Trong việc bắn hạ mục tiêu không xác định (UFO) trên hồ Huron, bang Michigan hôm 12/2, không quân Mỹ đã điều động chiến đấu cơ F-16 thay vì F-22.
Do chiếc UFO này có trần bay thấp nên việc điều chiến đấu cơ F-16 tiêu diệt là điều hợp lý.
Tuy nhiên chiếc F-16 đã bắn trượt mục tiêu trong phát bắn đầu tiên bằng tên lửa AIM-9X.
Điều này buộc chiếc máy bay phải khai hỏa quả tên lửa AIM-9X thứ hai mới tiêu diệt được chiếc UFO.
Hiện không rõ quả tên lửa AIM-9X trị giá khoảng 400.000 USD bị bắn trượt này rơi xuống khu vực nào.
Trước đó, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng không tiết lộ chi tiết này với công chúng.
Tuy nhiên, tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã tiết lộ và cho rằng việc xác định và nhắm mục tiêu rất khó khăn vì vật thể có kích thước nhỏ.
“Các phi công đều cảm thấy rằng họ khó thể thực hiện việc bắn hạ một cách dễ fàng UFO này vì kích thước của nó quá nhỏ”, tướng VanHerck nói.
Các phi công đã chọn sử dụng tên lửa tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, bởi lẽ loại vũ khí này có khả năng bắt bám mục tiêu dựa theo tín hiệu nhiệt.
Vật thể hình UFO trên hồ Huron là mục tiêu thứ tư bị bắn rơi tại Bắc Mỹ trong tháng này. Đây cũng là mục tiêu duy nhất bị bắn hạ bởi chiến đấu cơ F-16, 3 mục tiêu còn lại đều do tiêm kích F-22 thực hiện.
Hiện không quân Mỹ đang duy trì trong biên chế 586 chiếc F-16 với các phiên bản C/D/E/F.
Trong số này chiếm số lượng nhiều vẫn là những chiếc F-16 phiên bản C một chỗ ngồi và D là loại hai chỗ ngồi thuộc Block 50/52.
Sức mạnh đáng sợ của phiên bản F-16C/D đến từ hệ thống điện tử hiện đại, khối động cơ mới cùng kho vũ khí đa dạng.
Được biết phiên bản F-16C/D block 50/52 chính thức đi vào phục vụ từ năm 1991.
Chúng được trang bị các công nghệ điện tử hàng không rất hiện đại, hệ thống dẫn hướng quán tính mới, hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Máy bay được trang bị các vũ khí tiên tiến như tên lửa chống bức xạ AGM-88 Harm, bom thông minh JDAM, đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW…
Động cơ F110-GE-129 (hoặc động cơ F100-PW-229) giúp cho chiếc máy bay cơ động tốt hơn, lực đẩy tăng hơn hẳn nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu.
Phiên bản F-16C/D Block 50/52 cũng được bán cho Ba Lan, Singapore, Hàn Quốc và Israel.
F-16C/D Block 50/52 được trang bị radar AN/APG-68 (V5) có chế độ tự động phát hiện và bám bắt, tầm trinh sát tối đa lên khoảng 300 km đối với máy bay cỡ lớn hoặc 110-180 km đối với mục tiêu là các loại tiêm kích.
Với hệ thống radar này, theo dõi được 10 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc.
F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ.
Nó trở thành loại máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ 4 thành công nhất thế giới.
Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là lý do dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu, khi có tới 4.500 chiếc được sản xuất và phục vụ rộng rãi tại 24 quốc gia.