Chiến công thần tốc của những người lính biển
Một góc đảo Nam Yết hiện nay. Ảnh: XUÂN HIẾU
46 năm trước, đúng 9 giờ ngày 29/4/1975, Cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Sau chiến thắng Tây Nguyên, tình hình chiến trường miền Nam tiến triển rất nhanh, ta tiến công địch trên tất cả các mặt trận.
Bức điện đặc biệt
Ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị “Phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”.
Ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm các nơi đó. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng”.
Quá nửa đêm ngày 5/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương chuẩn bị lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa. Chấp hành mệnh lệnh trên, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta.
Nhiệm vụ đánh chiếm đảo rất khẩn trương, Bộ Tư lệnh cử đồng chí Hoàng Hữu Thái - Phó Tư lệnh thành lập một sở chỉ huy tại căn cứ Hải quân Đà Nẵng của ngụy mới vừa được giải phóng để tiện việc chỉ huy. Đoàn 125 cử ba tàu là 673, 674 và 675 làm nhiệm vụ này và lập tức hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng.
Ngày 9/4, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tham mưu tiến đánh đảo Song Tử Tây.
Ngày 10/4, phân đội tàu gồm 3 chiếc: Tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng; Tàu 674 là tàu chỉ huy do đồng chí Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng; Tàu 675 do đồng chí Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng. Đồng chí Mai Năng (Đoàn đặc công 126) làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Dương Tấn Kịch làm Phó Chỉ huy lực lượng giải phóng đảo.
Đội 1 đặc công Hải quân và một lực lượng đặc công Quân khu 5 nhanh chóng xuống tàu làm nhiệm vụ. Biên đội tàu xuất phát vào 4 giờ sáng 11/4 hướng về đảo Song Tử Tây.
Song Tử Tây là một đảo nằm trong quần đảo Trường Sa cách Đà Nẵng 470 hải lý, là một chấm nhỏ trên tấm bản đồ biển Đông. Nhờ trước đây vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam, các con tàu Không số thường qua lại vùng này nhiều lần nên đã giúp họ nhận biết đảo không mấy khó khăn.
Giải phóng Trường Sa
Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục, đến 3 giờ sáng 13/4/1975, biên đội tàu của ta áp sát mục tiêu. Lúc này ngoài khơi Song Tử Tây 20 hải lý về hướng tây có tuần dương hạm HQ16, khu trục hạm HQ13, HQ14 và một tàu đổ bộ LST của địch đang lượn lờ quanh đảo. Chỉ huy Mai Năng bố trí tàu 674 và 675 án ngữ phía bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía bắc xuống. Tàu 673 chở một đội đặc công nước Hải quân tiếp cận gần mép đảo, thả xuồng cao su chở 40 chiến sĩ đổ bộ lên bờ đánh chiếm đảo. Phát súng DKZ đầu tiên nổ cũng là hiệu lệnh tấn công, toàn đội xông lên chiếm đảo.
Bị đánh bất ngờ, bọn địch rất hoang mang, chống trả yếu ớt. 30 phút sau, ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Cờ Mặt trận giải phóng được kéo lên cột cờ của đảo. Trong trận này ta tiêu diệt 7 tên, bắt sống 33 tên, thu nhiều vũ khí. Ta đưa lực lượng đặc công Quân khu 5 lên phòng thủ đảo, các tàu được lệnh chở tù binh về đất liền.
4 giờ sáng 21/4, ta dùng Tàu 673 do Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng, Tàu 641 do Trần Tú làm thuyền trưởng tiếp tục chở bộ đội đi giải phóng các đảo còn lại.
Đêm 24/4, các tàu chia làm hai mũi: Tàu 673 chở quân đánh địch ở đảo Nam Yết, Tàu 641 chở quân đánh địch ở đảo Sơn Ca. Tàu 673 vào gần khu đảo Nam Yết thì gặp tàu khu trục địch hoạt động gần đó, yếu tố bí mật không còn nữa nên trở về neo ở đảo Song Tử Tây chờ thời cơ.
Trong khi đó, Tàu 641 đã ép sát cách đảo Sơn Ca 2 hải lý. Quân ta tiến hành đổ bộ nhưng vì nước chảy xiết nên đổ bộ không thành. Chờ đến 23 giờ 30, Tàu 641 tiến vào và cho quân đổ bộ nổ súng tấn công. Địch bất ngờ, chống cự yếu ớt đua nhau chạy vào công sự ẩn nấp.
Bắt được tù binh khai thác và phát loa kêu gọi đầu hàng. 3 giờ sáng, ta làm chủ đảo Sơn Ca. Trước việc quân ta giải phóng đảo Sơn Ca, lực lượng địch trên quần đảo Trường Sa hết sức hoang mang. Tối 26/4, Sở chỉ huy tiền phương của quân chủng cho biết địch sắp bỏ chạy khỏi các đảo còn lại, lập tức lệnh cho Tàu 643 và Tàu 641 chở quân giải phóng đảo Nam Yết. Các tàu địch thấy tàu ta đến vội vã cho quân xuống tàu bỏ chạy. Lực lượng ta khẩn trương lên đảo vào lúc 10 giờ 30 ngày 27/4/1975. Những ngày sau đó, quân ta tiếp tục giải phóng đảo Sinh Tồn nhưng quân địch ở Sinh Tồn đã bỏ chạy từ đêm trước nên chúng ta lên đảo rất thuận lợi. 18 giờ ngày 28/4, Tàu 673 được lệnh đi giải phóng đảo Trường Sa - đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Đây là hòn đảo thứ năm và cũng là cuối cùng mà quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Đúng 9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Chiến công này góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi giải phóng quần đảo Trường Sa, lực lượng tàu Không số còn chở quân giải phóng đảo Phú Quý (cù lao Thu); giải phóng Côn Đảo và chở tù chính trị về đất liền, tiếp tục tham gia giải phóng các đảo vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
46 năm qua, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khi nhắc nhớ về truyền thống lịch sử, mỗi người lính Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn luôn tự hào về truyền thống, với chiến công vang dội của mình đã lập nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, vận chuyển vũ khí và con người chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến công giải phóng Trường Sa khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của bộ đội Hải quân. Đặc biệt, việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn đóng giữ, chính là bằng chứng có tính pháp lý để khẳng định trước cộng đồng quốc tế, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Anh hùng LLVT nhân dân HỒ ĐẮC THẠNH