Chiếc máy bay 'made in Việt Nam' ở Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024

Trong khu vực khoảng 100.000m² Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024, một chiếc máy bay 'made in Việt Nam' có tên TP-150 luôn nhận được sự quan tâm, thu hút nhiều người tới xem, chiêm ngưỡng.

Chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Hoài Nam (1 trong 3 thành viên sáng lập ý tưởng sản xuất chiếc máy bay), đây là chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, bởi một công ty Việt Nam. TP-150 là loại máy bay huấn luyện cơ bản và tuần tra dành cho quân đội.

Đây là sản phẩm của liên doanh hợp tác giữa Italy và Việt Nam, thiết kế bởi công ty Flying Legend Italy và sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc. TP-150 được thiết kế, chế tạo tuân thủ các tiêu chuẩn EASA CS-VLA và FAA Experimental Aircraft cũng như các tiêu chuẩn áp dụng trong quân đội. TP-150 là viên gạch đầu tiên cho nền sản xuất máy bay của Việt Nam.

Ông Trần Hải Đăng (Chủ tịch HĐQT Công ty Flying Legend Vietnam cùng với ông Nguyễn Hoài Nam, là 1 trong các thành viên lên ý tưởng sản xuất máy bay), cho biết, từ nhỏ, ông đã được tiếp tục với các thế hệ cha anh, chủ yếu là phi công và các kỹ sư máy bay (cha ông Trần Hải Đăng cũng là phi công trực thăng của Không quân Việt Nam).

Sau gần 30 năm trong ngành, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, thiết kế chế tạo cải tiến các phương tiện bay, huấn luyện đào tạo người lái và bảo dưỡng. Do đó, ông và các đồng nghiệp quyết định khởi nghiệp ở tuổi 50, bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.

“Thật vinh dự và tự hào khi chiếc TP-150 này được giới thiệu trong một triển lãm quốc phòng quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Chiếc máy bay nhỏ bé của chúng tôi đứng cạnh những cỗ máy khổng lồ như C130J hay chiến đấu cơ A-10 do Mỹ sản xuất, một cảm giác vừa tự hào vừa nặng trĩu, thấy rằng mình còn phải cố gắng nhiều lắm”, ông Đăng chia sẻ.

 Ông Nguyễn Hoài Nam bên cạnh chiếc máy bay. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ông Nguyễn Hoài Nam bên cạnh chiếc máy bay. Ảnh: ĐỖ TRUNG

TP-150 dùng cho huấn luyện phi công quân sự

Đón nhận nhiều tình cảm của các cựu chiến binh tham gia triển lãm, giới truyền thông cũng như các thế hệ thanh niên tại triển lãm, ông Nguyễn Hoài Nam không giấu được niềm vui. Ông cho biết thêm, TP-150 là loại máy bay huấn luyện sơ cấp và tuần tra, dùng cho huấn luyện phi công quân sự và có thể áp dụng trong hàng không dân dụng.

Máy bay được thiết kế bởi các kỹ sư Italy. Động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử của các nước phương Tây, phần còn lại bao gồm các cấu trúc thân, cánh, càng và các phụ kiện được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy của Flying Legend Vietnam ở tỉnh Vĩnh Phúc. Các máy bay này chủ yếu sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Nam Mỹ, Bắc Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phần lớn sử dụng trong lực lượng không quân của các nước.

“Là những người sáng lập, chúng tôi hiểu rất rõ máy bay này nếu được sử dụng trong huấn luyện phi công ở Việt Nam, sẽ góp phần hiện đại hóa đội bay và tăng cường năng lực huấn luyện đào tạo người lái máy bay trong nước. Bên cạnh đó, sản phẩm sẽ góp phần hiện thực hóa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp mới được Quốc hội phê chuẩn gần đây. Hy vọng của chúng tôi là Flying Legend Vietnam sẽ trở thành một điển hình doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết và thông tin thêm rằng, sau triển lãm quốc phòng, nhóm 3 thành viên sẽ nộp đơn đến các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ.

Máy bay TP-150 với động cơ 150 mã lực có thể bay với tốc độ gần 300km/giờ liên tục trong 6,5 giờ (với thùng dầu phụ) và thực hiện các bài bay nhào lộn phức tạp, cũng như bay biểu diễn theo đội hình. Khi lắp thêm các thiết bị như camera quang hồng ngoại, radar khẩu độ tổng hợp, máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới hoặc giám sát bờ biển.

ĐỖ TRUNG - TRẦN LƯU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chiec-may-bay-made-in-viet-nam-o-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-2024-post773588.html