Chiến dịch 30 ngày đêm số hóa hộ tịch tại Nghệ An - Bài 1: Quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Sâu trong những trụ sở xã vùng cao, dưới ánh đèn muộn và đường truyền Internet chập chờn, có những con người miệt mài chuyển từng dòng thông tin hộ tịch từ trang giấy cũ sang nền tảng số. Chiến dịch số hóa 30 ngày đêm tại Nghệ An không chỉ là cuộc vận động hành chính quy mô lớn – mà là bước tiến đầy nhân văn của ngành Tư pháp, nơi mỗi cán bộ học cách đi nhanh, làm kỹ và đặt lợi ích người dân làm trung tâm.

Chiến dịch 30 ngày đêm số hóa dữ liệu hộ tịch tại Nghệ An là một bước tiến lớn trong công cuộc hiện đại hóa hành chính công.
Chiến dịch 30 ngày đêm số hóa dữ liệu hộ tịch tại Nghệ An không chỉ là một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện đại hóa nền hành chính công, mà còn là minh chứng cho tinh thần kiên cường, tận tụy và hết lòng vì nhiệm vụ của những người cán bộ tư pháp nơi đây. Giữa muôn vàn thử thách, họ vẫn miệt mài làm việc, từng ngày góp phần dựng xây nền móng cho một tương lai số hóa toàn diện và bền vững.
Ngày 19/2/2025, Sở Tư pháp Nghệ An chính thức ban hành kế hoạch triển khai Chiến dịch 30 ngày đêm – một hành trình không ngắn, không dễ dàng, nhưng thấm đẫm quyết tâm để đưa 100% dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh bước vào môi trường số. Ngày 1/3, chiến dịch chính thức bắt đầu.
Thách thức trên hành trình số hóa hộ tịch
Số hóa hộ tịch không chỉ là thao tác kỹ thuật, mà còn là hành trình tỉ mỉ, chính xác, đòi hỏi sự đồng lòng và tinh thần học hỏi không ngơi nghỉ. Một trong những rào cản lớn nhất mà chiến dịch gặp phải chính là khoảng cách về trình độ công nghệ thông tin giữa các cán bộ tư pháp, đặc biệt tại cơ sở.
Là một trong những thành viên thuộc Ban Chỉ đạo thực hiện chiến dịch 30 ngày đêm số hóa hộ tịch, ông Hoàng Cao Nguyên, chuyên viên công nghệ thông tin (Sở Tư pháp Nghệ An), được giao nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các địa phương trong quá trình thực hiện số hóa. Hơn ai hết, ông Nguyên là người hiểu rõ được những khó khăn, thách thức mà các cán bộ tư pháp gặp phải.
Ông Nguyên cho biết, do thời gian triển khai thực hiện ngắn, quy trình số hóa phải trải qua nhiều bước để đảm bảo thống nhất đúng quy định theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trong khi kỹ năng công nghệ thông tin một số công chức cấp xã còn hạn chế dẫn đến nhiều địa phương đã rất lúng túng khi thực hiện.
“Dữ liệu hộ tịch được lưu trữ từ lâu, nhiều thông tin trong sổ được viết trực tiếp của công chức tư pháp qua các thời kỳ còn thiếu và khó xác định dẫn đến mất thời gian xác minh kiểm tra để phê duyệt, chuyển chính thức trên cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc. Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch 158 có thời điểm quá tải, cộng với sự thay đổi các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh dẫn đến thay đổi nhân sự, thay đổi cấu hình hệ thống cũng khiến quá trình số hóa gặp khó khăn”, anh Nguyên chia sẻ thêm.

Thành viên Ban chỉ đạo chiến dịch 30 ngày đêm số hóa hộ tịch (Sở Tư pháp) hỗ trợ, hướng dẫn các cán bộ tư pháp huyện Thanh Chương.
Bên cạnh đó, hạ tầng mạng và điều kiện cơ sở vật chất tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, còn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình số hóa. Đường truyền Internet yếu, thiết bị hỗ trợ hạn chế đã khiến cho công tác nhập liệu, kiểm tra và đồng bộ dữ liệu gặp nhiều trở ngại. Địa bàn rộng, dân cư phân tán, nhiều xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn về kinh tế cũng là một thách thức lớn đối với các cán bộ tư pháp.
Không chỉ vậy, khối lượng dữ liệu cần số hóa là rất lớn với hơn 208.000 hồ sơ giấy tờ cần được nhập vào hệ thống trong thời gian ngắn, đòi hỏi không chỉ tốc độ mà còn yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Một sai sót nhỏ trong dữ liệu hộ tịch cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân. Do đó, việc vừa đảm bảo tiến độ vừa giữ vững chất lượng dữ liệu là một thử thách không nhỏ đối với các cán bộ tư pháp.
30 ngày đêm không mỏi mệt
Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình số hóa dữ liệu hộ tịch, đội ngũ cán bộ tư pháp tại Nghệ An đã không chùn bước. Với tinh thần trách nhiệm cao, họ sẵn sàng học hỏi, thích nghi với công nghệ mới, trau dồi kỹ năng cần thiết để đảm bảo tiến độ công việc. Họ làm việc không kể ngày đêm, không ngại khó, ngại khổ, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Thành phố Vinh là đơn vị có lượng dữ liệu cần số hóa lớn thứ 2 toàn tỉnh với hơn 44.000 hồ sơ. Tại đây, các cán bộ tư pháp chủ yếu gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ. Hệ thống số hóa là một công cụ mới, đòi hỏi thao tác nhanh và chính xác, trong khi nhiều cán bộ vẫn chưa quen sử dụng.
Ngoài ra, phần mềm số hóa thường xuyên gặp lỗi, cũng gây mất nhiều thời gian xử lý. Để vượt qua trở ngại này, ngoài sự tạo điều kiện giúp đỡ của thành viên Ban chỉ đạo chiến dịch cũng như lãnh đạo thành phố, các cán bộ đã chủ động học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, tổ chức các buổi hướng dẫn nội bộ nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm.
"Lúc đầu, chúng tôi lúng túng vì chưa quen với việc nhập liệu số hóa, cũng như gặp khó khăn do phần mềm bị lỗi. Nhưng dần dần, qua thực hành và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, mọi người đã có thể thao tác nhanh hơn, chính xác hơn," bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Vinh chia sẻ.

