Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, góp phần tăng thêm thương hiệu di sản Huế, một điểm đến 8 di sản.
Chín đỉnh có tên gọi lần lượt là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh. Tên gọi của đỉnh cũng là tên gọi miếu hiệu của từng vị vua nhà Nguyễn ứng với các án thờ trong Thế Tổ Miếu. Cao Đỉnh miếu hiệu vua Gia Long, Nhân Đỉnh miếu hiệu vua Minh Mạng, Chương Đỉnh miếu hiệu vua Thiệu Trị, Anh Đỉnh miếu hiệu vua Tự Đức, Nghị Đỉnh miếu hiệu vua Kiến Phúc, Thuần Đỉnh miếu hiệu vua Đồng Khánh, Tuyên Đỉnh miếu hiệu vua Khải Định; riêng Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh thì chưa có vị vua nào được tấn tôn miếu hiệu này.
Trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam, với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu Đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu Đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, mà hình ảnh kênh Vĩnh Tế trên Cao Đỉnh là một minh chứng rõ nét.
Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, mới đây vào ngày 8/5/2024, tại Kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế hiện là dương bản duy nhất còn đảm bảo tính nguyên vẹn. Là "nhân chứng" lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của một triều đại.
Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mệnh (vua Minh Mạng) ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay. Vua Minh Mệnh cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Cả 9 chiếc đỉnh đều có hình dáng giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Mỗi chiếc đỉnh cao 2,3-2,5 m, thiết kế quai và chân riêng biệt. Trọng lượng mỗi đỉnh từ 3.200 đến hơn 4.300 kg. Trên thân đỉnh có các dòng ghi chú bằng chữ Hán về niên đại, trọng lượng và tên đỉnh, kèm hình tượng chạm nổi núi sông, văn vật nước Đại Nam thế kỷ 19.
Trải qua gần 200 năm, qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất. Từ khi được hình thành đến nay, Cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế.
Cửu đỉnh không chỉ là hình trang trí đơn thuần mà thực sự là một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Trong số 162 họa tiết đúc nổi trên các đỉnh đồng ấy có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài.
Các hình ảnh trên Cửu đỉnh vừa mang tính cung đình lại vừa mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt. Vì thế, ở đó người xem có thể thấy những hình ảnh quý phái như rồng, thuyền ngự, mặt trời, chịm công, cây ngô đồng... và cũng có hình ảnh bình dị như cây lúa, cây trầu, cây mít, cây hành, cây nghệ, rau tía tô, con gà…
Cửu đỉnh Huế là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên.
Năm 2012 Cửu đỉnh đã được Nhà nước công nhận Bảo vật Quốc gia, và đến nay chính thức được UNESC vinh danh là Di sản Tư liệu của Chương trình kí ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương