Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mang ý nghĩa to lớn

Tại Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971-Giá trị lịch sử và hiện thực', các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ diễn biến, tình hình, nghệ thuật tổ chức và chỉ huy chiến dịch của các LLVT Quân giải phóng, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số tham luận tại hội thảo.

Đại tá, TS Phạm Đình Bách, Phó chủ nhiệm Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng:

Nghệ thuật lập thế trận sáng tạo, linh hoạt

Đại tá, TS Phạm Đình Bách.

Đại tá, TS Phạm Đình Bách.

Để hình thành thế trận có lợi, ta đã đưa Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 vào cài sẵn thế trận, tạo chốt chặn chiến dịch ở khu vực cầu Cha Ky và Điểm cao 351, cùng các lực lượng tại chỗ chặn địch tiến công, tạo thế. Bộ Quốc phòng điều động 10 tiểu đoàn pháo cao xạ vào Quân khu 4 nhằm tăng thêm lực lượng bảo vệ các tuyến giao thông vận tải, các mục tiêu trọng yếu và tăng cường 10 đại đội bộ đội địa phương cho các huyện ven biển phía bắc Quân khu 4, sẵn sàng đánh địch tập kích đường biển.

Nét nổi bật trong nghệ thuật lập thế trận là ta đã kết hợp chặt chẽ giữa thế chốt chặn với triển khai thế trận đánh địch rộng khắp, kìm hãm toàn bộ quân địch tại Bản Đông, tạo ra thế và thời cơ thuận lợi để tập trung lực lượng bẻ gãy từng cánh quân địch. Thực tế diễn ra đã khẳng định: Bằng thế trận chốt chặn vững chắc, kết hợp với thế trận đánh địch rộng khắp, chiến dịch đã buộc địch đang từ thế chủ động tiến công rơi vào thế bị động đối phó ở cả 3 cánh quân, tạo điều kiện thuận lợi để chiến dịch tiêu diệt từng bộ phận quân địch.

Ta đã chuyển hóa thế trận rất linh hoạt và tạo ưu thế về lực lượng đánh những trận quyết định tiêu diệt từng cánh quân địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, kết thúc chiến dịch. Để đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719, chiến dịch đã không dàn đều lực lượng đối phó với cả 3 cánh quân, mà tập trung lực lượng tiến hành cô lập trên từng hướng, bẻ gãy từng cánh quân, khiến chúng không thể hỗ trợ cho nhau, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Sự chuyển hóa thế trận linh hoạt của ta không chỉ chặn đứng các mũi, hướng tiến công của địch, mà còn tạo được thế có lợi để chuyển sang tiến công tiêu diệt lớn quân địch, làm cho địch phòng ngự ở khu vực Bản Đông hoang mang, dao động tột độ, phải bỏ trận địa, luồn rừng tháo chạy; ta tổ chức truy kích, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, kết thúc chiến dịch thắng lợi.

Hiện nay, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), các yếu tố về địch, về ta và môi trường tác chiến đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng dự báo phản công vẫn là một loại hình tác chiến cơ bản. Tác chiến phản công sẽ được tiến hành trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, có thể diễn ra trên địa bàn rộng, với nhiều lực lượng tham gia, tính biến động giữa ta và địch rất cao, diễn biến phức tạp; có thể sẽ diễn ra trên nhiều dạng địa hình và môi trường tác chiến khác nhau. Đây là điểm khác biệt lớn so với lập thế trận trong chiến tranh giải phóng, khi các hoạt động quân sự của ta và bạn chủ yếu diễn ra ở vùng rừng núi của nước ta và bên nước bạn Lào, Campuchia. Bởi vậy, lập thế trận cho hoạt động tác chiến phản công cũng phải điều chỉnh, phát triển cho phù hợp...

Lập thế trận trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 được ta chủ động hoạch định sớm, tổ chức, tiến hành bằng nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với từng hướng chiến trường, từng giai đoạn tác chiến, góp phần quan trọng để ta giành được thắng lợi về chiến thuật, chiến dịch và cả về chiến lược. Nhất là, nghệ thuật lập thế trận đã có nhiều thành công về xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và xử trí các tình huống tác chiến. Đây là những kinh nghiệm quý vừa có ý nghĩa về lịch sử, vừa có giá trị lý luận để phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, cũng như định hướng vận dụng trong điều kiện tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

--------------

Đại tá, PGS, TS Đoàn Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị:

Đòn đánh vào ý chí của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn

 Đại tá, PGS, TS Đoàn Ngọc Hải.

Đại tá, PGS, TS Đoàn Ngọc Hải.

