'Chiến dịch' dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư ở Bình Dương chưa thành, xưởng tự phát lại mọc đầy
Để tránh ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị, tỉnh Bình Dương chấp nhận dự chi 'khủng' để di dời nhà xưởng, công ty ra khỏi khu dân cư đến khu, cụm công nghiệp. Thế nhưng, trong quá trình từng bước thực hiện cuộc 'cách mạng' tăng trưởng xanh này, tình trạng hàng loạt nhà xưởng trái phép lại diễn ra ở một số địa phương.
Di dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư
Gần 3.000 nhà máy, xưởng sản xuất nằm rải rác trong các khu dân cư ở Bình Dương sẽ được di dời đến các cụm, khu công nghiệp để tránh ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị. Khoảng 1.800 ha đất sau khi di dời các nhà máy, doanh nghiệp (DN) sẽ được chuyển đổi công năng, phục vụ đời sống người dân tại Bình Dương.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, theo kế hoạch vào tháng 6 tới sẽ trình HĐND tỉnh thông qua về việc di dời các nhà máy, DN hoạt động sản xuất công nghiệp nằm trong các khu dân cư.
Về chính sách hỗ trợ đối với DN, Bình Dương dự kiến hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất, hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỷ đồng cho 1 cơ sở). Với nhóm thứ hai, hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, số DN phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp chiếm 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, đề án di dời các DN trong khu dân cư là một chủ trương lớn của tỉnh; kế hoạch di dời được thông báo trước để các DN có thời gian chuẩn bị. Cụ thể, TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát theo kế hoạch bắt đầu di dời từ tháng 1/2024.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết thêm, địa phương hiện có 29 KCN, trong đó 27 khu đã hoạt động và lấp đầy hơn 85%; 12 cụm công nghiệp lấp đầy khoảng 68%. Do đó với diện tích còn lại thì các khu, cụm công nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu di dời của DN theo kế hoạch.
Xưởng cũ chưa dời, xưởng tự phát lại mọc lên
Trong khi ngành chức năng của tỉnh Bình Dương đang “sốt sắng” đẩy nhanh các thủ tục để thực hiện chiến dịch di dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư, hiện xảy ra tình trạng nhiều nhà xưởng tự phát mọc đầy ở các địa phương được chọn thí điểm để di dời.
TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Tân Uyên… là các địa phương được chọn thí điểm di dời nhà xưởng, xảy ra tình trạng nhà xưởng xây trái phép, nhưng chưa được xử lý dứt điểm, thể hiện sự yếu kém trong quản lý xây dựng cấp cơ sở.
Ghi nhận cho thấy, tại phường Hưng Định (TP. Thuận An) một nhà xưởng rộng khoảng 1.000m2 vừa được xây dựng. Khi được hỏi về pháp lý khu nhà xưởng này, đại diện phường Hưng Định cho biết, nhà xưởng này của một hộ dân tự ý san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu để làm khu nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Khi công trình thi công đạt khoảng 60% chính quyền địa phương mới phát hiện.
Vào giữa tháng 3/2023, công trình nhà xưởng gần hoàn thiện cán bộ phường Hưng Định mới tiến hành lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công. “Chủ thầu lén xây dựng công trình vào ban đêm và các ngày thứ 7, chủ nhật. Sau khi phát hiện, phường đã làm báo cáo gửi về TP.Thuận An để phối hợp xử lý. Công trình bị xử phạt 70 triệu đồng, buộc tháo dỡ, nếu không tự nguyện sẽ tiến hành cưỡng chế”, đại diện phường Hưng Định cho hay.
Tại khu dân cư Thuận Giao (phường Thuận Giao, TP. Thuận An), ghi nhận cho thấy có 2 nhà xưởng đã xây dựng gần hoàn thiện trên diện tích hàng trăm m2 mỗi xưởng.
Chủ tịch UBND phường Thuận Giao Nguyễn Thị Kim Ngọc thừa nhận trên địa bàn có công trình nhà xưởng tự phát, đã xử lý nhưng chưa triệt để. Theo bà Ngọc, trên địa bàn có 8 công trình xây dựng không phép. Trong đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 7 công trình, một trường hợp chưa lập biên bản vi phạm hành chính do chưa liên hệ được với chủ đầu tư.
Tương tự, tại các phường Tân Phước Khánh, Khánh Bình (TP. Tân Uyên), qua khảo sát cho thấy có một số căn nhà xưởng, diện tích từ 300m2 đến hơn 1.000m2 được xây dựng trên các thửa đất nông nghiệp.
“Các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn chủ yếu tồn tại từ trước đây, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý, có công trình đã tổ chức cưỡng chế. Chúng tôi xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ trực tiếp quản lý nếu phát hiện công trình xây dựng trái phép”, Chủ tịch UBND TP. Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho hay.
Tại TP. Dĩ An, ngoài những công trình nhà xưởng đã tồn tại từ lâu, cũng dễ dàng nhận ra các nhà xưởng mới được xây dựng, có nhà xưởng vừa xây xong còn đặt biển cho thuê.
Tại khu tái định cư Hố Lang (phường Tân Bình, TP. Dĩ An) là khu đất được bố trí cho các hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng Khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang với quy mô 32ha.
Quy hoạch của khu đất này là đất ở tại đô thị, tuy nhiên, xuất hiện một số nhà xưởng. Ghi nhận cho thấy, bên cạnh các nhà xưởng được xây dựng từ trước và đi vào hoạt động với các ngành nghề cơ khí chế tạo, thu gom phế liệu, có nhiều nhà xưởng liền kề vừa được xây dựng xong.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình Thái Dương Quang thừa nhận có tình trạng xây dựng nhà xưởng trong khu tái định cư Hố Lang. Theo ông Quang, một số công trình được xây dựng từ năm 2020, chủ đầu tư ban đầu xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng sau đó lại xây nhà xưởng.
Đối với các công trình xây dựng trái phép, UBND phường Tân Bình nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và UBND TP. Dĩ An đã ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu chủ các công trình tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng. Tuy nhiên, đến nay chủ các công trình sai phạm vẫn chưa chấp hành.