
Mấy tiếng đồng hồ sau đó ở khu vực chờ của phòng cấp cứu là khoảng thời gian tệ nhất mà vợ chồng tôi từng trải qua. Các bác sĩ trực chỉ định chụp cắt lớp não và kết quả cho thấy vợ tôi đúng là đã bị đột quỵ do một cục máu đông. Họ tiến hành tiêm thuốc TPA (chất hoạt hóa plasminogen mô) để phá vỡ cục máu. Rất hiếm bệnh nhân bị dị ứng với loại thuốc này - nhưng than ôi, vợ tôi lại là một trong số đó và bà suýt chết trong phòng cấp cứu. Rồi vợ tôi dần dần hồi phục mà không bị di chứng từ cơn đột quỵ, bốn ngày sau thì được xuất viện.
Nhưng số phận chưa buông tha chúng tôi. Chỉ vài giờ sau khi tôi đưa vợ từ bệnh viện về nhà, bác sĩ của tôi lại gọi điện thông báo là đã có kết quả phân tích tim và bắt buộc tôi phải phẫu thuật để lắp máy tạo nhịp tim vào trong lồngngực.Tôi báo với bác sĩ là vợ tôi vừa xuất viện về nhà nên tôi đang bận tối mắt tối mũi lo cho bà ấy đây. Tôi cam đoan với bác sĩ là sẽ thu xếp nhập viện để phẫu thuật vào đầu tuần tới.
“Không, không được, ông Irv à,” bác sĩ trả lời, “Ông hãy nghe tôi nói: đây không phải là chuyện ông được lựa chọn. Ông phải đến phòng cấp cứu trong vòng một tiếng đồng hồ để phẫu thuật ngay lập tức. Bản ghi nhịp tim trong hai tuần của ông cho thấy ông đã có đến 3.291 block nhĩ thất kéo dài tổng cộng là một ngày và sáu tiếng đồng hồ.”
“Cái đó thật ra có nghĩa gì vậy?” Tôi hỏi. Lần cuối tôi được chỉ định khám tim đã gần sáu mươi năm trước rồi, vả lại tôi cũng không định giả vờ là mình theo kịp tiến bộ của ngành y tế đâu.
Bác sĩ trả lời, “Có nghĩa là trong thời gian hai tuần vừa rồi đã có hơn 3.000 thời điểm mà xung điện từ máy tạo nhịp tim tự nhiên của ông ở tâm nhĩ trái không dẫn truyền được xuống tâm thất phía dưới. Việc này gây ra hiện tượng ngừng tim cho đến khi tâm thất phản ứng bất thường làm tim tự co bóp lại. Đây là vấn đề nguy hiểm đến tính mạng và cần được chữa trị ngay lập tức.”
Tôi vội đến phòng cấp cứu và được một bác sĩ phẫu thuật tim khám. Ba giờ sau, người ta đẩy tôi vào phòng mổ để lắp máy tạo nhịp tim. Hai mươi bốn giờ sau, tôi xuất viện.
Băng đã được tháo ra, và chiếc hộp kim loại nằm trong ngực tôi ngay dưới xương đòn trái. Thiết bị kim loại này ra lệnh cho trái tim tôi phải đập bảy mươi lần trong một phút, cứ liên tục như vậy mà không phải sạc lại trong vòng mười hai năm tới.
Không giống bất cứ thiết bị cơ khí nào mà tôi đã gặp trước đây, không giống như kiểu đèn pin không sáng được, điều khiển ti vi không chuyển kênh được, hay phần mềm điều hướng trên điện thoại không chỉ dẫn được, cái thiết bị nhỏ xíu này hoạt động với khoản đầu tư rủi ro cao nhất có thể: nếu nó bị lỗi, cuộc sống của tôi sẽ chấm dứt chỉ trong vài phút. Tôi thấy choáng váng khi biết rằng mạng sống mình giờ trở nên thật mong manh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/chiec-hop-sinh-tu-post1545363.html