Mặc dù lực lượng địch rất hùng hậu nhưng chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, lấy lực lượng chủ lực làm chính, kết hợp với LLVT các địa phương và các đơn vị tại chỗ, với phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng, cách đánh tài giỏi, mưu trí, sáng tạo, quyết liệt, liên tục phản công, tiến công địch, quân và dân Mặt trận Đường 9-Nam Lào đã đánh cho quân ngụy Sài Gòn tan tác. Như thế, cuộc hành quân Lam Sơn 719 với ý đồ thử sức sự thay thế quân ngụy cho quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã biến thành một thất bại to lớn về quân sự của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Trên thực tế, hy vọng của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn về lực lượng có thể thay thế quân đội Mỹ trên chiến trường đã bị bẻ gãy.

Chiến thắng Đường 9-Nam Lào đã làm thất bại sự nỗ lực cao nhất của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn nhằm ngăn chặn, chấm dứt sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia.

Việc Mỹ-ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra Đường 9-Nam Lào không chỉ kiểm nghiệm khả năng tác chiến của quân ngụy và hướng đến mục tiêu ngăn chặn, cắt đứt tuyến hậu cần chiến lược của ta mà còn cô lập cuộc kháng chiến ở miền Nam cũng như ở Campuchia và Lào. Tuy nhiên, ý đồ chiến lược đó của đối phương không thể thực hiện được. Chiến dịch kết thúc, chúng không những không cắt được đường Trường Sơn, trái lại con đường này tiếp tục được củng cố và phát triển cả phía đông và tây, tiếp tục vận chuyển sức người, sức của cho các chiến trường trên bán đảo Đông Dương.

Chiến thắng Đường 9-Nam Lào làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ chủ trương từng bước rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, tạo điều kiện để quân ngụy mạnh lên, từng bước thay thế quân Mỹ tác chiến trên chiến trường. Do đó, khi chiến lược “Chiến tranh cục bộ” phá sản, Mỹ ồ ạt viện trợ tài chính, vũ khí, trang bị cho ngụy quyền Sài Gòn xây dựng các đơn vị chủ lực mạnh làm lực lượng dự bị chiến lược cho cuộc chiến sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam. Do vậy, cuộc hành quân Lam Sơn 719 khảo nghiệm khả năng tác chiến của quân ngụy bị thất bại hoàn toàn, là đòn chí mạng đánh vào ý đồ của Mỹ khi thực hiện công thức: Quân ngụy Sài Gòn+cố vấn Mỹ+hỏa lực, hậu cần Mỹ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Cùng với đó, mục tiêu ngăn chặn, cắt đứt sự viện trợ của miền Bắc cho miền Nam trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng bị đánh sập. Con đường huyền thoại Trường Sơn không những không bị xóa bỏ mà còn được mở rộng, phát triển, trở thành một trong những biểu tượng của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương, nhất là mối liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân và quân đội Việt Nam với nhân dân và quân đội Lào.

----------------------------

Đại tá, Ths Phùng Thị Hoan, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam:

Tạo bước phát triển cho cách mạng Lào, Campuchia

 Đại tá, Ths Phùng Thị Hoan.

Đại tá, Ths Phùng Thị Hoan.

Phối hợp với Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, những ngày đầu năm 1971, liên quân Lào-Việt mở đợt hoạt động quân sự giải phóng cao nguyên Bôlôven, khôi phục các khu vực Xaravan-Thà Teng, Làu Ngam, đuổi địch ra khỏi Pặc Xoòng, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược. Ở phía tây Đường 9, liên quân Lào-Việt Nam đánh bật địch khỏi Mường Pha Lan. Kế tiếp Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Quân giải phóng nhân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam phối hợp tác chiến mạnh mẽ, điển hình như Chiến dịch phản công Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Loong Chẹng... tiến công giải phóng thị trấn Kông Sêđôn (Xaravan), góp phần đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trong khi Chiến dịch Đường 9-Nam Lào giành thắng lợi, chiến dịch phản công ở Đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia đánh bại cuộc hành quân toàn thắng 1-71 của địch vẫn đang tiếp diễn. Sau gần 4 tháng (từ ngày 4-2 đến 31-5-1971), LLVT giải phóng miền Đông Nam Bộ và LLVT cách mạng Campuchia đã đánh bại cuộc hành quân Toàn Thắng 1-71, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bảo vệ cơ quan, kho tàng, hành lang chiến lược của cách mạng. Đồng thời, Quân giải phóng miền Nam và lực lượng cách mạng Campuchia đánh bại các cuộc hành quân của ngụy quân và chính quyền Lon Non (Campuchia). Cùng với đó, Chiến dịch Tây Phnôm Pênh cũng giành được những thắng lợi to lớn, uy hiếp cơ quan Trung ương đầu não của địch, phân tán lực lượng tiến công trên Đường số 6.