Để hoàn thành nhiệm vụ số hóa hộ tịch, các cán bộ tư pháp trên địa bàn toàn tỉnh đã không quản ngày đêm triển khai thực hiện.
Cũng theo bà Thúy, việc hoàn thành nhiệm vụ số hóa hộ tịch không thể không nhắc đến những nỗ lực không mệt mỏi từ các đơn vị cấp xã, họ đã không quản ngày đêm, không kể ngày nghỉ cuối tuần bố trí lực lượng tập trung rà soát và triển khai chiến dịch số hóa.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, thách thức lớn nhất không chỉ là việc tiếp cận công nghệ mà còn là điều kiện hạ tầng. Địa bàn rộng, dân cư sống phân tán khiến việc thu thập và số hóa dữ liệu trở nên khó khăn hơn nhiều. Hạ tầng mạng chưa ổn định, các thiết bị hỗ trợ còn hạn chế cũng là rào cản đáng kể.
"Có những ngày chúng tôi phải di chuyển hàng chục cây số để đến những bản xa, nơi sóng yếu hoặc không có Internet. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ của thành viên ban chỉ đạo chiến dịch và lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đã quyết tâm, cố gắng vượt qua được khó khăn đó" Ông Đặng Quốc Hoàn, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn chia sẻ.
Do khối lượng công việc lớn với hơn 1.400 hồ sơ cần số hóa, các cán bộ tư pháp tại huyện Kỳ Sơn cũng đã phải làm việc liên tục ngày đêm để đảm bảo tiến độ.
"Chúng tôi không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, bởi ngoài việc số hóa, chúng tôi còn phải tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tiếp của người dân. Dù vất vả, nhưng anh em trong đơn vị vẫn động viên nhau cùng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ," ông Hoàn cho biết thêm.
Không chỉ thực hiện số hóa hơn 208.000 nghìn dữ liệu, các cán bộ còn song song thực hiện nhiệm vụ làm sạch dữ liệu để đảm bảo tính chính xác, góp phần quan trọng vào việc tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đây là một bước đi mang tính chiến lược, giúp cho việc quản lý hộ tịch trở nên minh bạch, hiệu quả và thuận tiện hơn cho người dân.

Không chỉ thực hiện số hóa, các cán bộ tư pháp còn song song thực hiện nhiệm vụ làm sạch dữ liệu để đảm bảo tính chính xác.
Bên cạnh những nỗ lực cá nhân, thành công của chiến dịch số hóa hộ tịch không thể thiếu sự chung tay của các cấp, các ngành tại địa phương. Chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa về nhân lực, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tiến độ của chiến dịch. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ, do Quế Phong là huyện miền núi nên việc tiếp cận công nghệ cũng như hạ tầng mạng vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị chung, ngay từ những ngày đầu triển khai, huyện đã chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc số hóa hộ tịch.
“Chúng tôi tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực công nghệ cho các cán bộ tư pháp. Đồng thời, giao Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật. Đối với một số xã khó khăn, huyện đã hỗ trợ kinh phí và một số máy móc để công tác thực hiện số hóa được tốt hơn, đảm bảo đúng tiến độ”, ông Hiền cho hay.
Hành trình 30 ngày đêm khép lại, nhưng những nỗ lực âm thầm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Hơn 208.000 dữ liệu hộ tịch được số hóa không chỉ là con số khô khan, mà là từng mảnh ghép đời sống, từng số phận con người được gìn giữ, bảo vệ trong hệ thống hiện đại và an toàn hơn. Sự thành công của chiến dịch không chỉ thể hiện năng lực tổ chức, mà còn là minh chứng cho tinh thần không lùi bước trước khó khăn, vì một nền hành chính minh bạch, hiệu quả và nhân văn.
Tỉnh Nghệ An có tổng số 2.231.474 dữ liệu hộ tịch, từ năm 2020 đến trước 1/3/2025, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa được 2.023.255 dữ liệu (đạt 91%), dữ liệu chưa được số hóa là 208.219 (chiếm 9%). Đến nay, 100% dữ liệu đã được số hóa thành công.
Còn tiếp...