Chiêm ngưỡng các sản phẩm đá quý độc đáo tại triển lãm TP.HCM

Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về trang sức tại Việt Nam 2024, trưng bày nhiều sản phẩm đá quý như kim cương, ngọc bích, hồng ngọc...

Ngày 8-6, Vinexad-Bộ Công thương, Công ty triển lãm quốc tế WTF khai mạc triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về trang sức tại Việt Nam 2024.

Triển lãm thu hút hơn 50 doanh nghiệp (DN) Việt Nam, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Ba Lan, Sri Lanka, Thái Lan,…

Triển lãm trưng bày nhiều sản phẩm đá quý như kim cương, ngọc bích, hồng ngọc, ngọc lục bảo, đá quý màu, hổ phách đến các bộ sưu tập trang sức hấp dẫn từ vàng, bạc…

Bên cạnh các sản phẩm đá quý là máy móc, thiết bị, dụng cụ, hóa chất, bao bì cho ngành trang sức.

Ông Phạm Đăng Khánh, đại diện ban tổ chức cho biết, sự kiện được chức nhằm thu hút các DN, doanh nhân, cá nhân nhận đặt hàng cho cao điểm mùa cưới sắp tới.

Các nhà sưu tập tư nhân mua sắm trang sức, sản phẩm đá quý để sử dụng hoặc làm quà cho người thân.

 Triển lãm trưng bày các loại đá quý như kim cương

Triển lãm trưng bày các loại đá quý như kim cương

Theo TS Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam, mỗi kỳ triển lãm là ngày hội để các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm đá quýtrang sức Việt Nam gặp gỡ bạn hàng quốc tế, trao đổi thông tin thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Triển lãm đã trở thành thương hiệu quảng bá sản phẩm đá quý và trang sức của thế giới với Việt Nam và của Việt Nam với thế giới.

TS Ngữ đánh giá, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, sở hữu nhiều vùng mỏ đá quý với đa dạng loại hình và chất lượng cao như ruby, sapphire, spinel, aquamarine và topaz.

Đặc biệt Việt Nam có hai vùng mỏ đá ruby chất lượng cao ở Yên Bái và Nghệ An nổi tiếng thế giới và hiếm có quốc gia nào có được.

Ngay như Myanmar, Thái Lan cũng chỉ có một mỏ; tương tự Lào, Campuchia chỉ có một mỏ nhỏ.

 Tác phẩm Bình An bằng đá sapphire nặng hơn 20kg chế tác bằng tay

Tác phẩm Bình An bằng đá sapphire nặng hơn 20kg chế tác bằng tay

Tại triển lãm, tác phẩm Bình An bằng đá sapphire được tách màu trắng, xanh rất độc đáo với hình ảnh điêu khắc đức Phật ngồi tọa thiền trong khung cảnh bình yên, phía sau bản đồ Việt Nam được điêu khắc sống động…với trị giá khoảng năm tỉ đồng đã thu hút nhiều khách tham quan chiêm ngưỡng.

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TDT Gemstone- Phó Chủ tịch Chi hội đá quý TP.HCM chia sẻ, khi điêu khắc đá người thợ sẽ bỏ đi từ 30%-50% khối lượng mới ra tác phẩm.

Tuy nhiên, dựa trên dáng của khối đá sapphire hơn 23kg, bản thân lên ý tưởng sáng tác và trong vòng hai năm mới hoàn thành tác phẩm với khoảng 20kg.

“Nguồn đá sapphire được mua trong nước. Tôi mang tác phẩm đến triển lãm nhằm quảng bá về tài năng, tay nghề của người Việt không thua các nước”-ông Thao tự tin.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

 Khách tham quan trước gian hàng trưng bày đa dạng các loại đá quý

Khách tham quan trước gian hàng trưng bày đa dạng các loại đá quý

 Công ty thuộc Chi hội đá quý TP.HCM trưng bày tại đá ruby tự nhiên hơn 490 cara

Công ty thuộc Chi hội đá quý TP.HCM trưng bày tại đá ruby tự nhiên hơn 490 cara

 Nghệ nhân điêu khắc tượng Quan thế Âm Bồ Tát cưỡi rồng 375 cara từ đá ruby Lục Yên-Việt Nam

Nghệ nhân điêu khắc tượng Quan thế Âm Bồ Tát cưỡi rồng 375 cara từ đá ruby Lục Yên-Việt Nam

 Các sản phẩm trang sức từ hổ phách của Nga có giá từ khoảng 10 USD-hơn 1.000 USD được khách hàng quan tâm

Các sản phẩm trang sức từ hổ phách của Nga có giá từ khoảng 10 USD-hơn 1.000 USD được khách hàng quan tâm

 Các bộ trang sức vàng bạc, ngọc trai...trưng bày tại triển lãm hấp dẫn khách tham quan

Các bộ trang sức vàng bạc, ngọc trai...trưng bày tại triển lãm hấp dẫn khách tham quan

 Khách tham quan tham khảo giá đá quý của doanh nghiệp nước ngoài trưng bày tại triển lãm

Khách tham quan tham khảo giá đá quý của doanh nghiệp nước ngoài trưng bày tại triển lãm

 Doanh nghiệp nước ngoài mang đến các bộ sưu tập trang sức đá quý quảng bá đến thị trường Việt Nam

Doanh nghiệp nước ngoài mang đến các bộ sưu tập trang sức đá quý quảng bá đến thị trường Việt Nam

Tay nghề người Việt được Châu Âu đánh giá cao

Theo TS Ngữ, nhu cầu sử dụng đá quý trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực trang sức và phong thủy.

Song song đó, Việt Nam đang mở rộng thị trường xuất khẩu đá quý sang nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, một số nước Châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, phần lớn đá quý Việt Nam hiện nay đang được xuất khẩu dưới dạng thô.

Trong ngành công nghiệp chế tác trang sức đá quý có nhiều khâu, DN Châu Âu đánh giá cao tay nghề người Việt trong khâu mài.

Hiện nay nhiều DN Châu Âu nhập các loại đá quý và đưa mẫu mã cho người Việt chế tác thậm chí có DN mang kim cương sang để người Việt chỉ làm một khâu duy nhất là mài.

“Có DN Châu Âu cho biết việc đào tạo nhân công mài kim cương ở Châu Âu từ sáu tháng đến một năm và chi phí cao, trong khi tại Việt Nam chỉ mất hai, ba tháng. Vì vậy, hiện nay có nhiều DN Châu Âu đầu tư hàng tỉ USD tại Việt Nam để sản xuất trang sức đá quý, sau đó họ xuất khẩu ra thế giới”-TS Ngữ kể.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chiem-nguong-cac-san-pham-da-quy-doc-dao-tai-trien-lam-tphcm-post794792.html