Những thắng lợi về quân sự của cách mạng Việt Nam và Campuchia trong năm 1971 đã làm phá sản ý đồ của Mỹ muốn giành lại thế chủ động trên chiến trường Campuchia. Vùng giải phóng được củng cố và mở rộng. Hệ thống tổ chức mặt trận và chính quyền nhân dân không ngừng được củng cố, vững mạnh. Uy tín của Mặt trận thống nhất dân tộc và Chính phủ đoàn kết dân tộc Campuchia tăng cao.

Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào đã tạo nên bước tiến vững chắc, góp phần tạo nên bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng Lào và Campuchia, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương cùng chống kẻ thù chung. Đây là tiền đề góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của nhân dân 3 nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975.

---------------------

PGS, TS Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế:

Đối phương thừa nhận thất bại trong cuộc hành quân Lam Sơn 719

 PGS, TS Hoàng Chí Hiếu.

PGS, TS Hoàng Chí Hiếu.

Là cuộc hành quân quy mô lớn nhất của ngụy quân Sài Gòn cho đến năm 1971 nhưng Lam Sơn 719 “đã bị đánh bại trước khi đạt được các mục tiêu đã định ban đầu”. Qua các tài liệu của đối phương cho thấy, thất bại này bắt nguồn từ những sai lầm chủ yếu sau:

Một là, dự tính khả năng của đối phương không chính xác, gồm: Lực lượng chiến đấu tại chỗ, lực lượng pháo binh dã chiến, pháo phòng không, lực lượng tăng thiết giáp cùng khả năng tăng viện chiến trường. Cụ thể, sai lầm này xuất phát từ việc thu thập thông tin và đánh giá tình hình không chính xác của tình báo Mỹ-ngụy. Khi xây dựng kế hoạch, đối phương ước tính ta chỉ có 11.000 đến 12.000 quân trong khu vực, nhưng trong đó chỉ có khoảng 50% là lực lượng chiến đấu. Và địch cho rằng phải mất 1 tháng ta mới có thể đưa được 1 sư đoàn từ miền Bắc vào chiến trường. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ trong vòng 2 tuần, đã có đến 5 sư đoàn Quân giải phóng miền Nam tham gia chiến đấu. Ngụy quân Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ bởi sự áp đảo về hỏa lực pháo binh, phòng không và đặc biệt là sự tham chiến của các loại xe tăng có những tính năng vượt trội của QĐND Việt Nam.

Hai là, dự báo thời tiết không chính xác, thời tiết tại khu vực hành quân thay đổi thất thường, mưa lạnh, mây mù dày đặc khiến việc chuyển quân bằng trực thăng, sự yểm trợ và can thiệp bằng hỏa lực của không quân chiến thuật bị hạn chế rất nhiều. Cũng do thời tiết thất thường, hỏa lực phòng không đối phương quá mạnh nên việc tiếp tế cho các đơn vị quá chậm trễ khiến một số đơn vị bị đói, khát, do đó gây nên sự mất niềm tin của binh sĩ trong lúc hành quân.

Ba là, những yếu kém về chiến thuật, thể hiện qua các mặt sau: Nhu cầu của cuộc hành quân chiến lược đòi hỏi phải chiếm Sê Pôn nhanh để củng cố chỗ đứng, ở lại lâu ngày để lùng sục tiêu diệt và phá hủy toàn bộ hệ thống tiếp vận của đối phương cho chiến trường miền Nam, nhưng việc xử lý tình huống kém, bị Quân giải phóng chia cắt, ngăn chặn mà không có cách nào để vượt qua.

Bốn là, dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu về quân sự của Mỹ, nguyên nhân thất bại chủ yếu của Lam Sơn 719 là do sự yếu kém của ngụy quân Sài Gòn, từ cấp chỉ huy cao nhất đến năng lực chiến đấu của binh sĩ trên chiến trường, kết hợp với sự quan liêu, chủ quan của cố vấn Mỹ... Tóm lại, các tài liệu của Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đều thừa nhận một thực tế, kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” đầy rẫy những mâu thuẫn mà cơ bản nhất là giữa yêu cầu rút nhanh quân Mỹ về nước với yêu cầu phải giành thắng lợi quyết định. Tuy nhiên, có một vấn đề mà ngụy quân Sài Gòn từng thừa nhận đó là đội quân chiến đấu mà phụ thuộc vào quân đội khác cả về tham mưu, bảo đảm, trinh sát, tình báo... thì khó có thể trụ vững trên chiến trường. Đó chính là thực tế của ngụy quân Sài Gòn trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chien-dich-duong-9-nam-lao-mang-y-nghia-to-lon-654672