Chiêm ngưỡng bảo vật kim ấn, kim sách đúc thời vua Khải Định
Chiều 24/8, tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày triển lãm với chủ đề 'Từ Museé Khải Định đến Bảo tàng cổ vật cung đình Huế'.
Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (1923-2023). Tham dự triển lãm có lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH&TT-DL), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đông đảo du khách.
Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng, du khách 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định. Đây là những hiện vật, cổ vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu sự kiện Bảo tàng cổ vật cung đình Huế tròn 100 năm hình thành và phát triển. Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng trụ sở chính của Bảo tàng vẫn là điện Long An.
Điện Long An, tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế nguyên là một ngôi điện nằm trong cung Bảo Định, được xây dựng vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị, được đánh giá là cung điện đẹp nhất còn lại cho đến ngày nay.
Dưới thời vua Thành Thái, vì nhiều lý do khác nhau, cung Bảo Định bị triệt giải nhưng điện Long An vẫn được giữ lại trong trạng thái khá nguyên vẹn.
Tháng 6/1908, vua Duy Tân cho di dời trường Quốc Tử Giám từ làng An Ninh về xây dựng trong Kinh thành Huế, điện Long An cũng được di dời về dựng lại tại vị trí ngày nay với tên gọi mới là Tân Thơ Viện, là nơi lưu giữ các tư liệu phục vụ cho việc học tập của các học sinh trường Quốc Tử Giám.
Năm 1913, Hội Đô thành hiếu cổ được thành lập và Hội đã xin phép triều đình lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở. Hàng ngàn hiện vật do Hội sưu tầm được đã đưa về đây để cất giữ.
Ngày 17/8/1923, trong chỉ dụ cho phép thành lập bảo tàng lấy tên là Museé Khải Định, vua Khải Định đã viết: “Đất nước của trẫm đã nhận được từ các thế hệ đi trước những mẫu vật tuyệt đẹp của nghệ thuật cổ xưa, các mẫu vật này cần được bảo tồn cho việc hình thành và gìn giữ khiếu thẩm mỹ và tinh thần nghệ thuật cho các thế hệ mai sau”. Kể từ đó, điện Long An trở thành nơi trưng bày chính của Museé Khải Định.
Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đã nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng trụ sở chính của Bảo tàng vẫn là điện Long An. Hiện các thế hệ những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản cổ vật ngày nay vẫn tiếp tục truyền thống trong việc sưu tập và bảo tồn các hiện vật, cổ vật tại Bảo tàng này.