Chiến dịch hậu trường của Mỹ với Ả Rập Saudi, Israel và Ai Cập
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lặng lẽ làm trung gian giữa Ả Rập Saudi, Israel và Ai Cập. Nếu thành công, đây có thể là bước đầu tiên trên con đường bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel.
Các nguồn tin của Mỹ và Israel tiết lộ với trang Axios rằng động thái trên liên quan đến vấn đề chuyển giao chủ quyền hai hòn đảo chiến lược (Tiran và Sanafir) trên biển Đỏ từ Ai Cập cho Ả Rập Saudi. Nếu đạt được đồng thuận, đó sẽ là một thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng đối với chính quyền ông Biden ở Trung Đông.
Theo các nguồn tin của Mỹ và Israel, thỏa thuận chưa hoàn tất và các cuộc đàm phán "nhạy cảm" đang diễn ra. Ông Brett McGurk - điều phối viên Trung Đông của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - là nhân vật quan trọng của chính quyền ông Biden trong các nỗ lực hòa giải hiện tại.
Các nguồn tin cho biết thêm Nhà Trắng muốn đạt được thỏa thuận trước chuyến công du của Tổng thống Biden tới Trung Đông vào cuối tháng 6. Trong chuyến công du, có thể ông Biden sẽ dừng chân ở Ả Rập Saudi.
Một số nguồn tin Ả Rập xác nhận chuyến công du cũng sẽ bao gồm hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Oman, Qatar, Kuwait, Ai Cập, Jordan và Iraq.
Tuy hai đảo Tiran và Sanafir không có người ở nhưng nằm ở cửa ngõ ra vào vịnh Aqaba. Đây là vị trí chiến lược vì có thể kiểm soát được tuyến hàng hải dẫn đến cảng Eilat của Israel nhờ vào eo biển Tiran.
Các quan chức Ả Rập Saudi và Ai Cập nói rằng Ả Rập Saudi đã trao cho Ai Cập quyền kiểm soát quần đảo này vào năm 1950. Sau đó, chúng được phi quân sự hóa theo Hiệp ước hòa bình Israel - Ai Cập năm 1979. Tuy nhiên, vẫn còn một số khúc mắc chưa được giải quyết.
Theo các nguồn tin, chính quyền ông Biden tin rằng việc hoàn tất thỏa thuận có thể xây dựng lòng tin giữa các bên, tạo ra sự cởi mở cho mối quan hệ nồng ấm giữa Israel và Ả Rập Saudi - hai quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Đây sẽ là thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông kể từ Hiệp định Abraham, do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian và dẫn đến các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Morocco.
Thời điểm đó, Ả Rập Saudi ủng hộ Hiệp định Abraham nhưng đã nói rõ nước này sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel, trừ phi có tiến bộ trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
Các cuộc đàm phán thành công được cho cũng có thể làm giảm căng thẳng giữa chính quyền ông Biden và Ả Rập Saudi.
Nhà Trắng và Văn phòng thủ tướng Israel từ chối bình luận về thông tin liên quan đến 2 đảo Tiran và Sanafir ở biển Đỏ. Đại sứ quán Ả Saudi và Ai Cập chưa trả lời yêu cầu bình luận.