Chiêm ngưỡng di sản Ấn tượng của Monet

Khi chiếc búa của nhà đấu giá Sotheby's chốt mức 110,7 triệu USD cho bức Meules của Monet hồi tháng 5.2019, giới yêu nghệ thuật đã bất ngờ trước việc tấm hình vẽ một đống rơm có tuổi đời trên dưới trăm năm lại có giá cao đến thế. Bức họa đánh dấu lần đầu tiên một bức tranh vẽ theo trường phái Ấn tượng được bán với giá hơn 100 triệu USD.

Cách đây 152 năm, danh họa người Pháp Claude Monet đã giới thiệu bức Ấn tượng, mặt trời mọc trước công chúng, tên gọi bức họa trở thành tên gọi chính thức của một trường phái nghệ thuật khởi sinh từ Pháp.

Dạo một vòng di sản Monet

Là một trong những họa sĩ tiên phong, Monet đóng góp cho trường phái cả một gia tài đồ sộ, bao gồm những bức họa của mình, những tác phẩm sưu tập và một “trại sáng tác” đầy màu sắc tại làng quê nhỏ vùng Normandy, cách Paris khoảng 80km.

Với trường phái Ấn tượng từ những năm đầu thế kỷ XX, hầu hết các họa sĩ đều không tránh khỏi sự chê bai, tẩy chay và lãng quên. Tác phẩm của họ chỉ bắt đầu được chú ý sau Thế chiến thứ Hai. Giờ đây các tác phẩm này thay nhau làm mưa làm gió. Bức Hoa súng được gõ búa ở mức 65,5 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby's hôm 18.11 là một ví dụ.

Bức Hoa súng khổ lớn của Monet tại Museé de l’Orangerie.

Trong khi giới chuyên môn tập trung vào kỹ năng điêu luyện, thành thạo của Monet trong việc sử dụng ánh sáng và màu sắc, sự tương phản tạo nên những kiệt tác, thì khách du lịch đơn giản là ngắm nhìn, nghe những câu chuyện ẩn chứa phía sau mỗi tác phẩm, cũng như dạo qua những nơi một thời tạo cảm hứng cho Monet sáng tác những tuyệt phẩm đó.

Báu vật của Monet trong 3 bảo tàng

Nằm trong vườn Tuileries cạnh quảng trường Concorde, Museé de l’Orangerie có 2 phòng trưng bày hình elip rộng chứa 8 bức tranh khổ lớn mà Monet thiết kế, trao tặng nhà nước nhân hiệp định đình chiến ngày 11.11.1918. Sau khi Monet qua đời, các tranh tại bảo tàng mới được đưa ra công chúng. Nhưng lần giới thiệu này thất bại vì trường phái Ấn tượng còn mới mẻ trong khi nhiều trường phái khác như Lập thể, Vị lai, Siêu thực đang bùng nổ. Phòng trưng bày bị đóng cửa và nhiều lần các tác phẩm bị che đi, dành không gian cho các triển lãm khác.

Sau Thế chiến thứ Hai, đặc biệt là với sự ra đời của phong trào nghệ thuật hiện đại ở New York, tác phẩm của Monet được chú ý trở lại. Năm 1952, André Masson viết bài báo gọi phòng trưng bày Hoa súng của bảo tàng Orangerie là “nhà nguyện Sistine của trường phái Ấn tượng” (nhà nguyện Sistine tại Vatican nổi tiếng với tác phẩm của đại danh họa Michelangelo và nhiều họa sĩ danh tiếng thời Phục hưng tại Ý). Từ đó các nhà sưu tập tư nhân và nhiều bảo tàng lớn bắt đầu tìm mua tranh từ bộ sưu tập Hoa súng.

Hiện nay phòng trưng bày là tâm điểm của Bảo tàng, không chỉ có những bức tranh hoa súng khổ rộng mà còn là nơi các nghệ sĩ trẻ thuộc các hình thức nghệ thuật khác như âm nhạc, khiêu vũ, thường xuyên đến lấy cảm hứng và kết hợp cho các phần trình diễn các tác phẩm nghệ thuật đương đại thu hút đông đảo khán thính giả trong nước và quốc tế.

Nhưng nơi lưu trữ bộ sưu tập lớn nhất của Monet chính là Museé Marmottan Monet, quận 16 Paris. Năm 1926, Monet qua đời, Michel là người con duy nhất thừa hưởng toàn bộ di sản, gồm khu vườn nhà tại Giverny và tác phẩm nghệ thuật bên trong.

Bữa trưa trên bãi cỏ của Monet tại Museé d'Orsay.

Ngắm nhìn hàng trăm bức tranh Monet vẽ những năm cuối đời, Michel hiểu được giá trị và trân trọng di sản của cha nên dành nhiều tâm huyết giới thiệu các tác phẩm hoa súng khổ lớn ra thị trường nhưng không một bảo tàng lớn hay bảo tàng quốc gia nào tại Pháp quan tâm. Vì thế, Michel không tặng bộ sưu tập của cha cho bất cứ bảo tàng nào của nhà nước. Do không có con, năm 1966, Michel trao quyền cho bảo tàng Marmottan thừa kế bộ tranh của Monet mà ông lưu giữ, gồm hơn một trăm tác phẩm. Museé Marmottan Monet phải xây dựng thêm những không gian đặc biệt để trưng bày nhiều bức hoa súng khổ lớn.

