'Chiếc ô' an ninh nghiêng ngả, EU phải tự cứu chính mình
Liên minh châu Âu (EU) phải xác định rõ 'gót chân Achilles' để tìm đường đi cho chính mình trong bối cảnh chính sách đầy bất định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

EU là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong trật tự quốc tế đầy bất định do các chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Foreign Affairs))
Trong một bài phân tích gần đây trên The Conversation, Giáo sư An ninh Quốc tế, Đại học Birmingham (Anh) Stefan Wolff đã nhận định về thế khó của Liên minh châu Âu (EU) trước những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cho rằng EU cần phải có lối đi riêng để "tự cứu lấy mình". TG&VN lược dịch bài phân tích.
Khu vực dễ bị tổn thương
Cụm từ mô tả chính xác nhất tác động quốc tế trong 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump là “sự gián đoạn”, trong đó nổi bật là chính sách thuế quan, việc đặt nghi vấn về liên minh xuyên Đại Tây Dương và cách tiếp cận chính sách mới với Nga.
Những thay đổi đó chưa phá vỡ trật tự quốc tế hiện tại song cũng chưa đủ để tạo ra một trật tự mới thay thế. Tuy nhiên, “Trumpism” – chủ nghĩa Trump, với cốt lõi là chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” nhiều khả năng sẽ tồn tại ngay cả sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc.
Trật tự thế giới đa cực mới nổi lên với vai trò của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Châu Âu là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong trật tự quốc tế này.
Trong suốt 8 thập niên qua, khi còn có thể dựa vào sự bảo đảm an ninh vững chắc từ Mỹ, các quốc gia châu Âu đã đầu tư rất ít vào năng lực phòng thủ, nhất là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ GDP có thể đã tăng trong thập kỷ qua, nhưng nhìn chung vẫn còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào một nền công nghiệp quốc phòng độc lập của châu Âu vẫn đang vấp phải nhiều rào cản.
Những điểm yếu này đã tồn tại từ trước khi ông Trump quay lại Nhà Trắng và cần nhiều thời gian để khắc phục.
Cơ hội từ chính thách thức
Mặc dù vậy, khi không còn đối tác đáng tin cậy nào trong số các cường quốc thế giới, tình thế khó khăn lại mở ra cơ hội để lục địa này bắt đầu đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Những dấu hiệu ban đầu về một châu Âu độc lập hơn đang đầy hứa hẹn. Vào tháng Ba, Ủy ban châu Âu đã công bố một sách Trắng về quốc phòng, trong đó dự kiến mức đầu tư quốc phòng lên tới 800 tỷ Euro trong bốn năm tới.
Phần lớn khoản đầu tư này sẽ dựa vào việc kích hoạt “điều khoản thoát hiểm quốc gia”. Cơ chế này cho phép các quốc gia thành viên EU tránh bị phạt nếu vượt quá mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP.
Khi điều khoản này được kích hoạt nhằm phục vụ mục tiêu chi tiêu quốc phòng, các nước có thể vay nợ bổ sung lên tới 1,5% GDP. Tính đến cuối tháng Tư, đã có 12 quốc gia thành viên EU yêu cầu kích hoạt điều khoản này, và dự kiến sẽ còn nhiều nước khác làm theo.
Quốc phòng rõ ràng là vấn đề cấp bách nhất đối với châu Âu. Tuy nhiên, đó không phải là lĩnh vực duy nhất cần xem xét khi nói đến việc đạt được mức độ tự chủ chiến lược lớn hơn. Ở các lĩnh vực khác như thương mại và năng lượng, điểm xuất phát lại rất khác biệt.
Về vấn đề độc lập năng lượng, EU đã thực hiện một bước chuyển mình đáng chú ý và nhanh chóng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Gần đây, EU vừa công bố kế hoạch cuối cùng nhằm chấm dứt toàn bộ hoạt động nhập khẩu khí đốt còn lại từ Nga vào cuối năm 2027.
Về thương mại, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này cũng mở ra những cơ hội cho EU – một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới – bao gồm việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, vốn đã là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU.
Bên cạnh đó, vượt ra ngoài châu Âu, chính sách thuế quan của ông Trump đã mang lại sức sống mới cho kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP là một nhóm gồm 11 quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng với Vương quốc Anh. Đây là một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu.
Ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc, một mối quan hệ đối tác giữa EU và CPTPP vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong hệ thống kinh tế toàn cầu, và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các thành viên của mình trước nguy cơ chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cần mức độ độc lập cao hơn
EU không mong muốn phá vỡ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như chính quyền Tổng thống Trump dường như đang thúc đẩy. Các bài phát biểu của cả Phó Tổng thống Hoa Kỳ, J.D. Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio đều cho thấy rõ rằng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang thay đổi.
Điều đó khiến châu Âu gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm kiếm một mức độ độc lập cao hơn khỏi Mỹ.
Một châu Âu độc lập hơn khó có thể trở thành "siêu cường" toàn cầu sánh ngang với Mỹ hay Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu sẽ có khả năng tự bảo vệ mình tốt hơn trong một môi trường địa chính trị ngày càng ít dựa trên luật lệ và ngày càng bị chi phối bởi sức mạnh.
Hiện nay, EU đang nhận được mức tín nhiệm cao kỷ lục từ người dân – ủng hộ việc tăng cường sự thống nhất và vai trò tích cực hơn của EU trong việc bảo vệ họ trước các rủi ro an ninh toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo EU và các đối tác đang đứng trước một cơ hội – đồng thời cũng là một nghĩa vụ – để định hình một không gian an toàn và độc lập hơn trong một môi trường toàn cầu đầy thách thức.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chiec-o-an-ninh-nghieng-nga-eu-phai-tu-cuu-chinh-minh-313711.html