Bảo tàng Orsay, nằm đối diện vườn Tuileries, phía bên kia bờ sông Seine, cũng có bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm theo trường phái Ấn tượng. Ở đây, ngoài các tác phẩm của Monet còn có tác phẩm của nhiều họa sĩ khác cùng trường phái, một cơ hội cho người xem chiêm ngưỡng, so sánh nét vẽ, kỹ thuật cảm hứng và những câu chuyện phía sau từng tác phẩm của các họa sĩ đầu thế kỷ XX như Édouard Manet, Vincent van Gogh, Cézanne và Renoir.

Vui chơi với cuộc đời và chìm đắm trong hội họa 86 năm, di sản Monet để lại là khoảng 2.500 bức họa và phác thảo, góp phần định hình và đại diện cho trường phái hội họa Ấn tượng hình thành tại Pháp. Ngoài ra, ông còn để lại cho ngành du lịch Pháp một di sản độc đáo là khu vườn nơi tạo cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm của ông và nhiều họa sĩ khác.

Khu vườn độc đáo của Monet

Khu vườn ở Giverny là tâm huyết lớn nhất của Monet. Ông tự nhận định “khu vườn là kiệt tác đẹp nhất của tôi”. Ông tiêu tốn rất nhiều tiền vào khu vườn và đưa về đây rất nhiều loài thực vật độc đáo. Nhiều người nhận định khi ông lấy cảm hứng từ khu vườn để vẽ, Monet tạo ra tác phẩm của mình hai lần.

Thừa hưởng căn nhà và khu vườn, nhưng Michel không sống ở đây. Cả quần thể bị bỏ hoang, xuống cấp sau Thế chiến thứ Hai. Năm 1966, Michel chuyển quyền kế thừa khu nhà vườn cùng bộ sưu tập của Monet gồm những tác phẩm hội họa và điêu khắc Monet sưu tập của Eugène Delacroix, Eugène Boudin, Johan Barthold Jongkind, Gustave Caillebotte, Renoir và Morisot cũng như tranh in nổi tiếng của hội họa Nhật Bản, cho Viện Hàn lâm Mỹ thuật. Gérald Van der Kemp, một giám tuyển có tiếng phụ trách dự án tái tạo, đã tìm những nhân chứng và thuê người làm vườn có kinh nghiệm cùng ông phục dựng không gian này. Việc trùng tu, sửa sang và phục hồi từng chi tiết nhỏ theo nguyên mẫu như thời Monet sống được thực hiện trong chục năm nhờ đóng góp tài chính của các nhà hảo tâm tư nhân chủ yếu đến từ Mỹ.

Khu vườn của Monet có cả ngàn loài thực vật trên diện tích khoảng 10 ngàn mét vuông, được thiết kế thành từng khu và đánh luống gọn gàng bên cạnh những lối đi vừa cho hai người. Các loài hoa có chiều cao thấp khác nhau được trồng đan xen để từng cây tự do lớn lên khoe màu sắc. Hoa nở theo mùa được tính toán trồng thay thế thường xuyên, đảm bảo khu vườn luôn có đủ màu sắc của các loài hoa lá, thay đổi sắc độ từ đậm đến nhạt, từ lạnh sang nóng... Màu sắc trong vườn như một bảng màu tự nhiên khổng lồ của đại danh họa trường phái Ấn tượng.

Một góc ao hoa súng trong khu vườn ở Giverny của Monet.

Một góc ao hoa súng trong khu vườn ở Giverny của Monet.

Nằm cách một con đường, trên mảnh đất được mua thêm về sau, Monet tạo ra một khu vườn nước độc đáo. Ở đó có những lối nhỏ chạy quanh, nối với nhau bằng những chiếc cầu bắc qua ao trồng nhiều chậu hoa súng. Một cây cầu Nhật Bản phủ hoa tử đằng tô điểm thêm, bọc viền bởi những cây liễu rủ, một khu rừng tre và những cây hoa tiên nữ nở rộ vào mùa hè. Ao hoa súng là điểm nhấn độc đáo của khu vườn nơi Monet quan sát mọi thay đổi sau từng giây phút trong ngày, các ngày trong năm để cho ra đời khoảng 300 bức hoa mọi kích cỡ với khoảng hơn 40 bức khổ lớn.

Chủ đề về hoa súng (Nympheás) của Monet làm tốn rất nhiều giấy mực của giới phê bình. Monet dành gần 30 năm cuối đời để nghiên cứu và vẽ những tác phẩm này. Monet nói rằng ông trồng vì thích chứ không nghĩ trồng để vẽ. Nhưng những kiệt tác hoa súng đã ra đời từ chiếc ao đó, đến nay gắn liền với tên ông.

Quần thể được mở cửa từ năm 1980. Ước tính nửa triệu người đến thăm khu vườn này hàng năm. Năm 2016, Viện Hàn lâm Mỹ thuật đã mua lại gần 70 ha đất tại Giverny, Port-Villez và Vernon nhằm bảo tồn các cảnh quan xung quanh không gian sáng tác mà Monet từng yêu thích, lui tới, khảo sát và sáng tác những tác phẩm để đời của ông.

Bài và ảnh: Ninh Hạ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chiem-nguong-di-san-an-tuong-cua-monet-46615.html